Chuyên gia Mỹ: Phía sau việc Việt Nam bố trí tên lửa ở Trường Sa
Wednesday, September 7, 2016
Thông tin về việc Việt Nam đã âm thầm triển khai một số giàn pháo phản lực EXTRA ra 5 hòn ‘đảo’ mà Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa tiếp tục thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Trong bài phân tích đăng ngày 28/08/2016 trên trang blog của chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại Foreign Policy Research Institute tại Mỹ, chuyên viên nghiên cứu cao cấp Felix K. Chang cho rằng nếu quả đúng là như vậy, thì rất có thể là phản ứng đáp trả của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên những đảo đá mà họ kiểm soát trong vùng.
Trước hết vị chuyên gia này nêu bật sự kiện đã được Reuters tiết lộ: là Việt Nam đã được cho là đã phân tán và che giấu các giàn tên lửa EXTRA, nhưng chỉ cần một vài ngày chuẩn bị là có thể đưa phương tiện này vào hoạt động.
Đối với Felix Chang, trong bối cảnh Việt Nam thiếu (phương tiện) để theo dõi và giám sát tức thời các mục tiêu di động là tàu Trung Quốc trên biển, hệ thống pháo phản lực EXTRA vẫn có thể đe dọa các căn cứ cố định của Trung Quốc trên các đảo đá. Với tầm bắn tối đa là 150 cây số và độ chính xác chỉ sai lệch khoảng dưới 10 mét, EXTRA có thể phá hỏng các san bay và căn cứ mới xây của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Mỹ, Việt Nam không phải là một nước nhát gan, khiếp nhược trước các thách thức, kể cả khi phải đối phó với những khó khăn chồng chất. Đấy có thể là trường hợp ở Biển Đông, khi với sức mạnh hải quân đang gia tăng và thái độ kiên quyết áp đặt chủ quyền trên toàn vùng, Bắc Kinh đang làm cho việc kháng cự lại ngày càng khó thêm.
Thế nhưng, Hà Nội đã làm những gì có thể làm được. Đã vung tiền ra mua tàu ngầm lớp Kilo và khu trục hạm lớp Gephard của Nga. Đã chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật để củng cố lực lượng tuần duyên, đã thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Philippines, cho dù vẫn quan ngại trước thái độ (thiếu dứt khoát) cũng như sức mạnh quân sự (không cao lắm) của nước này.
Việc Việt Nam tăng cường quân sự ở Biển Đông cũng có thể khiến Trung Quốc tiến thêm nhiều bước để nắm chặt hơn quyền kiểm soát khu vực. Trung Quốc đã không để sót điều gì. Họ đã xây dựng những cơ sở kiên cố và an toàn để bảo vệ máy bay của họ trên các đảo đá. Đầu hè này, Không Quân Trung Quốc bắt đầu gởi chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đi "tuần tra tác chiến" trong khu vực.
Trong suốt thời gian đó thì Trung Quốc tiếp tục các cố gằng nhằm xua đuổi Philippines và Việt Nam ra khỏi những hòn đảo mà hai nước này kiểm soát bằng cách phong tỏa đường tiếp tế cho các đơn vị trú đóng trên các đảo.
Tuy nhiên, việc củng cố hệ thống phòng thủ trên các đảo mà Philippines và Việt Nam nắm giữ có mục tiêu là khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong mưu đồ chiếm thêm lãnh thổ mới. Cách thức dễ dàng mà Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012 có vẻ khó lập lại. Những đảo còn lại trong vùng mà bây giờ được xem là dễ tấn công là các đảo của Malaysia, như James Shoal chẳng hạn.
Thoạt nhìn thì sự leo thang vũ trang trên các đảo ở Biền Đông có thể đáng ngại. Nhưng bản thân sự hiện diện của thêm nhiều vũ khí không có nghĩa là xung đột không thể tránh khỏi, mà nó mang ý nghĩa là nếu đã bùng lên, thì xung đột có nguy cơ nhanh chóng trở thành vòng xoáy khó kiểm soát.
Do tính chất dễ bị chiếm đoạt của các đảo liên can, việc triển khai vũ khí tấn công, như giàn tên lửa có thể làm cho đối phương phải lựa chọn giữa sử dụng vũ lực hay là chịu thua khi khủng hoảng bùng lên.
RFI
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment