Sân bay Trường Sa - niềm tự hào của người lính công trình
Thursday, November 24, 2016
Dưới cái nắng, mặt đường băng nhấp nhoáng, nóng báng. Hàng chục công nhân nước da đen sạm, bám chặt chăm sóc những tấm bê tông vừa được đầm, là bóng loáng. Khoảng trống bê tông trắng đục, hiên ngang trải dài giữa hai vạt phong ba...
Ghi chép của tác giả Bá Hoạch, cán bộ Công ty TNHH một thành viên Xây dựng công trình hàng không (ACC) - đơn vị tham gia xây dựng công trình sân bay trên đảo Trường Sa Lớn.
Tầm nhìn dưới 10 km, mặt biển mênh mông, đồng điệu nền trời cao vời vợi, trong vắt; vòm trời như một cái vung khổng lồ úp xuống đại dương bao la. Gió biển thổi nhẹ, sóng chỉ lăn tăn trên mặt nước. Thế mà khi va chạm nó trở lên hung giữ, thân hình cong lượn, vươn cao, tới tấp đổ vào con tàu, nước tràn cả lên boong. Con tàu lầm lũi tiến về hướng Đông, tuy có nhỏ bé so với biển cả, nhưng nó vẫn vững vàng “Cân bằng động” giữa khơi xa. Thuỷ thủ Phạm Văn Thành, có 6 thâm niên trên biển, nước da màu đồng hun, nói giọng xứ Huế: “ Các anh mới đi lần đầu, qua gần hai ngày đêm lăn lộn với sóng gió chắc đã thấm mệt. Bọn em quen rồi, quanh năm vui với biển, chỉ sợ lúc nào đó, lên bờ không có sóng làm bạn không khéo lại bị ốm cũng nên”… Mải nhìn lũ cá Chuồn bay trên mặt nước, dải đất xanh màu lá nhô lên, nhấp nhổm hiện ra lúc nào không biết. Đảo…Đảo Trường Sa, mọi người cùng reo lên.
Trên cầu cảng, cán bộ chiến sỹ trên đảo đã xếp hàng ngay ngắn. Màu áo trắng, mũ trắng của bộ đội Hải quân nổi rõ giữa rừng phong ba xanh ngắt phía sau. Con tầu khẽ chạm vào thành cầu, nhún nhảy. Tàu cập cảng, tiếng hô “Nghiêm” của chỉ huy đảo vang lên, cả hàng quân nghiêm trang chào đón. Sau những cái bắt tay thân mật, sự hồ hởi mang hơi thở từ đất liền; đoàn xe công nông - lực lượng vận chuyển cơ giới trên công trường xây dựng sân bay Du lịch Trường Sa hối hả vào việc.
Nhớ lại hôm trước, từ Sài Gòn xuống Vũng Tầu để ra đảo, tới bến cảng lúc giữa chiều, đã chậm đến hai giờ theo kế hoạch do sự cố, chẳng kịp dừng chân ngắm phong cảnh “Sơn thuỷ, hữu tình” của Vũng Tàu. Mọi người hối hả tay xách, nách mang đến bận bịu. Ngoài ít tư trang cần thiết “Đoàn du khách’’ còn mang theo nhiều thứ lắm. “ Đồ gì mà lỉnh kỉnh thế các Bác ?, để bọn em đỡ cho” - một trung sỹ của Đoàn 125 Hải quân mau mắn hỏi. Anh Trương Quang Thiều - người từng trải trên nhiều công trình; hôm nay trong vai phụ trách công tác hậu cần vui vẻ: “Có gì đâu, toàn rau, ít bánh kẹo và vài lít rượu quê. Xin phép lãnh đạo rồi, để tối mai anh em tớ vui vẻ với lính công trình một tý”. Nghĩ cũng thương, hồi làm sân bay Phú Bài, sân bay Côn Đảo…bữa ăn tươi cuối tuần, anh em đều có vài chén cho vui. Nhưng trên ở Trường Sa, phải được phép của chỉ huy đảo mới được uống một chút.
Xây dựng sân bay Du lịch Trường Sa, là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nhằm nâng cao chất lượng và thuận tiện việc phục vụ nhân dân, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, tính đa dạng, hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Thuộc Huyện đảo Trường Sa, Tỉnh Khánh Hoà; Đảo Trường Sa lớn cách đất liền hơn 550 km; diện tích nổi hơn 150.000 m2, có hình hài khá xinh đẹp. Trên đảo vốn cũng có sân bay tạm được xây dựng từ năm 1976, lớp mặt trải bằng những tấm ghi nhôm, đã xuống cấp. Đường băng lần này được làm mới với tiêu chuẩn sân bay cấp III, đáp ứng yêu cầu sử dựng các loại máy bay cánh bằng chở khách. Đường băng và sân đỗ máy bay mới có 3 lớp kết cấu trên nền cát, đá san hô tự nhiên gồm: Lớp nền móng tạo phẳng và lu, lèn chặt; lớp móng gia cố xi măng và lớp bê tông xi măng cường độ cao dày 25 cm.
Thi công xây dựng sân bay là ngành nghề chính của ACC, kinh nghiệm và bản lĩnh có nhiều, kể cả làm sân bay trên đảo. Thông thường ACC dùng các phương tiện lớn, hiện đại như các bộ dây chuyền thi công nền đất: trộn, trải, đầm bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng…đồ sộ và cồng kềnh nặng hàng trăm tấn. Còn với Trường Sa thì có nhiều đặc thù với những khó khăn đặc biệt, nên theo tính toán ban đầu của cơ quan chủ quản, để hoàn thành công trình, nhà thầu phải có thời gian từ 24 đến 30 tháng. Chỉ riêng công việc vận chuyển vật tư vật liệu, thiết bị phải phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu của trời, của biển; trong năm chỉ chuyên chở được khoảng 50% thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 và đặc biệt duy nhất đi trên một con đường, một bến tập kết, một cầu cảng chuyển hàng… Toàn bộ phương tiện kỹ thuật, vật tư vật liệu đều phải mang ra từ đất liền với tổng trọng lượng gần 60 nghìn tấn, tổ chức thi công trên một diện tích không rộng và phải chấp hành nguyên tắc khắt khe là: “Chỗ nào không được sử dựng thì không được làm háng dù chỉ là một chiếc lá”. Quả thực trên đảo Trường sa thì “cây lá” được coi là một trong bộ “tứ quý” của lính đảo. Cây xanh được xếp ở vị trí số 3, sau nước ngọt và rau xanh. Mặt đảo là bãi cát trên nền san hô, nước biển mặn đến mức da chỉ có săn lại. Còn nước giếng trên đảo chỉ dùng để tắm và giặt thì quá tốt. Đặc biệt với lính công trình, chẳng cần xà phòng cũng sạch bay các vết bẩn, vì do trong nước có quá nhiều vôi và a xít…
Đoàn “du khách” chúng tôi lần này có các phóng viên Báo Quân đội, Quân chủng, các nhạc sỹ… và đặc biệt có tám diễn viên cây nhà, lá vườn của Công ty ACC và Đoàn Công binh 28. Nghệ sĩ Vũ Đạt - phóng viên nhiếp ảnh Báo Quân đội, anh em quen gọi là “Lão đồng đen” bởi nước da đen, người nhỏ thó, tuổi đã ngót ngét sáu mươi nhưng rất nhanh nhẹn. Dưới cái nắng chang chang, “Lão đồng đen” cùng với nhà báo Quang Huy- Báo PK-KQ thoăn thoắt chạy, trèo để tìm tứ, tìm góc chụp. Khi thì ghé sát ống kính vào mấy chú lính thợ ACC, Lữ 28 đang thi công; lúc lại trèo hẳn lên đống bao tải đá, cát được xếp cao như núi, thẳng tắp như tường thành chụp xa. “Lão” thích nhất đoàn xe công nông hối hả chở vật liệu và ngẩn người hồi tưởng đoàn xe vận tải giữa rừng Trường Sơn thời chiến tranh chống Mỹ mà lão từng chứng kiến… Vì mải mê chụp, quá trưa không thấy “Lão” về ăn cơm, anh em đi tìm vẫn thấy “Lão” vẫn đang ngắm ngắm, chụp chụp, trong khi lính thợ đã về nghỉ trưa từ lúc nào.
Rừng cây phong ba dầy đặc, xanh đậm ngăn bớt cái nắng như đổ lửa của trời. Chả thế mà buổi trưa, mỗi người một giường gấp hay một cái ghế băng đặt dưới gốc phong ba, là có thể…ngáy ngon lành.
…Buổi tối, cái nóng đã dịu đi, gió biển len vào giữa các hàng ghế khán giả trên sân trung tâm của đảo. Cột mốc chủ quyền sáng rực dưới ánh điện lung linh. Chương trình văn nghệ được xen kẽ các trò chơi thanh niên nồng nhiệt, tiếng hò reo làm át tiếng sóng vỗ rì rào, làm mấy bác lớn tuổi không đừng được cũng hoà theo. Sau hơn hai giờ hát, múa, giao lưu mà các chiến sỹ còn vẻ thòm thèm.
Nhận nhiệm vụ xây dựng sân bay Trường Sa, Ban Giám đốc Công ty không khỏi lo lắng. Làm thế nào để hoàn thành công trình trong thời gian 7 tháng - thời hạn mà Giám đốc Bùi Quang Vinh đã hứa với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng. Hàng trăm câu hỏi đặt ra, các yếu tố được xác định: Con người đáp ứng, trang thiết bị có đủ, biện pháp thi công hoàn thiện. Vấn đề là phải bám chắc tình hình thời tiết và phối hợp hiệp đồng thật chặt chẽ thì sẽ thành công - Giám đốc Bùi Quang Vinh kết luận. Với đội quân hùng hậu, công trình Trường Sa được hình thành 5 tuyến cơ bản: Tuyến tạo nguồn, tuyến tập kết trên đất liền, tuyến vận chuyển trên biển, tuyến tập kết trên đảo và cuối cùng là tuyến thi công. Một guồng máy đa dạng, phức tạp và trải dài gần nghìn cây số được vận hành nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết.
Ngay sau khi đón tết nguyên đán Giáp Thân, ngày 01/3/2004 Lễ khởi công được tổ chức ngay tại chân cột mốc chủ quyền. Trước biển mênh mông, dưới cờ Tổ quốc, cán bộ, nhân viên xin hứa sẽ hoàn thành công trình vượt mọi chỉ tiêu quy định
…Mới 5 giờ mà ánh nắng chói chang đã xuyên qua cửa. Ngoài công trường, những người lính thợ đã triển khai công việc. Thượng tá Nguyễn Xuân Cường, Thượng tá Trương Quang Thiều, Trung tá Cao Bá Thành, Đại uý Cù Trung Kiên, Kỹ sư Đỗ Văn Khải… là những cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật được giao nhiệm vụ ra đảo sớm nhất. Các anh tâm sự: Làm việc ở đây không nhất thiết theo giờ hành chính, mà chủ yếu phụ thuộc theo “Dự báo thời tiết” làm chính. Ví như hôm nay nắng nóng, cần phải làm sớm và phải nghỉ trước 9 giờ. Buổi chiều phải bắt đầu sau 15 giờ thậm chí 16 giờ mới tiếp tục thi công. Không phải chỉ riêng đảm bảo sức khoẻ cho anh em, mà nóng quá cũng ảnh hưởng cả tới chất lượng của bê tông.
Dưới cái nắng, mặt đường băng nhấp nhoáng, nóng báng. Hàng chục công nhân nước da đen sạm, bám chặt chăm sóc những tấm bê tông vừa được đầm, là bóng loáng. Khoảng trống bê tông trắng đục, hiên ngang trải dài giữa hai vạt phong ba. Trường Sa thấp thoáng, ẩn hiện sau lớp lớp sóng lừng.
Sau mấy làn cây xanh, khói bếp bốc lên nghi ngút. Mùi thơm của bắp cải luộc toả ra hấp dẫn hơn bất cứ món ăn nào. Lính công trình trên đảo ăn khoẻ, ngủ khoẻ, hàng ngày như một ngày tuần tự: 5 giờ dậy chạy, ăn sáng, đi làm. Trưa về, ăn, ngủ dưới gốc phong ba. Buổi chiều, sau một ngày lao động mệt nhọc, tắm xong lại thấy khoẻ ngay. Ngày qua ngày, ít ai để ý đến thời gian. Đường băng ngày một dài ra. Núi cát, đá, xi măng… ngắn lại. Bảy tháng trời chóng vánh qua đi, công trình đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sừng sững như chủ quyền đất nước. Một công trình giữa biển khơi, đó là trí tuệ, công sức là niềm tự hào của người lính công trình...
Theo ACC
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment