Việt Nam nâng cấp T-54/55: Người cận thị cũng lái được
Tuesday, September 20, 2016
Khí tài nhìn đêm dành cho xe tăng T-54/55 do Việt Nam tự sản xuất cho phép người cận thị cũng có thể sử dụng và chiến đấu.
Theo kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPTN), Xí nghiệp 23 thuộc Nhà máy Z199 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã nâng cấp cải tiến thành công khí tài nhìn đêm trên các dòng xe tăng T-54/55 có trong biên chế của quân đội ta. Đề tài nâng cấp giúp nâng cao đáng kể khả năng tác chiến ban đêm của bộ đội tăng thiết giáp trong tình hình yêu cầu tác chiến mới.
Ngày nay, trong các hoạt động quân sự xung đột trên thế giới, tác chiến ban đêm là hình thức tác chiến phổ biến với các thiết bị quan sát ban đêm ngày càng hiện đại. Nước nào có nền công nghệ quân sự phát triển thì càng có ưu thế răn đe đối phương thông qua các cuộc tác chiến ban đêm. Các khí tài nhìn đêm có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát huy khả năng con người, uy lực vũ khí trang bị và hiệu quả nghệ thuật quân sự trong điều kiện đêm tối.
Sau hàng chục năm sử dụng các khí tài trang bị của các loại xe tăng T-54/55 của quân đội ta đều đứng trước yêu cầu được nâng cấp cải tiến trong đó có cả khí tài nhìn đêm.
Các khí tài nhìn đêm trên xe tăng thiết giáp có thể nói đây là giác quan duy nhất để kíp xe liên hệ với thực địa bên ngoài. Do đó nó có các yêu cầu riêng không dễ đáp ứng nhất là trong việc thiết kế chế tạo trong điều kiện công nghệ nước ta hiện nay. Trong trường hợp đó việc nghiên cứu tự cải tiến phục hồi khí tài nhìn đêm trên xe tăng có trong biên chế quân đội ta hiện nay có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ, các mẫu khí tài nhìn đêm trên thế giới hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc thể hiện ở việc cho ra đời các thế hệ bộ biến đổi quang điện tiên tiến trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện nay quân đội nhiều nước trên thế giới đã đưa vào trang bị hàng loạt các loại khí tài nhìn đêm hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của điều kiện tác chiến ban đêm, đặc biệt là công nghệ ảnh nhiệt có tầm quan sát phát hiện mục tiêu cách xa hàng chục km.
Ở nước ta, khí tài nhìn đêm cũng đã được trang bị tương đối phổ biến trong các quân binh chủng do Trung Quốc và Liên Xô viện trợ trước đây. Tuy nhiên, các khí tài này chủ yếu sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ cũ và hoạt động theo nguyên lý chủ động dùng ánh sáng hồng ngoại. Tuy nhiên các khí tài này đã xuống cấp và hư hỏng nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là hỏng bộ biến đổi quang điện, trong khi đó các tính năng của chúng đều đã lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp và tìm nguồn thay thế khó khăn.
Dù còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ trong nước hiện tại nhưng nước ta vẫn tiến hành nâng cấp cải tiến dần các mẫu xe tăng thiết giáp trong đó có cả T-54/55 nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến mới.
Mặt khác, T-54, T-54B và T-55 là xe tăng chủ lực của quân đội ta chủ yếu nằm trong biên chế các đơn vị tăng thiết giáp của binh chủng tăng thiết giáp, quân khu, quân đoàn đã qua nhiều năm sử dụng. Vì vậy các khí tài quan sát và ngắm bắn đêm trên xe tăng cũng nằm trong hạn chế trên.
Hầu hết các khí tài nhìn đêm trên xe tăng của quân đội ta hiện nay đều hoạt động theo nguyên lý chủ động dễ bị phát hiện, tầm nhìn hạn chế, các bộ biến đổi quang điện 0 hoặc 1 trên thị trường không còn chào bán nên việc sửa chữa thay thế linh kiện gặp nhiều khó khăn, không thể đảm bảo hoạt động cho kíp xe tăng trong điều kiện tác chiến đêm tối.
Theo Đại tá Lưu Hữu Đệ - Phó trưởng phòng kỹ thuật tăng thiết giáp - Cục kỹ thuật binh thuộc Tổng cục kỹ thuật cho biết, dự án đầu tư cải tiến hệ thống kính nhìn đêm trên xe tăng thiết giáp do Cục kỹ thuật binh chủng (Tổng cục kỹ thuật) đề xuất chủ trì hiện nay là hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu đặc biệt là tác chiến ban đêm đối với binh chủng tăng thiết giáp.
Mục tiêu chính của đề tài này là nghiên cứu thay thế hệ thống quang học kiểu cũ bằng hệ thống quang học thế hệ mới sử dụng nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ 2+ do Việt Nam sản xuất lắp lên kính trưởng xe và lái xe đêm trên xe tăng dựa trên cơ sở kính TVN-2B kiểu cũ. Và sản phẩm cho ra đời phải đạt các chỉ tiêu kỹ thuật để đưa vào sử dụng.
Trong ảnh là mẫu khí tài nhìn đêm TVN-2CT dành cho lái xe tăng T-55 do Xí nghiệp 23 nâng cấp cải tiến từ khí tài mẫu do Liên Xô chế tạo trước đây.
Đối với thế hệ kính nhìn đêm chủ động sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ 0 hoặc 1 do Liên Xô sản xuất trước đây, trên xe tăng phải dùng đèn pha để chiếu ánh sáng hồng ngoại vào khu vực cần quan sát và một phần ánh sáng hồng ngoại này được đưa về bộ cảm biến hồng ngoại trên khí tài nhìn đêm để tái tạo lại hình ảnh. Trong tác chiến việc sử dụng đèn pha hồng ngoại khiến xe tăng sẽ dễ bị phát hiện hơn nếu đối phương sử dụng các khí tài trinh sát điện tử, ngoài ra tầm nhìn của các loại khí tài này cũng khá hạn chế.
Trong khi đó đối với các loại khí tài nhìn đêm thế hệ 1 và 2+, đặc biệt là thế hệ 2+ đang được bộ đội tăng thiết giáp ta sử dụng có ưu điểm là có thể quan sát được mục tiêu trong điều kiện ánh sáng hạn chế nhờ bộ khếch đại, chất lượng hình ảnh cho ra cũng trung thực sắc nét hơn và có tầm nhìn cũng xa hơn. Ngoài ra, khí tài này cũng không cần sử dụng đèn pha hồng ngoại để dẫn sáng giúp xe tăng khó bị phát hiện hơn trước các thiết bị trinh sát điện tử, đảm bảo các yếu tố an toàn, bí mật và bất ngờ trong tác chiến ban đêm.
Việc trang bị bộ khí tài nhìn đêm mới còn giúp trưởng xe quan sát rõ mục tiêu trên nhiều loại địa hình khác nhau hổ trợ đắc lực trong chỉ huy tác chiến, còn đối với lái xe là đảm bảo an toàn trong quá trình hành quân tác chiến ban đêm.
Về cơ bản khí tài nhìn đêm của quân đội ta hiện nay được chia làm hai loại hoạt động theo nguyên lý chủ động và thụ động.
Việc có thể tự nâng cấp cải tiến các loại khí tài nhìn đêm trên xe tăng sẽ giúp góp phần rất lớn cho bộ đội thiết giáp của ta hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
- Trong đó khí tài nhìn đêm chủ động sử dụng bộ biến đổi quang điện một tần với quang catốt được chế tạo từ hợp chất AGOCD - nó có độ nhạy phổ thấp và bức xạ nhiệt cao do đó khí tài này chỉ hoạt động hiệu quả khi được chiếu xạ bằng pha hồng ngoại. Nhược điểm của nó là to cồng kềnh sử dụng nhiều năng lượng và dễ bị phát hiện nếu đối phương sử dụng thiết bị quan sát hồng ngoại tương tự.
- Còn đối với các loại khí tài nhìn đêm thụ động, cấu tạo chức năng cũng tương tự như khí tài chủ động nhưng nó lại không cần đến đèn pha hồng ngoại để chiếu bức xạ hồng ngoại, nhờ vào việc được trang bị bộ biến đổi quang điện thế hệ 1 trở lên.
Các loại khí tài này hoạt động nhờ vào việc khuếch đại ánh sáng yếu hoạt động trên bản chất hiện tượng khuếch đại ánh sáng. Bởi vì nguyên tác chính ở đây là khuếch đại ảnh quan sát được trên nền ánh sáng ngoại lai như ánh trăng, ánh sao, ánh sáng tán xạ từ bầu trời địa hình địa vật ở phổ ánh sáng nhìn thấy và vùng hồng ngoại gần thông thường dưới 1,1 micrômét.
Hệ thống quang học của các loại kính lái xe về cơ bản là giống nhau có kết cấu cơ khí tương tự. Do đó việc nghiên cứu khảo sát các loại kính lái xe ban đêm có thể được thu hẹp lại trong một loại kính nhìn đêm lái xe tiêu biểu và từ đó nhân rộng ra các loại khác.
Trong ảnh là khí tài nhìn đêm TKN-1CT dành cho trưởng xe T-55 cũng do Xí nghiệp 23 nâng cấp cải tiến. Mục tiêu chính của đề tài nghiên cứu cải tiến khí tài nhìn đêm trên xe tăng của ta hiện nay là trang bị bộ biến đổi quang điện thế hệ 2+ hiện đã được sản xuất trong nước lên trên kính lái xe TVH-2B.
Thay vì sử dụng bộ biến đổi quang điện có đảo ảnh vốn còn nhiều hạn chế thì nhóm nghiên cứu đề tài đã chọn bộ biến đổi quang điện không đảo ảnh, nhưng thiết kế thêm hệ đảo ảnh cho hệ quang. Điều này sẽ tăng được chiều dài hệ quang cũng như khắc phục được những nhược điểm còn tồn tại trên bộ biến đổi quang điện đảo ảnh. Ngoài ra, với bất kỳ sản phẩm khí tài quang học nào thì chất lượng của việc thiết kế quang học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi nó quyết định phần lớn tính năng chất lượng ảnh của sản phẩm.
Bên cạnh đó việc sử dụng lại thân vỏ của mẫu khí tài nhìn đêm mẫu có sẵn còn giúp nhóm nghiên cứu giảm bớt thời gian nghiên cứu phát triển thân vỏ mới, cũng như giúp các binh sĩ sử dụng khí tài hiệu quả vốn đã quá quen thuộc với họ.
Các ưu điểm của khí tài nhìn đêm do Xí nghiệp 23 nâng cấp cải tiến gồm:
- Hoạt đông độc lập không cần khối nguồn nuôi hay đèn pha hồng ngoại;
- Sử dụng pin sạc 1.5V có thể sử dụng nguồn điện trên xe để sạc lại pin hoặc duy trì hoạt động của kính lái xe tiện lợi dễ dàng hơn khối nguồn cũ;
- Khắc phục được hiện tượng lưu ảnh chậm; sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ 2+ nên tầm quan sát chất lượng ảnh cho ra cũng tốt hơn và có thể nâng cấp khi cần thiết.
- Cả người bị cận thị cũng có thể sử dụng khí tài nhìn đêm trên xe tăng T-54/55.
Cận cảnh bộ đôi khí tài nhìn đêm mới trên xe tăng chủ lực của quân đội ta với các tính năng kỹ chiến thuật vượt trội các mẫu khí tài cũ.
Trên cơ sở yêu cầu của thực tế tác chiến nhằm nâng cao tầm quan sát cho trưởng xe khí tài nhìn đêm của trưởng xe cũng được chuyển đổi sang nguyên lý thụ động để đảm bảo yếu tố bí mật, Nó cũng sử dụng trực tiếp nguồn điện trên xe nhưng vẫn giữ nguyên kích thước và các tính năng kỹ chiến thuật khác của khí tài.
Trải qua quá trình thử nghiệm sản phẩm gồm thử nghiệm tĩnh và thử nghiệm tại thực địa bước đầu kính nhìn đêm trên xe tăng do Xí nghiệp 23 nâng cấp cải tiến được đánh giá hoạt động khá ổn định không có hiện tượng hấp hơi, động nước hay hỏng hóc. Giúp nâng cao khả năng quan sát của kíp xe trong điều kiện đêm tối, đây sẽ là bước khởi đầu tạo tiền đề để chúng ta tiếp tục nghiên cứu cải tiến khí tài nhìn đêm cho pháo thủ trên xe tăng.
Comments[ 0 ]
Post a Comment