Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc vào hôm nay (28/11). Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Thongloun tới Trung Quốc kể từ khi ông này này nhậm chức hồi tháng Tư.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Thủ tướng Thongloun sẽ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh và tới thăm tỉnh Hồ Nam. Chuyến thăm của ông Thongloun được xem là một phần nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực châu Á là Lào với quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc.
Ông Thongloun sinh thành ở tỉnh Houaphan của Lào. Ông từng nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao Lào vào năm 1987. Từ năm 2001, ông Thongloun trở thành phó Thủ tướng Lào và đồng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Lào từ năm 2006 đến nay. Ông là một trong số 11 thành viên thuộc Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ông Thongloun từng theo học tại Liên Xô cũ và có thể nói được tiếng Nga, Anh và Việt Nam.
Việc Quốc hội Lào bầu ông Thongloun làm Thủ tướng được xem là nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa Lào và các nước trong khu vực nhờ vào kinh nghiệm ngoại giao dày dặn của ông này.
Trong năm nay, Lào đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế khi nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là chủ nhà tổ chức hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh với sự góp mặt của các quan chức và nhà ngoại giao hàng đầu khu vực bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tháng Chín. Cuộc họp này còn có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ tới Lào.
Quan hệ Lào – Trung Quốc
Chuyến thăm của ông Thongloun tới Trung Quốc diễn ra sau 6 tháng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachi tới thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng Năm.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Cụ thể, Trung Quốc đang đầu tư vào 764 dự án tại Lào trong các lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp, điện năng và du lịch. Trong đó, 522 dự án là hoàn toàn vốn của Trung Quốc và 212 dự án có sự góp mặt của cả Trung Quốc và Lào.
Giới chuyên gia ngoại giao nhận định không giống như phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, người theo đuổi chính sách đối ngoại ủng hộ Bắc Kinh, Thủ tướng Thongloun sẽ tìm cách cân bằng quan hệ giữa Lào và các nước trong khu vực. Theo đó, Lào muốn thắt chặt quan hệ với Trung Quốc nhưng cũng tìm kiếm cơ hội giao lưu với nhiều quốc gia khác bao gồm Mỹ và Nhật Bản.
Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, Lào là nước ủng hộ Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Do đó, chuyến thăm tới Lào hồi tháng Chín của Tổng thống Obama được xem là một phần nỗ lực của Washington nhằm tách Lào ra khỏi tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN cùng tháng do Lào chủ trì, tuyên bố chung của hội nghị đã không đề cập tới phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cũng trong tháng Chín, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Lào sau khi tham dự hội nghị ASEAN.
Minh Thu
Infonet.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment