Nhân tố “gây rối” thế cờ ở Biển Đông
Thursday, September 22, 2016
Những thể hiện gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - con người khó đoán và thường xuyên khiến dư luận “xoay như chong chóng” vì những tuyên bố lúc thế này, khi thế nọ đang khiến cho cả Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc đang chi phối cục diện Biển Đông đều lúng túng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Mỹ đau đầu
Là một nước nhỏ không có trọng lượng về quân sự, nhưng Philippines rất được chú ý bởi là đồng minh quốc phòng thân cận nhất của Mỹ ở khu vực và Washington có một hiệp ước phòng thủ chung với Manila. Tuy nhiên, trong vài tuần nay, ông Duterte đã làm thay đổi cục diện khi liên tục “xoay” dư luận bằng những tuyên bố trái ngược về Biển Đông và những lần vượt qua những giới hạn mới trong việc chống đối lại Mỹ.
Mặc dù cho đến lúc này, không ai rõ thực sự ông Duterte đang muốn gì, nhưng có thể một điều chắc chắn là tân tổng thống Philippines đang đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, ông Benigno Aquino III.
Nếu như cựu tổng thống Philippines đã tạo dựng được một mối quan hệ đặc quyền với Washington, đóng vai người bảo vệ trước sự hung hăng của Bắc Kinh tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông thì giờ đây, ông Duterte lại đang làm lung lay mối quan hệ tưởng “vững như bàn thạch” đó.
Chỉ trong vòng vài tuần, Tổng thống đương nhiệm của Philippines đã làm cả thế giới sửng sốt trước những phát ngôn “văng mạng”. Thóa mạ tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu Washington rút hết các cố vấn quân sự và lực lượng khỏi hòn đảo miền nam Mindanao và đánh tiếng có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, cho đến lúc này, Manila vẫn mua vũ khí từ phía Mỹ.
Mối quan hệ giữa Washington và cá nhân ông Duterte hiện y hệt quan hệ giữa Mỹ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - người đang được xem là “đồng minh hai mang”, gây phiền toái nghiêm trọng cho chiến lược của Mỹ ở Syria và Trung Đông.
Mỹ cũng bực bội với chính sách trấn áp tội phạm ma túy của Duterte, như đã từng bực bội với chiến dịch thanh trừng mà Erdogan tiến hành sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua. Và giống như Erdogan, ông Duterte cũng như “nổi khùng” lên khi Mỹ lên tiếng góp ý, quan ngại về cách điều hành của mình, thậm chí còn chỉ trích Washington đã không giúp gì được còn bày đặt “rao giảng đạo đức giả với nhân quyền”. Còn Mỹ, không những không thể “trị” được Duterte, hay Erdogan, mà còn phải đau đầu với viễn cảnh: Erdogan chạy theo Nga ở Trung Đông và Duterte ngả theo Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một nhà phân tích đã cảm nhận được chính sách Trung Quốc của Philippinesdưới thời Duterte đã có sự thay đổi. Viết trên tờ Straits Times, Richard Heydarian, một nhà khoa học chính trị Manila cho rằng, Duterte có xu hướng muốn tìm kiếm thỏa hiệp và đối thoại với Trung Quốc, ngay cả khi đã giành chiến thắng pháp lý quan trọng trong vụ kiện trọng tài liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Dĩ nhiên, Washington không thích điều đó.
Nghiêm trọng hơn, Duterte có những động thái như thể muốn xét lại tư cách đồng minh với Mỹ. Duterte từng thằng thừng gọi Đại sứ Mỹ tại Philippines là “gã lại cái nhiều chuyện” vì can thiệp vào bầu cử nội bộ của Philippines. Một thời gian ngắn sau khi thắng cử Tổng thống, ông Duterte còn tuyên bố sẽ xây dựng cho Manila một chiến lược phát triển của riêng mình và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ.
Từ chỗ là đồng minh, giờ đây, Philippines - dưới thời Tổng thống Duterte lại chẳng khác gì “cục rắc rối” của Mỹ trong chiến lược tại Biển Đông và Thái Bình Dương. Mỹ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước cái tính “thẳng thắn, cương quyết, thô lỗ” của Duterte, nhưng khổ cái là chỗ Mỹ muốn Duterte cứng rắn thì ông lại không cứng rắn, chỗ Mỹ không muốn Duterte cứng rắn thì ông lại quá cứng rắn.
Trung Quốc cũng chẳng ảo tưởng
Ai cũng nghĩ Trung Quốc sẽ chẳng để lỡ thời cơ “ve vãn” Philippines khi Manila và Washington “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Không ai không nhìn nhận ra rằng mối quan hệ Trung Quốc - Philippines hiện đang bước vào một bước ngoặt mới - khi cả hai bên đều tỏ ý muốn xử lý tranh chấp một cách thích hợp, nhưng thời gian qua, Bắc Kinh cho thấy họ cũng không hồ hởi quá với ông Duterte, khi mà con người này lúc thì tỏ thái độ hòa dịu, khi thì lại chỉ trích họ.
Cụ thể là ngay giữa cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Lào đầu tháng 9 này, ông Duterte không ngần ngại trưng bày các hình ảnh cho thấy các chiếc tầu Trung Quốc, được cho là đang tiến hành xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough, mà Philippines có đòi hỏi chủ quyền. Để rồi sau đó, vị Tổng thống từng tuyên bố “máu sẽ đổ” nếu như Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines này, lại lên tiếng công nhận không đủ sức để áp đặt Bắc Kinh tuân thủ biên giới lãnh hải, đành phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận là “Trung Quốc có khả năng và ưu thế quân sự trong khu vực”.
Sự cẩn trọng của Bắc Kinh được tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc bình luận như sau: “Với tính cách của ông Duterte, và những lời thóa mạ mà ông ấy có thể đưa ra với bất kỳ ai, không dễ gì sử dụng được ông ta… Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng về ông Duterte. Trong dài hạn, sẽ không dễ dàng gì cho Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ với Tổng thống Philippines”.
Trong khi đó, một số nhà phân tích thì tỏ ra nghi ngờ về sự “thoát Mỹ” của Philippines và cho rằng, Manila đang khai thác cạnh tranh Mỹ - Trung để hưởng lợi.
Chủ tịch Viện nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn cho rằng: “Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì đâu dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì Tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước”. Tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Mỹ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) trích dẫn nhận định: Philippines không đủ can đảm và nghị lực để dứt bỏ mối bang giao chiến lược với Mỹ. Do vậy theo chuyên gia này, ý định mua vũ khí của Trung Quốc được Tổng thống Duterte nhắc tới, chẳng qua chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh sau phán quyết ngày 12 - 7 - 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Manila muốn tỏ thành ý với Trung Quốc, để làm tiền đề cho các cuộc đàm phán sau này về Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Bởi Trung Quốc sẽ lâm vào tình cảnh tự “mua dây buộc mình”, “gậy ông đập lưng ông”, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.
Còn với Mỹ, theo nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, tại Singapore, rất có thể trong thời gian, Washington sẽ phải tiếp tục “chịu đựng” sự “làm mình, làm mẩy” của ông Duterte. Bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ nên kiểu gì Washington cũng sẽ “nhẹ tay” với họ. Còn Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.
Theo Linh Phương - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment