Chiều 4/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời báo chí quốc tế về nhiều vấn đề, như Trung Quốc muốn lập ADIZ trên Biển Đông, việc mời Trung Quốc vào Cam Ranh...
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời báo chí quốc tế tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6. Ảnh: CT
Nhận định về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với các nhà báo quốc tế rằng Việt Nam rất quan ngại trước những diễn biến này, và các quốc gia trong khu vực có thể nhận định tương tự.
“Điều tôi muốn lắng nghe tại Đối thoại năm nay là những đề xuất cụ thể, để làm bớt đi những mối lo lắng của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung”, trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2016 cho biết.
Bình luận về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn, tướng Vịnh nói đây là một bài phát biểu tốt và nói lên tương đối đầy đủ về sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. “
Tôi chú ý đến một số điểm mà Bộ trưởng Carter nhấn mạnh như kêu gọi hợp tác nhiều hơn để có tiếng nói chung, sự thấu hiểu, từ đó có thể xây dựng cơ chế đối thoại trong khu vực thay vì đối đầu”, ông Vịnh nói.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Carter vài lần nói rằng Trung Quốc đang “tự cô lập”. Một phóng viên đã hỏi tướng Vịnh, liệu sự “tự cô lập” này của Trung Quốc có áp dụng trong mối quan hệ song phương với Việt Nam hay không?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, đây là nhận xét có phần “hơi vội vàng”. Trưởng đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La cũng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, nếu Trung Quốc duy trì cách hành xử như vậy, nếu Trung Quốc không lắng nghe cộng đồng quốc tế, thì “Trung Quốc sẽ tự làm xấu mặt mình”, và sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với cộng đồng thế giới.
Mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh
Một phóng viên Hong Kong (Trung Quốc) hỏi về thông tin Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào cảng Cam Ranh. Tướng Vịnh nêu rõ rằng Việt Nam không chỉ mời Trung Quốc, mà còn mời tàu của những nước khác đến các cảng kinh tế của Việt Nam, bao gồm cảng Cam Ranh.
Đến nay, tướng Vịnh cho biết đã mời tàu nhiều nước đến cảng Cam Ranh gồm Singapore, Pháp, Nga, Ấn Độ, Australia… “Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”, tướng Vịnh cho biết.
Một phóng viên Singapore đã hỏi tướng Vịnh rằng Việt Nam có kế hoạch mở cửa các căn cứ quân sự cho nước ngoài sử dụng hay không.
Trong câu trả lời, ông nêu rõ Việt Nam không có các căn cứ quân sự để nước khác sử dụng. Tất cả các căn cứ quân sự đều do Việt Nam quản lý và sử dụng. Khi những tàu các nước đến thăm đều là các chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ những chương trình hợp tác. “Chúng tôi đã đón tiếp các tàu nước ngoài đến các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Cam Ranh…”
Khi nói về quan điểm chống chế của các học giả Trung Quốc là các nước khác trong khu vực cũng xây dựng và bồi lấp nhưng vì sao chỉ mỗi Trung Quốc bị chỉ trích, tướng Vịnh thẳng thắn nói đây là một sự so sánh “rất buồn cười”.
“Chúng tôi xây dựng trên những đảo vốn thuộc chủ quyền Việt Nam từ bao đời nay. Chúng tôi chỉ củng cố các đảo này để phục vụ cuộc sống người dân, chứ không thể so sánh với những hành động bồi lấp các đảo thành căn cứ quân sự. Đây là một sự so sánh vô nghĩa, của những người không hiểu biết, hoặc cố tình không hiểu biết”, ông Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Quan điểm về vụ kiện của Philippines
Các phóng viên quốc tế đều quan tâm quan điểm của Việt Nam về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Tướng Vịnh từ chối bình luận về điều này do cho rằng phán quyết cuối cùng chưa được công bố.
Tuy nhiên, ông nói với các nhà báo rằng, cảm xúc của người dân Việt Nam về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc “nhìn chung là mong muốn một chuẩn mực, để không chỉ một nước mà các nước khác có thể dựa vào để đánh giá vấn đề. Mọi người đều hy vọng luật pháp quốc tế sẽ được thực thi".
Tướng Vịnh khẳng định, để giải quyết các xung đột, tranh chấp, bất đồng thì các công cụ pháp lý và tiến trình ngoại giao cần được tôn trọng.
Nói về những thông tin mà báo chí đăng tải về ý định thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông của Trung Quốc, tướng Vịnh cho biết “ông chưa nhận được thông báo nào từ các kênh chính thức, nên không bình luận về vấn đề này”.
“Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng vấn đề quyền kiểm soát trên không đã được luật hàng không quốc tế quy định rất rõ ràng. Chúng tôi chấp hành những điều căn cứ theo luật quốc tế. Chúng tôi phản đối những diễn biến đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại luật hàng không và luật pháp của Việt Nam mà liên quan đến vùng trời mà Việt Nam quản lý; cũng như những động thái làm tăng ảnh hưởng đến an toàn khu vực, uy hiếp an toàn hàng không”, tướng Vịnh nhấn mạnh.
Trước diễn biến các tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền Biển Đông theo quan điểm của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, nói rằng toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc, Tướng Vịnh nói ông không biết cụ thể người nào đã phân phối những tài liệu này.
“Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không làm như vậy. Vì Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn mở, công khai và minh bạch. Tại đây, tất cả các nước đều tôn trọng lắng nghe nhau. Nếu ai đó muốn tuyên truyền về chủ quyền của mình, theo lý lẽ của mình, thì họ nên lên diễn đàn và nói công khai, minh bạch. Điều đó tốt hơn rất nhiều so với việc phát những tờ rơi với nội dung như vậy”, tướng Vịnh khẳng định.
Chưa tính đến việc mua vũ khí Mỹ
Về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, tướng Vịnh nói “đây là một điểm rất tốt trong quan hệ song phương Việt - Mỹ và tôi hoan nghênh diễn biến này. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với Việt Nam, chứng tỏ sự tin cậy, và nó tương xứng với mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ”.
Khi được hỏi Việt Nam quan tâm mua vũ khí nào của Mỹ, và khi nào đặt mua, tướng Vịnh nói “chúng tôi chưa tính đến”. Theo ông, đến thời điểm hiện tại, việc Mỹ bỏ cấm vận có ý nghĩa là giúp Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hơn.
Phóng viên nước ngoài ấn tượng với tướng Nguyễn Chí Vịnh
Phóng viên thường trú Singapore của một tờ báo Anh nói với Zing.vn rằng anh ấn tượng với sự cởi mở của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Cuộc gặp gỡ phóng viên quốc tế của tướng Vịnh kéo dài gần 2 giờ, anh là nhà báo cuối cùng phỏng vấn thượng tướng. Tuy nhiên, tướng Vịnh vẫn trả lời chi tiết các câu hỏi của phóng viên này.
"Tôi từng có thời gian làm việc ở Việt Nam, và tôi thấy tướng Vịnh rất gần gũi với báo chí. Ông luôn trả lời trực tiếp vào vấn đề. Ngoài nhiệm vụ là một nhà quân sự, ông còn đóng vai trò là một nhà ngoại giao rất tốt. Tôi tin rằng các quan chức ngày nay thể hiện tốt khả năng đối ngoại, giao tế của mình", phóng viên này nói.
Cảnh Toàn (từ Singapore)
Zing.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment