Tổng thống đắc cử Donald Trump có lẽ hiểu biết không nhiều về Biển Đông. Nhưng các mưu sĩ của ông Trump thì hẳn phải biết rõ. Những điều giới chuyên gia quốc tế cho đến nay đề cập đến một chính sách đối với vùng biển Đông Nam Á này đều là những dự đoán dựa trên quan điểm của ông Trump về thế giới, về lợi ích của nước Mỹ, về châu Á, được ông này đề cập trong cuộc vận động tranh cử vừa qua và trong một số hoạt động đối ngoại đầu tiên sau khi đắc cử, như cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản ngày 17/11 tại nhà riêng của ông ở New York – Tháp Trump.
Cuộc tiếp xúc đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump là với Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh được ông Trump công bố với lời bình: "Tôi rất vui mừng được đón Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm tại gia và bắt đầu một tình thân hữu lớn"
Trong trường hợp chính quyền Trump hướng nội, Nhật Bản có thể sẽ nổi lên là một cường quốc quân sự mới. Người ta có thể hình dung chính việc bầu ông Trump sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tokyo và Moskva từng bước xích lại gần nhau hơn. Việc thoát khỏi áp lực từ Mỹ, khiến Nhật Bản có thể thúc đẩy quá trình tìm kiếm một đồng minh cần thiết để đối trọng với Trung Quốc. Về phía Nga, nước này cũng nhìn thấy lợi ích trong việc tái cân bằng sức mạnh với Trung Quốc do đó cũng tìm cách xích lại gần Nhật Bản một cách chủ động hơn.
Có hai cách tiếp cận khác nhau về lập trường của chính quyền Trump liên quan Biển Đông.
Tờ Đại Công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong ngày 17/11, dẫn lời Đạt Nguy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, dự báo, sau khi Donald Trump lên nắm quyền, tình hình tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông sẽ lắng dịu hơn.
Ngược lại, Đài RFA ngày 17/11 đưa nhận định của Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington, cho rằng ông Trump có thể đang cân nhắc một cách tiếp cận cứng rắn hơn ở Biển Đông.
“Hòa bình thông qua sức mạnh”: Vai trò lớn của hải quân Mỹ ở châu Á
Murray Hiebert dựa vào bài báo của Alexander Gray và Peter Navarro, cố vấn chính sách của Donald Trump, đăng trên tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy), ngày 7/11, nhan đề “Tầm nhìn hòa bình thông qua sức mạnh của Donald Trump về châu Á-Thái Bình Dương”. Hai tác giả đã phê phán việc Kurt Campbell, trợ lý đắc lực của Ngoại trưởng Clinton, phụ trách Văn phòng Đông Á Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2012 đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Philippines và Trung Quốc trong vụ xung đột tại bãi cạn Scarborough, dẫn đến hậu quả là tàu thuyền của Philippines thì rút khỏi khu vực tranh chấp, nhưng tàu thuyền của Trung Quốc thì ở lại chiếm giữ bãi cạn. Đó là một sự thất bại hoàn toàn của Washington trước một vi phạm ngoại giao trắng trợn của Trung Quốc và không thực hiện nghĩa vụ đối với một đồng minh lâu năm và của chính sách xoay trục trước một cuộc khủng hoảng gây tổn thương lòng tự trọng của người Philippines. Cuộc khủng hoảng này không nghi ngờ gì nữa đã góp phần làm cho Tổng thống Philippines Duterte đánh giá thấp sự cam kết an ninh của Mỹ và là nguyên nhân của việc ông Duterte chuyển sang liên minh với Trung Quốc.
Donald Trum cam kết xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, nâng số lượng tàu chiến từ 274 hiện nay lên 350 chiếc, nhằm thực hiện tầm nhìn "hòa bình thông qua sức mạnh"
Hai tác giả cho rằng các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ấn Độ, thậm chí Myanmar…, đang tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Washington để cân bằng lại Bắc Kinh mà các nước này xem là “một kẻ bắt nạt và xâm lược tiềm tàng. Chính quyền tiếp theo (ở Mỹ) sẽ phải sẵn sàng nắm lấy các cơ hội chiến lược này – nếu nó có ý chí và tầm nhìn để hành động như vậy”. Hai tác giả khẳng định “Không nên nghi ngờ về cam kết của Trump đối với các đồng minh châu Á của Mỹ như là nền tảng của của sự ổn định khu vực”.Trong quá trình vận động tuyển cử, ông Trump cho rằng lực lượng vũ trang Mỹ đã bị suy yếu vì ngân sách quốc phòng bị cắt xén. Ông Trump cam kết sẽ tái xây dựng hải quân Mỹ từ số lượng tàu chiến 274 hiện nay lên 350 chiếc. Và trong cuộc làm việc đầu tiên của nhóm chuyển giao quyền lực của Trump tại Bộ Quốc phòng mới đây, theo một nguồn tin, việc tăng cường quân đội, tàu chiến và máy bay chiến đấu có thể tăng thêm 100 tỷ USD so với ngân sách mà Bộ Quốc phòng dự trù cho nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump.Hải quân là nòng cốt và biểu tượng sức mạnh toàn cầu của Mỹ, đã bị cắt giảm tới mức thấp nhất. Theo Alexander Gray và Peter Navarro, “Hải quân Mỹ có lẽ là lực lượng quan trọng nhất duy trì ổn định của khu vực châu Á, bảo vệ 5 ngàn tỷ USD thương mại hàng năm đi qua biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và ngăn chặn tham vọng đang lên của Trung Quốc”; “chương trình hải quân của Trump sẽ tái cam kết với các đồng minh rằng Mỹ vẫn cam kết về dài hạn với vai trò truyền thống bảo đảm trật tự tự do hàng hải tại châu Á”.Theo báo Pháp Le Figaro ngày 17/11, ông Donald Trump và một số cố vấn của ông đã nhiều lần tuyên bố chỉ trích “sự hám lợi” của Trung Quốc cũng như sự yếu kém của chính quyền Obama trong đó chính mối đe dọa từ “chiến lược xoay trục sang châu Á” của Mỹ đang thôi thúc Trung Quốc có những bước tiến tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo tờ báo này, nguy cơ có thể nhìn thấy là việc nước Mỹ sẽ chấp nhận khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” vốn được xây dựng dựa trên sự công nhận “lợi ích cơ bản” của nhau mà Tập Cận Bình đã cố gắng tìm cách ép Mỹ chấp nhận kể từ năm 2013 (tại cuộc gặp với Barack Obama tại Sunnyland, California).Các nước châu Á đang theo dõi các phát triển tư duy cầm quyền của Donald Trump. Biển Đông/Đông Nam Á/ASEAN sẽ có vị trí như thế nào trong chính sách châu Á của chính quyền mới sẽ tùy thuộc vào quan hệ tương tác giữa các thế lực lợi ích ở Mỹ (doanh nghiệp, công nghiệp quân sự, quân đội-hải quân, Quốc hội), cũng như giữa các bên trên bàn cờ chính trị an ninh châu Á. Đối với nhiều nước châu Á, “lấy tĩnh chế động” là một trong cách tiếp cận khôn ngoan vào thời điểm này./.
Người bình luận
Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment