Quanh Chuyến Đi Của Ông Obama Đến Việt Nam
Monday, June 27, 2016
"Những người Việt Nam được sống quá lâu, hoặc lớn lên trong cảnh thanh bình, đã không còn hoặc chưa hề biết cảm giác thèm khát giá trị độc lập của một nước nhỏ. Lại thêm, hàng ngày thế hệ này bị tuyên truyền bởi một nửa thế giới bên ngoài, những người đã từng thuộc phe hoặc nằm trong hoàn cảnh "thăng trầm theo giặc". Vì thế trong mấy năm gần đây, đã có một số người trong nước bắt đầu có thái độ coi thường giá trị tối thượng của một quốc gia: độc lập, thống nhất. Quan niệm mới để thích hợp với thời cơ mới cho dân tộc là những đứa con khôn, nhưng thay đổi quan niệm để phủ nhận những thành tích quí giá mà thế hệ trước đã đem lại cho nước nhà thì trở thành những đứa con phản nghịch. Nhưng than ôi, trong số đó lại có những người mang danh là lãnh đạo trí thức cho xã hội ngày nay..."
Sau thời gian dài bỏ trống vùng Viễn Đông để thế lực bành trướng có cơ hội tác oai tác quái, không khỏi đe dọa đến an ninh của nước Mỹ và của toàn cầu. Người Mỹ có sự điều chỉnh chiến lược quay về hướng Đông dù là có muộn. Với người Việt Nam, đất nước được thống nhất, độc lập và có chủ quyền là ước mơ muôn thuở. Trong tình thế mới, để bảo vệ tổ quốc, nhà nước Việt Nam chủ trương “hội nhập, đa phương đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh quốc phòng”. Sự điều chỉnh chiến lược của hai quốc gia Mỹ, Việt có yêu cầu bức thiết phải hòa giải xích lại gần nhau trên tinh thần gác lại quá khứ, hạn chế bất đồng dị biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Sau chuyến thăm Việt Nam của các Tổng Thống Bill Clinton (năm 2000), George Bush (năm 2006), cũng như chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ (năm 2015) và lần này là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, đều nhằm mục đích đó.
Trước hết đó là một tin mừng với tất cả đồng bào Việt Nam chân chính, bởi qua mỗi chuyến thăm trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, đều có tác động thiết thực vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước từ đối địch cừu thù chuyển sang đối thoại, hợp tác và tạo dựng mối quan hệ giữa hai nước về cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cơ sở lợi ích của hai bên được củng cố và phát triển. Nói rằng trước sự o ép của một cường quốc lân bang, nhà nước Việt Nam mới thấy phải tìm thêm vây cánh; hoặc nói rằng Việt Nam chấp nhận làm tiền đồn cho Mỹ khống chế một nước láng giềng có quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời đang nổi lên là không đúng bản chất của vấn đề.
Truyền thống hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước, dân tộc ta luôn lấy sự hiếu hòa làm trọng. Ngay cả khi mối quan hệ với các quốc gia gần xa vượt qua những mối bất hòa gây nên những đau thương tang tóc nhưng khi một bên đã thực lòng hòa hiếu thì nhân dân ta vẫn biết “lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”. Lịch sử những cuộc đối đầu khủng khiếp với người phương Bắc, phương Tây xưa nay đủ cơ sở để chứng minh điều đó. Huống chi lời dạy của tiền nhân “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỷ” (Lương Văn Can) đã được các thế hệ cha ông “rửa sạch làu vết nhục nhã ngàn năm”, thì cớ sao lớp con cháu hôm nay không biết trân trọng lúc vận nước “càn khôn bỉ mà lại thái / nhật nguyệt hối mà lại minh” để giữ “nền thái bình muôn thuở”?
Chuyến thăm của Tổng thống Obama từ ngày 23/5 đến 25/5/2016 đã kết thúc theo chiều tích cực. Tuy nhiên nói là mọi trở ngại với cả hai bên đã được giải tỏa để có được mối quan hệ hoàn toàn bình thường là điều dù chúng ta rất mong mỏi nhưng con đường ấy còn nhiều thử thách chông gai. Trước hết, bởi hai nước có quá trình lịch sử khác nhau và đặc biệt có một giai đoạn lịch sử khó khăn, nền tảng văn hóa khác nhau, thể chế chính trị khác nhau, trình độ dân trí khác nhau, vị trí địa chính trị khác nhau, sự ổn định xã hội khác nhau. Hơn nữa Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu với những tham vọng là cố tật của bất kỳ kẻ mạnh nào. Trong khi chúng ta vừa thoát ra khỏi chiến tranh, nền kinh tế chậm phát triển và đang lúng túng trong nhiều cơ chế ràng buộc, xã hội có hòa bình nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, quá trình hội nhập có tác động hai chiều thuận nghịch phân tâm lòng người, những biến động thời cuộc khó lường và áp lực của nhiều cường quốc tác động đa chiều tới mọi sinh hoạt xã hội và nhân tâm...
Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ–Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”. Mc.Namara – bộ óc điện tử của nước Mỹ, một trong số người hoạch định cuộc chiến tranh đó, viết: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ. Chúng ta mắc nợ các thế hệ tương lai câu giải thích tại sao lại sai lầm như vậy? Đến khi người lính Mỹ cuối cúng rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, chúng ta đã mất 58.315 người cả nam lẫn nữ, nền kinh tế chúng ta bị tàn phá bởi những chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến tranh trong nhiều năm liền, và sự thống nhất chính trị của xã hội chúng ta bị tan nát vài thập kỷ sau vẫn không khôi phục được”.
Trung tá James G. Zumwalt, xuất thân từ một dòng tộc có truyền thống binh nghiệp, ba cha con ông đều có thời gian trực tiếp tham chiến ở Việt Nam và gia đình ông là một bi kịch về hậu quả của cuộc chiến tranh ấy, trong cuốn sách tựa đề “Chân trần chí thép” (Bare Feet, Iron Will--Stories from the Other Side of Vietnam's Battlefields), ông dẫn lời của Cụ Hồ – linh hồn của cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam, nói với một nhà báo khi cuộc chiến ở lúc gay go nhất: “Chúng tôi không muốn là người chiến thắng. Chúng tôi không muốn là anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn điều duy nhất là họ (quân xâm lược Mỹ) cút ngay khỏi đây thôi”! Và ông ta kết luận:
“Thật không may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến chống cộng sản! Bất chấp khác biệt về văn hóa và chính trị, chúng ta đáng phải nhìn nhận nỗi đau khổ của họ, đáng phải khâm phục quyết tâm của họ. Lịch sử cho thấy chúng ta phạm nhiều sai lầm trong chính sách về Việt Nam và sai lầm lớn nhất là đã không nhận ra được rằng chúng ta đang chiến đấu với “Thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này”!
Ông Nguyễn Mạnh Quang, thời chính quyền Sài gòn được nhận học bổng Mỹ đi du học. Ông dạy về xã hội học nhiều năm ở trường Trung học thực nghiệm Thủ Đức nổi tiếng. Năm 1975, ông tự nhận thuộc lớp người đầu tiên tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ. Ông lại có thêm 23 năm dạy tại các trường Trung Học trong tiểu bang Washington. Từ đó ông tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đã viết như sau: “Đưa ra luận điệu 'Không cần phải phát động chiến tranh, Pháp-Mỹ cũng phải trao trả độc lập cho Việt Nam', là luận điệu vong ân bội nghĩa đối với hàng triệu các nhà ái quốc của hàng chục lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân từ cuối thập niên 1850 cho đến ngày 30/4/1975. Các tổ chức nghĩa quân kháng chiến của các nhà ái quốc và các chính đảng cách mạng trong gần một thế kỷ từ cuối thâp nhiên 1850 cho đến năm 1945 và hàng triệu nam nữ thanh niên, tráng niên cũng như các cụ gỉà trên 60 tuổi đã lăn xả vào cuộc chiến 1945-1954 đánh đuổi liên minh xâm lược Pháp–Vatican để đòi lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, và cuộc chiến 1954-1975 đánh đuổi liên minh xâm lược Mỹ–Vatican để đòi lại miền Nam đem lại thống nhất cho đất nước”.
Đại sứ Ted Osius khá rành con người Việt Nam cả về góc độ văn hóa và chính trị. Bằng lời lẽ mềm mỏng và khôn khéo, ông nói: “Quả thực Tổng Thống thất vọng vì đã không thể ngồi trò chuyện cùng tất cả số đại diện xã hội dân sự mà tôi tham vấn gặp ngài. Tuy nhiên phía Mỹ cho rằng đây là đất nước của họ và là quyết định của họ”. Hẳn là bài học cay đắng cho các nhà dân chủ ôm nhiều hy vọng vào chuyến đi này. Những người lãnh đạo quốc gia không ai ngây thơ tới mức không hiểu bản chất hai mặt của các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Bị chi phối tới mức độ nào là do nội lực của mỗi nước. Sự tồn tại và phát triển của Tổ quốc mình là mục tiêu tối thượng. Độc lập-Chủ quyền là “dĩ bất biến”, là “lửa thử vàng” với người Việt Nam mọi thời. “Không có đâu hướng tới tương lai và tha thứ hơn Việt Nam” là lời nhận xét của ngài Đại sứ. Trước khi coi đó là một lời khen thành thật để cảm ơn ông, cần xem có sự đúng đắn trong ứng xử và lòng tự trọng dân tộc của người trong cuộc?
Trong lịch sử, không chỉ một lần người Việt Nam đã vượt lên mọi hận thù và đứng vững được bằng bản lĩnh của mình. Giờ đây, liệu có thể “vượt lên thù hận, sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa”? Nếu đủ bản lĩnh thì thật là hay. Bằng không, “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”!
Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2016
Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1940 tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Năm 1966 tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Bộ. Ông viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch. Có tác phẩm được giải thưởng của Thành phố và Ban tuyên giáo trung ương. Ông còn viết chính luận, phê bình văn học đăng trên các báo, được dư luận quan tâm.
Theo Sachhiem.net
Tags:
Việt Nam,
VietNam-US
Comments[ 0 ]
Post a Comment