Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà ngoại giao lão thành, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình vớiThanh Niên, nhân dịp Quốc khánh 2.9.
Là người từng chứng kiến và trực tiếp tham gia vào những giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước, dân tộc, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9 này, Đại sứ có cảm xúc, suy nghĩ gì?
Đất nước ta có một đặc điểm kỳ lạ đó là sự gian khổ như một vận mệnh ám ảnh kéo dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc tăm tối, chúng ta giành được độc lập nhưng sự gian khổ vẫn tiếp tục đeo đẳng.
Tất nhiên đất nước cũng có giai đoạn tươi sáng nhưng rất ngắn, trong khi thời kỳ khó khăn thì dài. Vận mệnh gian khổ ấy có một phần lớn nguyên nhân xuất phát từ vị trí địa lý của Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ luôn là nơi các thế lực lớn nhòm ngó xâm chiếm.
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định Việt Nam “sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Nhưng để thực sự đi đến độc lập, tự do, thống nhất thì sau ngày lễ độc lập ấy Việt Nam đã phải qua 30 năm chiến tranh gian khổ, ác liệt. Đất nước thống nhất rồi nhưng cũng chưa được yên ổn, chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc... Có những thời kỳ chúng ta bị bao vây, cô lập đến mức nghiêm trọng.
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh
Nhìn lại lịch sử, chúng ta phấn khởi với những vẻ vang nhưng luôn cần nhớ tới gian khổ của dân tộc mình. Làm sao dân tộc ta từ nay đi lên vững vàng, yên ổn, phát triển đồng thời có được thanh bình, người dân được ấm no, hạnh phúc thì đó là mong ước của tôi trong dịp kỷ niệm này. Để có được điều đó, tôi cho rằng cần có 3 điều kiện.
Thứ nhất, chúng ta cần có tính toán chiến lược lâu dài, sâu sắc của lực lượng lãnh đạo. Điều kiện thứ hai là làm thế nào để nhân dân đồng lòng đoàn kết. Nếu nhân dân có sự không ổn định, không vững vàng, không một lòng với lực lượng lãnh đạo thì sẽ rất khó khăn. Thứ ba là ta phải biết tận dụng bối cảnh quốc tế, theo tôi đang rất thuận lợi cho chúng ta hiện nay.
Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định bối cảnh quốc tế đang thuận lợi cho Việt Nam? Là một người đã hàng chục năm gắn bó với ngành ngoại giao, ông đánh giá như thế nào vị thế của chúng ta trên trường quốc tế hiện nay?
Tôi cho rằng tính từ thời điểm 2.9.1945, có thể nói chưa bao giờ tình hình quốc tế lại thuận lợi cho nước ta như bây giờ. Đó là điều ít người nhắc tới. So với 71 năm trước, vị thế ảnh hưởng của Việt Nam hiện tại rất khác. Xu thế quốc tế cũng khác xưa rất nhiều. Xu thế chung hiện nay là hòa bình, phát triển và hợp tác. Nếu có một thế lực nào đó muốn gây sự với Việt Nam cũng không phải dễ dàng làm được.
Có một điểm nữa có lẽ nhiều người không thấy đó là chưa bao giờ thế và lực của Việt Nam mạnh như hiện nay. Mạnh ở đây là mạnh thực lực, mạnh ở đoàn kết toàn dân, mạnh ở lực lượng vũ trang, mạnh về trí tuệ của nhân dân. Tất nhiên ta còn nhiều chỗ hạn chế nhưng nói về thế mạnh của đất nước so với 71 năm qua, thì đây là giai đoạn thuận lợi nhất. Một thuận lợi nữa là chưa bao giờ đất nước ta được thế giới ủng hộ và quý trọng như bây giờ.
Tháng 5 vừa qua, Nhật Bản và các nước G7 lần đầu tiên mời Việt Nam dự hội nghị G7 mở rộng, thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vị thế, vai trò và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng khẳng định 10 năm qua, "Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế".
Về quan hệ quốc tế ta có nhiều bạn bè, có quan hệ ở mức bình thường và tốt với nhiều nước lớn. Việt Nam cũng đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 quốc gia trong đó có những nước lớn như Nga, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức... quan hệ đối tác toàn diện với 10 quốc gia trong đó có Brazil, Úc, Mỹ...
Đánh giá về vị thế của đất nước chúng ta không chỉ nhìn Việt Nam từ Việt Nam mà phải nhìn trên góc độ quốc tế. So sánh địa vị hiện nay với 10, 20 năm về trước và trong tương lai, so sánh, cân nhắc để thấy sự phát triển. Nhìn quan hệ với các nước lớn hiện nay, cơ bản là tốt. Quan hệ với Trung Quốc vẫn tốt, mặc dù vẫn còn rất nhiều vấn đề. Ta quan hệ với Mỹ thuận lợi hơn. Mỹ cần Việt Nam vì Việt Nam cần cho chiến lược “xoay trục” của Mỹ, thái độ của Mỹ với Việt Nam thuận lợi hơn trước nhiều. Quan hệ với Nga mặc dù hai bên không còn giữ được quan hệ truyền thống, nhưng vẫn giữ được quan hệ bình thường. Trước khi Mỹ bỏ cấm vận, hầu hết vũ khí ta mua của Nga…
Ta nhìn thuận lợi nhưng cũng nhìn khó khăn, tồn tại. Mới hôm qua thôi, tôi được đọc bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thể hiện thái độ trăn trở với vận mệnh đất nước nhân dịp kỷ niệm 2.9. Tôi rất thích và đã lưu lại bài viết này. Bài viết thể hiện tầm nhìn, đã vạch rất rõ và thẳng thắn những yếu kém. Tôi coi đó là một đóng góp ý kiến sâu sắc đối với cơ quan lãnh đạo của Đảng để khắc phục những yếu kém đó. Trước nay, mỗi dịp kỷ niệm chúng ta hay đề cao, đôi khi đẩy lên một vấn đề gì đó. Theo tôi điều cần thiết bây giờ là phải nói sự thật. Bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói khá rõ về những tồn tại, yếu kém hiện nay và tôi chia sẻ với quan điểm, suy nghĩ đó.
Làm thế nào để người dân bớt khổ
Ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ, thách thức mới đang đặt ra cho quốc gia, dân tộc hiện nay? Ngoài vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, nạn “nội xâm” tham nhũng có phải là một nguy cơ hay không?
Theo góc nhìn của tôi, hiện nay có 3 nguy cơ, thách thức cần hết sức chú trọng. Thứ nhất là vấn đề bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc. Đây là nguy cơ thường trực và chúng ta phải luôn tỉnh táo tập trung cho vấn đề đó. Thách thức thứ hai là nâng cao đời sống nhân dân. Nhân dân ta đến giờ vẫn còn khó khăn, vất vả quá. Đất nước chúng ta có hơn 60 triệu nông dân. Bao giờ bộ phận này no ấm, phấn khởi thì lúc đó đất nước mới bừng lên được.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì tôi không lo ngại lắm vì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đều tập trung vào đấy. Nguy cơ cao nhưng chúng ta luôn sẵn sàng đối phó, các thế lực muốn gây chuyện với ta họ cũng phải cân nhắc. Nhưng còn chuyện làm thế nào để người dân bớt khổ thì tôi thấy chúng ta chưa tập trung, chưa sẵn sàng.
Vấn đề thứ ba là tham nhũng. Ai cũng thấy đây là vấn đề nhức nhối. Tham nhũng ngày càng diễn biến nghiêm trọng làm lòng dân không yên. Chống tham nhũng của chúng ta trước nay vẫn nặng về kêu gọi nên hiệu quả chưa có. Chống tham nhũng phải bằng thể chế. Đảng, Nhà nước phải có những thể chế mới, chặt chẽ hơn nữa mới có thể ngăn chặn được tham nhũng. Cơ chế hiện nay, Nhà nước dành cho cán bộ quá nhiều quyền lực không được kiểm soát. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương nắm quyền lực, nắm tài chính không có kiểm soát nên bây giờ khi lộ ra vụ này, vụ kia thì toàn con số nghìn tỉ kinh khủng. Không có thể chế để kiểm soát thì nạn tham nhũng còn tiếp tục đẩy đất nước vào con đường suy kiệt.
Nhiều ý kiến cho rằng để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước một cách hiệu quả nhất thiết phải có sức mạnh từ nội lực của chính mình. Một trong những yếu tố quan trọng của sức mạnh nội lực đó chính là lòng dân ngày càng được tăng cường vững chắc. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Nói thẳng thắn thì trong một giai đoạn khá dài, có lẽ hơn 10 năm qua, lòng tin của nhân dân đã có suy giảm khá dài. Lãnh đạo của chúng ta không được lòng dân, người dân chê rất dữ mà chê công khai chứ không giấu diếm gì. 10 năm qua cũng là giai đoạn kinh tế khó khăn, sa sút. Người dân cũng đã rất chờ đợi những đổi mới của Đại hội Đảng 12.
Theo quan sát của tôi, thời gian gần đây bắt đầu có những chuyển biến mà dư luận cho là đã nhen nhóm chút hy vọng. Tuy nhiên, hy vọng đó mới bắt đầu thôi, cần chờ đợi và thúc đẩy. Tôi thấy rằng có một số ý kiến và quan niệm của Chính phủ mới tương đối sát dân, được người dân đánh giá tích cực. Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội". Đó là điều chưa từng có. Cùng với đó, Chính phủ cũng cho biết sẽ có những giải pháp mạnh mẽ, sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất vì đây là “mồ hôi, công sức của người dân” như việc quy định siết chặt các đối tượng được sử dụng xe công, đối tượng được xe công đưa đón... Ngoài ra còn có thể kể đến những quyết sách tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn...
Tôi cho rằng, để lấy lại lòng tin của nhân dân thì lãnh đạo phải có quyết tâm, có ý chí mạnh và đồng lòng. Có những việc có tầm nhìn chiến lược lâu dài, nhưng trước mắt phải làm những việc cụ thể để cho dân tin. Việc Chính phủ tuyên bố như thế là thiết thực. Người dân cũng không đòi hỏi gì cao cả mà cần bắt đầu từ những việc cụ thể như thế.
Trường Sơn (thực hiện)
Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment