Dân chủ - giá trị đích thực của Cách mạng Tháng Tám
Saturday, September 3, 2016
Một cơ chế tốt phải đi kèm với nó là giải pháp phòng ngừa, là biết cái gì bất cập sẽ xẩy ra. Một cơ chế tốt là ít cái xấu nảy sinh. Cái xấu, cái bất cập chỉ là những “hiện tượng không mang tính bản chất” song nếu cứ buông lỏng, cứ “nuông chiều” thì cái không bản chất trở thành bản chất, lượng hóa thành chất sẽ xô đẩy cả xã hội.
Diễu binh trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh tại quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 2/9/2015. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cách mạng Tháng Tám (CMTT) năm 1945 mở ra chương mới cho lịch sử phát triển của dân tộc. Đây là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trải qua mấy ngàn năm.
Giá trị lịch sử mà cuộc CMTT mang lại có thể nói đã làm nên sự khác biệt căn bản về chất trong lịch sử. Không chỉ độc lập dân tộc mà cao hơn là thiết lập một nền dân chủ thực sự, khẳng định quyền con người, quyền làm người: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”
Quyền làm người, quyền bình đẳng đó là giá trị thật sự của nền dân chủ. Giáo sư Trần Văn Giàu nhấn mạnh giá trị này: “Có một đặc điểm lớn, một thành tựu lớn của CMTT trong sự hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, mà hôm mồng 2/9 Cụ Hồ không nói, không nói vì chưa cần nói, nhưng người nghiên cứu lịch sử về sau phải phát hiện càng đúng càng hay, là phong trào giải phóng dân tộc thực tế còn đi xa hơn việc thành lập cộng hòa thay cho quân chủ: Chế độ mới được dựng lên là chính quyền nhân dân, là dân chủ nhân dân.”
Tuyên ngôn của cuộc CMTT đã xác lập nền dân chủ cộng hòa, dân chủ nhân dân, chứ không phải là chế độ quân chủ như khi kết thúc các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam trước đó. Bởi vì CMTT là cách mạng của nhân dân, do nhân dân tiến hành và vì lợi ích của nhân dân.
Dân chủ được cổ vũ và phát huy để làm nên những kỳ tích trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Ở đây nói dân chủ là nói tới thiết chế để người dân được làm chủ, người dân được “mở miệng” như Bác Hồ đã từng nói. Cái khác của dân chủ ngày nay với các xã hội trước kia chính là ở chỗ đó. Chúng ta không đồng nghĩa với với việc mất dân chủ ở chỗ này chỗ kia, ở vụ này vụ kia rồi từ đó so sánh dân chủ ngày nay kém xa ngày trước.
Tất nhiên một xã hội trong tiến trình phát triển sẽ có nhiều vấp váp khuyết điểm.
Có những sai phạm khiến cho dư luận xã hội hoài nghi, mất niềm tin như tham nhũng, lợi ích nhóm, bổ nhiệm cán bộ gây tai tiếng mà vẫn ngụy biện “đúng quy trình”, bởi chúng ta chưa có cơ chế để phòng chống những mặt trái của tiến trình xây dựng một xã hội, một mô hình mới. Việc không thực hiện những điều tốt đẹp mà chỉ lợi dụng mặt trái của nó để trục lợi cá nhân, người thân và nhóm lợi ích là xu hướng chính, phổ biến trong khi chúng ta chưa có chế tài để phòng ngừa.
Hiện nay nguy cơ mất dân chủ trong đời sống cũng đã được cảnh báo. Ở nhiều lĩnh vực, người dân không được quyền dân chủ đúng nghĩa của mình. Nếu không nhìn nhận một cách khách quan, nó sẽ trở thành xu hướng nguy hiểm cho sự phát triển, phá vỡ những thành quả dân chủ mà nhân dân đã giành được, mà CMTT đã mang lại.
Một cơ chế tốt phải đi kèm với nó là giải pháp phòng ngừa, là biết cái gì bất cập sẽ xẩy ra. Một cơ chế tốt là ít cái xấu nảy sinh. Cái xấu, cái bất cập chỉ là những “hiện tượng không mang tính bản chất” song nếu cứ buông lỏng, cứ “nuông chiều” thì cái không bản chất trở thành bản chất, lượng hóa thành chất sẽ xô đẩy cả xã hội.
Xây dựng một xã hội tốt đẹp là phải tạo điều kiện để nhân dân phát huy dân chủ thật sự, quyền con người được đảm bảo, là xây dựng được những thiết chế phát huy sức mạnh toàn thể dân tộc; ngăn ngừa cái xấu, những mặt trái nảy sinh.
Tôn vinh giá trị vốn có của cuộc CMTT năm 1945, là cần phải phát huy, làm cho nó phát triển. Nhân bản, nhân quyền, nhân văn, dân chủ, lý tưởng cao đẹp đó phải được tiếp nối để thực hiện xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nguyễn Đăng Tấn-VietNamNet
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment