Theo cái cách mà TQ đơn phương thiết lập và thực thi chính sách trong ADIZ Hoa Đông, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán một kịch bản tương tự sẽ được thực hiện trên biển Đông trong tương lai không xa?
Một máy bay của hãng hàng không Lao Airlines. Ảnh: World Nomads
Ngày 28/7/2015, một máy bay chở khách của Hàng không quốc gia Lào đang trên đường từ Busan (Hàn Quốc) tới Vientiane (Lào) đã phải quay về nơi xuất phát sau khi Trung Quốc ngăn cản bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông.[1] Như vậy, đây là lần đầu tiên Trung Quốc hiện thực hóa những yêu sách pháp lý đối với ADIZ Hoa Đông, vốn bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, mà nước này đơn phương tuyên bố thiết lập từ 23/11/2013.
Sự kiện này thêm một lần dấy lên quan ngại TQ sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ tại biển Đông. Hai tháng trước, tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 31/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc có quyết định thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không là tùy thuộc vào việc có mối đe dọa nào đối với an ninh hàng không và hàng hải của nước này trong khu vực hay không”.
Theo Phụ ước 15 của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế (Gọi tắt là Công ước Chicago 1944)[2], Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) là vùng không phận đặc biệt, được chỉ định với kích thước xác định, trong đó máy bay phải tuân theo các phương thức báo cáo và/hoặc nhận dạng đặc biệt ngoài các phương thức liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không lưu (ATS). ADIZ có vai trò như vành đai phòng thủ được thành lập bên ngoài không phận của một nước để ngăn chặn máy bay khả nghi xâm nhập.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Á có liên quan đến khu vực biển Hoa Đông và biển Đông như Việt Nam, Philippines… đều đã là thành viên của Công ước Chicago 1944. Vì vậy, các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ của Công ước cũng như có quyền thực hiện các hành động theo quy định của Công ước.
Dậy sóng biển Hoa Đông
Năm 2013, việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông đã đưa đến phản ứng kịch liệt của nhiều quốc gia, đặc biệt gay gắt là Nhật Bản,
Ngoại trưởng Fumio Kishida Nhật Bản, cho biết đây là “hành động đơn phương gây nguy hiểm bởi những sự việc không thể lường trước có thể diễn ra”. Mỹ là nước thứ hai, sau Nhật Bản, chính thức tuyên bố không công nhận không công nhận vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Đài Loan cho rằng ADIZ chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và quân đội sẽ có biện pháp để đảm bảo an toàn cho không phận Đài Loan. Còn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố ngay rằng ADIZ mà Trung Quốc thiết lập đã chồng lấn một phần với ADIZ của Seoul.
Lặp lại kịch bản trên biển Đông?
Trở lại khu vực biển Đông, Trung Quốc cũng đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước xung quanh khu vực biển Đông và theo cái cách mà Trung Quốc thiết lập và thực thi chính sách trong khu vực ADIZ Hoa Đông, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán một kịch bản tương tự sẽ được thực hiện trên khu vực biển Đông trong tương lai không xa.
Theo lập luận của Trung Quốc, nếu nước này xem một hòn đảo là “lãnh thổ cố hữu” của họ, thì phạm vi 200 hải lý xung quanh hòn đảo sẽ được xem là thuộc ADIZ. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, xem quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, thì ắt hẳn họ sẽ thiết lập ADIZ đối với vùng khoảng không của 02 quần đảo này trong tương lai, nhằm tạo ra “cơ sở pháp lý” để giành quyền kiểm soát vùng trời bên trên. Việc Trung Quốc ngang ngược công bố đường lưỡi bò chín đoạn bao trùm 80% diện tích biển Đông là bước đi đầu tiên nhằm dọn đường cho việc thiết lập ADIZ.
Nếu kịch bản này thật sự xảy ra, thì một mặt Trung Quốc đã khống chế lưu thông hàng hải trên biển bằng việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa bao trùm các quần đảo khu vực Biển Đông, đưa lực lượng chức năng kiểm soát lưu thông hàng hải trong khu vực… thì nay Trung Quốc sẽ kiểm soát cả không phận và không lưu trên bầu trời của Biển Đông trong khu vực do “đường chín đoạn” đã được Trung Quốc vẽ ra. Nói cách khác, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ chính thức đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông từ vùng biển lên vùng trời. Đây rõ ràng là điều rất nguy hiểm cho Việt Nam và các nước có liên quan trong cục diện tranh chấp chủ quyền biển đảo tại biển Đông.
Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật hàng không quốc tế, bên trong ranh giới của ADIZ là vùng thuộc phạm vi chi phối của quốc gia đã tuyên bố thiết lập ADIZ. Nói cách khác, lãnh thổ trên không trong vùng xác định của ADIZ thuộc phạm vi kiểm soát của các lực lượng chức năng của quốc gia đó. Như vậy, Trung Quốc chỉ có thể thành lập ADIZ một cách hợp pháp trên Biển Đông khi các vùng lãnh thổ của khu vực này thuộc về chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc và điều này chắc chắn không bao giờ là sự thật. Bởi lẽ, các chứng cứ lịch sử cũng như pháp lý đều xác định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam được tuyên bố phù hợp với pháp luật quốc tế.
Tình hình thực tế cho thấy Trung Quốc đang ráo riết tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm tạo cơ sở cho việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Từ các hành động như thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đưa lực lượng chấp pháp tuần tra trên Biển Đông, ban hành các đạo luật quản lý nhà nước, quy định thời gian đánh bắt, khai thác thủy hải sản, tập trận,… cho đến xây dựng, mở rộng hàng loạt đảo nhân tạo thời gian gần đây. Khi các hành động này đã hoàn tất trên thực tế, việc thiết lập ADIZ là một nguy cơ rõ ràng.
Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thực thi trên thực tế những hành động cho thấy họ đã thiết lập ADIZ trên biển Đông nhưng không tuyên bố. Cụ thể là việc Trung Quốc ngăn cản, đe dọa các phương tiện bay vào vùng khoảng không bên trên các khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, xây dựng phi pháp.
Trong trường hợp Trung Quốc thiết lập ADIZ trên khu vực biển Đông, chịu ảnh hưởng đầu tiên sẽ là những quốc gia khu vực xung quanh biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia,… và xa hơn nữa là tất cả những quốc gia có các tuyến vận chuyển hàng không qua khu vực biển Đông, bởi lẽ khi đó tất cả các chuyến bay vào khu vực này đều phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc. Khi đó chẳng những khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước bị xâm phạm mà những khu vực thuộc về khoảng không quốc tế cũng bị Trung Quốc kiểm soát.
Là quốc gia có lợi ích gắn với Biển Đông lớn nhất trong khu vực, để chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành các cuộc thảo luận với các nước có liên quan trong khu vực để tìm tiếng nói chung. Giải pháp hữu hiệu nhất có lẽ vẫn là kêu gọi các nước có liên quan trực tiếp đến khu vực tranh chấp và các quốc gia trên thế giới cùng cam kết cho một vùng trời mở nhằm phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng không ngang qua khu vực biển Đông bên cạnh việc vận động cam kết tự do hàng hải từ các nước khác mà Việt Nam đang tiến hành hiện nay.
TS. Bành Quốc Tuấn
(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh)
VietNamNet
Comments[ 0 ]
Post a Comment