Lâu nay, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của ta chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch hoặc bằng những hợp đồng ngắn hạn mang tính thời vụ mà không có những hợp đồng mang tính chiến lược lâu dài nên gặp rất nhiều rủi ro. Khi các đối tác ngừng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của ta một cách đột ngột, ngay lập tức chúng ta rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” và việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản ứ đọng phải dựa vào việc kêu gọi “rủ lòng thương” của người tiêu dùng trong nước.
Lâu nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vũ khí với tiền từ trong ngân sách quốc phòng.
Còn việc nhập khẩu các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự của ta hầu như không có mối liên hệ gì với việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản. Hầu hết các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài đều được trả bằng tiền ngân sách quốc phòng thông qua các hợp đồng mua bán trực tiếp với các đối tác nước ngoài (chủ yếu từ Nga) và trong thực tế rất khó kiểm soát một cách chặt chẽ để tránh những tiêu cực trong quá trình đàm phán và ký kết các hợp đồng mua sắm.
Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất nhập khẩu vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã mở ra một cơ hội mới, cho phép Việt Nam có thểmua sắm các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự tiên tiến từ nhiều nước, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ, góp phần tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Một bài học kinh nghiệm quý báu mà chúng ta có thể học được từ phía Thái Lan: Tháng 5/2005, chính phủ Thái Lan đã ký một hợp đồng mua 30 chiếc xe tăng thế hệ mới từ Trung Quốc có trị giá khoảng 150 triệu USD để trang bị cho Lục quân Hoàng gia (RAT) của nước này. Với hợp đồng này, Thái Lan là khách hàng đầu tiên mua xe tăng chủ lực thế hệ mới MBT-3000 (còn gọi là VT-4). Theo các điều khoản thỏa thuận từ hợp đồng, chính phủ Thái Lan phải xuất sang Trung Quốc 120.000 tấn long nhãn khô trong vòng 10 năm (trung bình mỗi năm xuất khẩu 12.000 tấn). Với hợp đồng mua bán này, chính phủ Thái Lan đã tìm được đầu ra ổn định trong vòng 10 năm cho các hộ nông dân trồng long nhãn xuất khẩu. Tháng 5/2016 vừa qua, Lục quân Thái Lan đã nhận được số xe tăng thế hệ mới được sản xuất từ Trung Quốc theo đúng hợp đồng đã ký kết cách đây hơn 10 năm.
Thái Lan đã dùng 120.000 tấn nhãn khô đổi lấy 30 xe tăng hiện đại.
Loại xe tăng này có ký hiệu MBT-3000 (còn gọi là VT-4) là một phiên bản xuất khẩu của loại xe tăng chủ lực thế hệ mới được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Miền Bắc của Trung Quốc (NORINCO - China North Industries Corporation) được thiết kế với công nghệ mới nhất để đáp ứng được những thách thức trong chiến tranh công nghệ cao. Trang bị chính của xe tăng MBT-3000 (VT4) bao gồm một pháo nòng trơn cỡ 125 mm được lắp ống tỏa nhiệt và thoát khói cùng với hộp tiếp đạn hoàn toàn tự động có thể chứa được 22 viên đạn với tốc độ bắn 8 viên/phút.
Ngoài ra, xe tăng này còn được trang bị một hệ thống điều khiển vũ khí cho phép nó có thể sử dụng tên lửa có điều khiển với tầm bắn tới 5km. Trong tương lai, Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RAT) có thể mua tới 150 chiếc xe tăng chủ lực MBT-3000 được sản xuất từ Trung Quốc.
Việt Nam có thể dùng nông sản đổi lấy F-16, P-3C Orion?
Đối với Việt Nam, để kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng trong các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh, tránh được tình trạng bấp bênh như hiện nay, chúng ta cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía Chính phủ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan hữu quan.
Nếu chúng ta tìm được đầu ra cho các mặt hàng nông sản, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh bằng các hợp đồng mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự mang tính chiến lược dài hạn, chúng ta sẽ tạo được thị trường đầu ra ổn định, tạo đà cho sản xuất nông sản, thủy sản có bước phát triển bền vững lâu dài, đồng thời sẽ góp phần hạn chế được tình trạng “đội giá” các mặt hàng quân sự đã đặt mua, và một điều rất quan trọng nữa là sẽ hạn chế được nạn tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đàm phán và ký kết các hợp đồng mua sắm các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Đại tá, PGS. TS. Đặng Thanh Bình
Comments[ 0 ]
Post a Comment