Không thể mơ hồ về hai điều Ngoại trưởng Trung Quốc nêu tại AMM-48 – chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận trong vấn đề Biển Đông.
Bãi Chữ Thập đã hoàn thành việc bồi đắp đảo đá. Giờ Trung Quốc tìm cách củng cố thành quả trên bàn ngoại giao
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu ra hai điểm liên quan Biển Đông:
Ngày 5/8, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM-48), mà Biển Đông là chủ đề trọng tâm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã ngừng hoạt động xây dựng trên vùng biển này. Khi được hỏi liệu Trung Quốc đã ngừng công việc xây dựng trên Biển Đông hay chưa, ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc đã ngừng (hoạt động xây dựng). Hãy điều máy bay tới mà kiểm tra”(!).
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn cho biết, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trả lời họp báo chung với ông Tanasak, ông Vương Nghị tuyên bố các quốc gia ngoài khu vực cần kiềm chế, tránh những hành động có thể làm leo thang hoặc phức tạp hóa tình hình trên Biển Đông.
Hai điều Trung Quốc nêu ra không có gì mới:
Một là, cách đây gần 2 tháng, ngày 16/6, trước Đối thoại chiến lược và kinh tế (S&ED) Trung-Mỹ tại Washington, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/6 bất ngờ thông báo hoạt động bồi đắp trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa “sẽ hoàn tất trong vài ngày tới”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự trên đảo nhân tạo.
Hai là, từ mấy năm nay, Trung Quốc lúc nào chẳng nói rằng họ sẵn sàng đẩy nhanh đàm phán COC.
Nhằm xoa dịu dư luận
Có hai điểm Trung Quốc muốn làm tại AMM-48 lần này, đó là:
Một, tránh việc ASEAN và các bên đối thoại ASEAN năm nay nêu lên thành trọng tâm vấn đề Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, thay đổi nguyên trạng Biển Đông và quân sự hóa Biển Đông.
Hai, tháo ngòi căng thẳng, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc gặp Tập Cận Bình – Barack Obama tại Washington tháng 9 tới.
Gần đây, có những động thái từ phía Mỹ buộc Trung Quốc phải tính đến. Ngày 18/7, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dươngcủa Mỹ, Đô đốc Scott Swift, có mặt trên chiếc máy bay trinh sát điện tử P-8 Poseidon trong chuyến bay dài 7 giờ để thị sát tình hình Biển Đông. Đây là một tín hiệu mạnh của giới quân sự Mỹ trước hành động gây hấn của Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa/Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày 5/8, đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như hành động quân sự hoá vùng biển này. Vấn đề trên đã được Ngoại trưởng Kerry đưa ra trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Phát biểu với báo giới, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Ngoại trưởng Kerry đã nhắc lại quan ngại của mình về việc leo thang căng thẳng bắt nguồn từ các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc tại đây”.
Trong dịp dự AMM-48, Ngoại trưởng Mỹ đưa ra đề nghị về “3 ngừng”: ngừng hoạt động bồi lấp, ngừng hoạt động xây dựng và ngừng các hành động gây hấn có khả năng làm leo thang căng thẳng.
Trung Quốc không xuống thang ở Biển Đông đâu. Điều họ đang làm trên Biển Đông và trên bàn ngoại giao là củng cố thành quả tại 7 cứ điểm trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Vì vậy, hai điều Trung Quốc nêu ra tại Kuala Lumpur lần này là nhằm đánh lạc hướng dư luận và “dắt trâu qua rào” trong vấn đề Biển Đông. Rồi đây, nếu Trung Quốc chịu đặt bút ký thỏa thuận COC thì chỉ là để hợp thức hóa những điều mà Trung Quốc làm ở Trường Sa, nghĩa là để ASEAN ghi nhận cái “nguyên trạng mới”. Điều này dư luận tuyệt đối không thể mơ hồ!
Người bình luận-Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment