Ý nghĩa và tiềm năng của việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí
Saturday, October 4, 2014
Quan hệ Việt-Mỹ từ chỗ không hoàn toàn bình thường đã trở thành bình thường.
Thế là gần 40 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, hai “cựu thù” – Mỹ và Việt Nam – cuối cùng đã đạt đến sự bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ song phương. Việc chính phủ Mỹ ngày 2/10 tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là lệnh cấm vận cuối cùng được dỡ bỏ. Quyết định này được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chính thức thông báo trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington. Quyết định được đưa ra sớm hơn những dự đoán của giới chuyên gia quốc tế. Quan hệ Việt-Mỹ từ chỗ không hoàn toàn bình thường đã trở thành bình thường.
Lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đưa ra từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Vũ khí thông thường được chia làm 2 loại là vũ khí sát thương và phi sát thương. Theo định nghĩa của NATO, vũ khí sát thương là những vũ khí được thiết kế và phát triển nhằm vô hiệu hóa hoặc trấn áp đối phương nhưng gây ra khả năng chết người hoặc bị thương vĩnh viễn thấp, hoặc để vô hiệu hóa thiết bị mà gây ra thiệt hại tối thiểu hay tác động ít nhất tới môi trường.
Vũ khí sát thương lại chia thành 2 loại: vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ. Bước đầu tiên sẽ là các hệ thống phòng thủ biển. Trong tương lai dỡ bỏ lệnh cấm sẽ mở rộng ra cho việc mua bán các hệ thống trên không cũng như các loại tàu chiến. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua máy bay trinh sát săn tàu ngầm P-3 Orion và các hệ thống radar Raytheon từ Mỹ trong thời gian tới. Mỹ sẽ tiếp tục bán các loại vũ khí hiện đại hơn cho Việt Nam, trong đó có các hệ thống trên không và cả tàu chiến, phù hợp với sự phát triển của tình hình khu vực và quan hệ hai nước.
Máy bay P-3 Orion, "sát thủ săn tàu ngầm", được xem là một trong các ưu tiên mua sắm trang thiết bị quốc phòng sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được Mỹ dỡ bỏ
Ông Kerry cho biết Washington điều chỉnh chính sách hiện thời “để cho phép chuyển giao các vũ khí phòng thủ, trong đó có vũ khí phòng thủ sát thương nhằm phục vụ các mục đích an ninh hàng hải”. Quyết định mới này được sự ủng hộ của lưỡng đảng và quốc hội Mỹ. TNS John McCain nhận xét: “Giảm bớt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam với mục đích an ninh hàng hải sẽ giúp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa chúng ta theo cách có lợi cho cả hai nước”.
Trọng tâm của việc dỡ bỏ từng phần lệnh cấm lần này là cung cấp vũ khí phòng thủ nhằm hỗ trợ Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình trên Biển Đông trong bối cảnh những thách thức đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cũng như an ninh và tự do hàng hải quốc tế trên vùng biển này có những phát triển ngày càng phức tạp.
Điều này phù hợp với mục đích xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phù hợp với chủ trương của chính quyền Obama thực hiện “xoay trục”/tái cân bằng chiến lược sang châu Á. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ vào tháng 7/2013.
Đồng thời, bước đi này mang ý nghĩa tượng trưng. Về phía Việt Nam, nhu cầu nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia đi liền với tiềm lực quốc gia, phù hợp với chính sách độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước và không gây thù oán với một ai. Nhu cầu này cũng xuất phát từ vị trí địa-chiến lược của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia biển có 1 triệu km vuông. Xây dựng một quốc gia biển mạnh, một nền kinh tế biển hiện đại là một nhu cầu cấp bách trong công cuộc hiện đại hóa đất nước trong thế kỷ 21. Những vũ khí Việt Nam mua và trang bị mang tính hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ này. Ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ có những khí tài hiện đại giúp Việt Nam không ngừng bổ sung, nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như lợi ích an ninh và hàng hải. Ngoài ra, không kém phần quan trọng, việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sẽ tạo điều kiện để Việt Nam mua các trang bị quốc phòng phù hợp từ các nước thứ ba có các yếu tố công nghệ và kỹ thuật sản xuất tại Mỹ hoặc hợp tác với Mỹ.
Trong các năm qua, nhiều chính khách Mỹ, kể cả cấp cao nhất, tuyên bố rằng, Mỹ muốn một nước Việt Nam mạnh, ổn định, thịnh vượng, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Tuyên bố ngày 20/10 vừa rồi là một tín hiệu tích cực cho thấy giữa Mỹ và Việt Nam có sự trùng hợp về lợi ích và sự tin cậy đã được tăng cường một bước đáng kể. Sự việc Việt Nam kiên quyết và khôn khéo bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 hạ đặt trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng 2 tháng rưỡi từ ngày 1/5 năm nay là một cột mốc làm thay đổi nhận thức của chính quyền, chính giới và dư luận Mỹ về Việt Nam. Nó cho thấy nếu chúng ta bình tĩnh nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình, chúng ta sẽ được thế giới tôn trọng, lắng nghe và ủng hộ./.
Người bình luận - ToQuoc.gov.vn
Tags:
VietNam-US
Comments[ 0 ]
Post a Comment