Rất có thể, việc cấp tốc cải tạo và xây dựng trên các bãi đá ngầm như Gạc Ma, Chữ Thập... nằm trong ý đồ chiến lược của TQ đặt công luận quốc tế vào việc đã rồi trước khi Tòa án quốc tế ra phán quyết.
Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines.
Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hong Kong) dẫn lời các chuyên gia TQ cho hay, TQ có thể biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Chữ thập hiện có diện tích khoảng 1 km2 và việc cải tạo đất ở đây có thể vẫn còn tiếp diễn. Quá trình mở rộng đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và có khả năng rạn san hô này sẽ còn vượt mặt cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Có thể nói đây chỉ là bước đi tiếp theo trong "con bài" đảo nhân tạo mà một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng trong thời gian tới. Vậy đằng sau quân bài này là gì?
TQ đã biến bãi ngầm Chữ Thập thành hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa. Ảnh: SCMP
"Giữ nguyên hiện trạng" kiểu TQ
Sân bay trên đảo chìm Gạc Ma đã gây ra làn sóng phản đối chỉ trích, lên án dữ dội từ nhiều nước ASEAN và thế giới. Các hình ảnh do Philippines cung cấp cho thế giới cho thấy một sân bay có 2 đường băng và 2 cầu cảng dài vắt qua đảo Gạc Ma đã hiện nguyên hình dáng. Bản thân TQ cũng không hề từ chối xác nhận như trước kia. Họ đã công khai thách thức các nước trong khu vực và thế giới rằng: "Đó là quyền của TQ!".
So với việc xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm, sân bay trên đảo Gạc Ma được xây dựng thần tốc đáng kinh ngạc. Những bức ảnh của Philippines công bố cho thấy TQ đã huy động 6 tàu hút cát khổng lồ hoạt động ngày đêm chẳng khác gì một công trường lớn trên vùng biển của Việt Nam. Trên đảo Chữ Thập cũng vậy, TQ tăng tốc xây sân bay ở đây. Khi cả thế giới biết rõ hành vị xây sân bay trên Gạc Ma thì chính TQ công bố luôn sân bay trên đảo Chữ Thập!
Theo báo Kanwa của Đài Loan thì không chỉ trên Gạc Ma và Chữ Thập, TQ đã tiến hành cải tạo "thần tốc" cùng lúc 6 bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà họ đã dùng vũ lực chiếm đoạt của Việt Nam. Dự án "cải tạo, xây dựng đảo quy mô" tại các khu vực tranh chấp là biện pháp thực hiện chiến lược thôn tính biển Đông, hiện thực hóa "đường lưỡi bò" của TQ.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, nhận định: "Việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông giúp TQ củng cố các yêu sách về chủ quyền, tạo ưu thế chiến lược trên Biển Đông". Rõ ràng, những hành động này về bản chất là cuộc xâm lược, trái ngược hoàn toàn với tuyên bố "không có máu xâm lược và bành trướng" như lãnh đạo TQ đã nói.
Đây không phải là lần đầu tiên TQ sử dụng biện pháp xâm lấn từng bước. Giải pháp chính để xử lý căng thẳng trên biển Đông được Liên hiệp quốc đưa ra là "Giữ nguyên hiện trạng" được TQ vận dụng... theo cách của mình. Một mặt TQ chủ động gây hấn, thay đổi và ngay sau đó áp dụng "giữ nguyên hiện trạng" chiếm giữ như đã từng chiếm Hoàng Sa năm 1974 rồi "giữ" cho đến nay. Hoặc tấn công chiếm Gạc Ma và các đảo khác năm 1988 rồi "giữ", biến lãnh hải của nước khác thành "vùng tranh chấp" với TQ.
Nếu tính từ đầu thế kỷ 20, khi TQ bắt đầu thực sự "để mắt" đến biển Đông cho đến nay, có thể thấy thủ đoạn của TQ thường xuyên là chủ động gây hấn, chiếm đoạt và ra sức lấn chiếm mở rộng. Yêu sách "đường lưỡi bò" của TQ kéo dài tận lãnh hải của Indonesia. Các biện pháp quân sự để đột phá hiện trạng sẽ mở đường cho các biện pháp dân sự tiếp theo. Trong đó, các biện pháp dân sự được sử dụng đa dạng, biến hóa khôn lường.
Sau vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, TQ xua gần 10 vạn tàu cá ồ ạt vào khai thác. Tiếp theo đó là xây dựng cải tạo trên các bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên... thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Âm mưu đặt Tòa án quốc tế vào sự đã rồi
Năm 2012, Philippines đã có hành động quyết liệt đưa đơn kiện TQ lên Tòa án quốc tế sau sự kiện TQ chiếm bãi cạn Scarbough (TQ gọi là Hoàng Nham). Trong đơn kiện của Philippines có nội dụng tố cáo TQ chiếm đảo và xây dựng biến đảo ngầm thành đảo nhân tạo.
Mặc dù trước đó TQ đã long trọng cam kết với các nước ASEAN và quốc tế là "sẽ giữ hòa bình ổn định trên biển Đông" nhưng sau sự kiện Scarbough, TQ tiếp tục mở rộng chiếm bãi James vào năm 2013 mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
TQ không thừa nhận vai trò của Tòa án quốc tế trong việc thụ lý đơn kiện của Philippines, nhưng thật sự TQ không phải là không quan tâm. Song song với chiến dịch ngoại giao rầm rộ, chia rẽ các nước ASEAN, TQ đang ráo riết đặt công luận quốc tế vào việc đã rồi trước khi Tòa án quốc tế ra phán quyết nhiều khả năng bất lợi cho TQ.
Rất có thể, việc cấp tốc cải tạo và xây dựng trên các bãi đá ngầm Gạc Ma, Chữ Thập và Châu Viên nằm trong ý đồ chiến lược đó. Báo chí Đài Loan đã mô tả khá chi tiết các chuyến đi thị sát của giới tướng lĩnh TQ xuống tận Trường Sa và đưa ra nhiều nhận định "bắt bài" như: "TQ sẽ tuyên bố quyền tài phán trên các đảo Gạc Ma, Chữ Thập nay mai".
Theo Đại tá Nguyễn Đôn Hòa, nguyên phó chủ nhiệm kỹ thuật Hải quân,TQ không ngừng xây dựng sân bay trên các đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa, VN), Gạc Ma (thuộc Trường Sa) mà họ đã chiếm đóng bằng vũ lực vào những năm 1974, 1988 là thủ đoạn thâm hiểm về địa chính trị và chính trị hơn là về quân sự. Bởi cho đến nay các sân bay quân sự TQ xây dựng tại Phú Lâm và Gạc Ma chỉ để máy bay trực thăng hạ cánh và cất cánh. Máy bay tiêm kích và cường kích không thể xuống được do hạn chế về chiều dài.
Hơn nữa, sức mạnh quân sự trên biển không phải trông vào "tàu sân bay không thể chìm" như báo chí TQ tuyên bố mà ở máy bay và tàu chiến. Trong thời gian đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò tại vùng biển Việt Nam, các máy bay quân sự của TQ thường xuyên hỗ trợ trên không cũng đều xuất phát từ sân bay trên đảo Hải Nam cách khá xa, chứ không phải trên đảo Phú Lâm gần hơn.
Ví von một cách hình ảnh, Đại tá Đôn Hòa cho rằng thực chất thủ đoạn của TQ là: "Con cáo muốn vào nhà con thỏ để ăn thịt thỏ cũng bắt đầu bằng cách thò từng chân vào. Khi đã thò đủ 4 chân thì cáo sẽ nhảy bổ vào nuốt chửng thỏ. TQ đang từng bước kiểu như vậy!".
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: "Sau khi củng cố xong các căn cứ đủ mạnh ở Trường Sa, TQ sẽ đòi quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế để kiểm soát tất cả các hoạt động giao thương qua lại trên biển Đông. Đây là âm mưu thâm độc của TQ nhằm củng cố sức mạnh và tiến tới khống chế toàn bộ tuyến hàng hải quốc tế"
Duy Chiến - Báo VietNamNet
Comments[ 0 ]
Post a Comment