Ấn Độ tăng cường vị thế chiến lược của mình trong Biển Đông
Friday, October 31, 2014
Hôm thứ Ba, trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một loạt thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.
Điều này gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, là quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong biển Đông. Trong thực tế, sự tranh chấp lãnh thổ không ngăn cản Ấn Độ hay Việt Nam phát triển hợp tác hiệu quả với Trung Quốc. Theo ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, trong bối cảnh đó, bộc lộ vấn đề lãnh thổ chỉ làm lợi cho các thế lực bên ngoài khu vực mà trong những năm gần đây được gọi là khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương..
Thỏa thuận thu hút sự chú ý của hầu hết các phương tiện truyền thông thế giới là hợp đồng cung cấp các tàu chiến cho Việt Nam. Một tháng trước, Ấn Độ đã mở hạn mức tín dụng cho Việt Nam 100 triệu đô la Mỹ nhằm mục đích để Việt Nam tăng cường mua sắm vũ khí. Ông Boris Volkhonsky cho biết:
“Thỏa thuận này và các thỏa thuận khác đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc mở rộng sự tham gia của Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam sẽ gây ra phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh coi các thỏa thuận là tham vọng của của Ấn Độ không chỉ để tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, mà còn nâng cao vai trò chính trị của mình trong các vấn đề biển Đông. Như đã biết, Trung Quốc có các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết được với các nước láng giềng trên biển, trong đó tranh chấp với Việt Nam có lẽ là sâu sắc hơn cả.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng những tranh chấp này chỉ nên được giải quyết trực tiếp giữa các bên tham gia xung đột, vì vậy Ấn Độ không nên can thiệp. Ông Hồng Lỗi cũng cảnh báo Ấn Độ rằng tất cả công việc chung với Việt Nam về thăm dò và khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa nên được giới hạn ở những khu vực chỉ thuộc về Việt Nam và Trung Quốc không tranh chấp.
Có một điều lạ rằng gần như đồng thời, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và bây giờ là ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm Hà Nội. Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh tính chất chiến lược trong quan hệ đối tác của Trung Quốc và Việt Nam. Ông Dương, cũng như các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều ghi nhận rằng quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện dần. Hơn nữa, trong một tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ cố gắng kiềm chế để tránh giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực. Ông Boris Volkhonsky nói tiếp:
“Nghịch lý của tình hình là cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhưng điều này không ngăn cản hai nước phát triển quan hệ kinh tế và thương mại hiệu quả với Bắc Kinh. Đối với cả hai quốc gia, Trung Quốc là đối tác thương mại chính, và tính chất đối tác trong quan hệ đã thể hiện trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Chín.”
Trong bối cảnh này, một số phản ứng của Trung Quốc trước quan hệ hợp tác Việt Ấn có vẻ thiếu cơ sở. Dù sao đi nữa, hai quốc gia này có quyền phát triển quan hệ với nhau, bất chấp quan điểm của các bên thứ ba. Điều này hoàn toàn áp dụng đối với sự hợp tác quân sự-kỹ thuật mà trong thế giới ngày nay là một trong những lĩnh vực chính trong giao thương của nhiều quốc gia. Ông Boris Volkhonsky ghi nhận:
“Nhưng chúng ta cần lưu ý tới một yếu tố khác là tranh chấp lãnh thổ và đối đầu quân sự-chính trị trong biển Đông không thể được xem xét bên ngoài bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn. Và bối cảnh này được xác định bởi sự hiện diện thường xuyên của một cầu thủ không liên quan đến khu vực này, cụ thể là Hoa Kỳ. Cuối năm 2011, Washington đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng Đông Á nói chung và Biển Đông nói riêng là khu vực lợi ích quan trọng của Mỹ. Mặc dù từ đó đến nay sự chú ý của Washington đã được phần lớn tập trung vào sự kiện hỗn loạn ở Trung Đông và Đông Âu, Mỹ vẫn không giảm bớt sự chú ý của mình đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, trong chiến lược có định hướng chống Trung Quốc rõ rệt, Ấn Độ và Việt Nam có vai trò đặc biệt.
Chính vì vậy, Bắc Kinh có thể đã đặt ra câu hỏi: Mỹ có thể sử dụng sự hợp tác Ấn Độ-Việt Nam đến mức độ nào và theo cách nào cho mục đích riêng của họ? Khi xây dựng các mối quan hệ của mình, cả Delhi lẫn Hà Nội cần phải ghi nhớ yếu tố này, ông Boris Volkhonsky nhấn mạnh.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
VietNam-India
Trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ muốn Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng của nước này và ngừng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Trong trung và dài hạn, việc truyền bá sức mạnh biển trên chiến trường Thái Bình Dương nằm trong những lợi ích của Ấn Độ.
ReplyDelete