Vnsputnik: Căng thẳng biên giới Việt Nam - Campuchia cần cho ai?
Friday, November 4, 2016
Trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra tại Campuchia sau hai năm nữa, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập sẽ cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua giành ghế tại Quốc hội.
Cựa khẩu Mộc Bài
Theo nhà phân tích chính trị Nga — Giáo sư Dmitry Mosyakov, hai đảng này có quan điểm đối chọi nhau không chỉ trong chính sách đối nội mà còn trong chính sách đối ngoại, kể cả trong vấn đề đường biên giới với Việt Nam, và thái độ đối với những người nhập cư đến từ Việt Nam. Giáo sư Mosyakov cho biết:
"Phe đối lập không muốn công nhận đường biên giới hiện có, ho có tham vọng với toàn bộ miền Nam Việt Nam, coi đó là vùng đất Campuchia đã bị tước trong thời Trung Cổ do các hành động quân sự. Tất nhiên, đây là một yêu sách hoàn toàn không thực tế, nhưng, phe đối lập thường xuyên đề xuất sáng kiến này. Có một lần, nhà lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy cùng một nhóm nhà báo thậm chí đến khu vực biên giới với Việt Nam và cắm cột mốc biên giới vào sâu 10 mét trên lãnh thổ Việt Nam".
Nếu nói về đảng CPP cầm quyền, thì theo quyết định của đảng này chính quyền Campuchia đã ký các thỏa thuận với Việt Nam vào năm 1985 và năm 2005, theo đó đã phân giới cắm mốc của 83% đường biên giới đất liền Việt Nam — Campuchia.
Hai đảng này có thái độ khác nhau đến vấn đề Việt kiều. Theo truyền thống lịch sử ở Campuchia có cộng đồng người Việt rất lớn, gần nửa triệu người. Trong những năm gần đây đã ghi nhận xu thế gia tăng số người Việt di cư sang Campuchia bởi vì ở đó có những nơi làm việc. Phe đối lập cho rằng, sự gia tăng số người Việt là mối nguy cơ đe dọa người dân bản địa, vì hiện tượng này sẽ dẫn đến việc Campuchia bị mất những vùng đất khác. Tất nhiên, dòng di cư từ Việt Nam là một vấn đề, nhưng, nhìn chung, không chỉ riêng Campuchia đang phải đối mặt với vấn đề đó. Đây là một vấn đề gay gắt ở Nga và EU, nhưng, nó phải được giải quyết một cách văn minh, chứ không phải bằng cách trục xuất tất cả mọi người nhập cư. Song, chúng ta không chờ đợi điều gì khác từ một đảng đã tuyên bố Việt Nam là kẻ thù lịch sử của Campuchia!
Giáo sư Mosyakov nói, kế hoạch của đảng CNRP tìm một thỏa hiệp với Trung Quốc cũng không thành hiện thực. Họ không thể thiết lập quan hệ gần gũi với Trung Quốc, bởi vì Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia theo quan niệm phương Tây, thân Mỹ, phần lớn đảng viên sống lưu vong, đa số nhà lãnh đạo chỉ thỉnh thoảng đến thăm Campuchia từ Pháp, Hoa Kỳ, từ Hawaii. Ngoài ra, Trung Quốc có mối quan hệ tuyệt vời với Đảng Nhân dân và nhà lãnh đạo Hun Sen, người đã biến Campuchia thành một thành viên ASEAN trung thành nhất của Bắc Kinh. Tại tất cả các hội nghị cấp cao, Campuchia truyền đạt quan điểm của Trung Quốc cho các thành viên khác của Hiệp hội, giữ lập trường khác về vấn đề Biển Đông và phán quyết của trọng tài Hague. Về phần mình Trung Quốc cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho Campuchia và đảm bảo sự ủng hộ cho ông Hun Sen từ phía cộng đồng Hoa kiều có ảnh hưởng ở Campuchia. Chuyên gia Mosyakov nói tiếp:
"Ông Hun Sen có mối quan hệ rất tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam. Ông được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 1985, khi quân đội Việt Nam đang hiện diện ở Campuchia để giải phóng đất nước khỏi chế độ đẫm máu "Khmer Đỏ". Và trước đó ông đã giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao — vào thời điểm đó là bộ trưởng trẻ nhất trên thế giới. Hun Sen là một người được tín nhiệm cả ở Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai quốc gia đều không muốn để các nhà duy tâm thân phương Tây lên nắm chính quyền tại Phnom Penh và biến Campuchia thành một bãi thí nghiệm mới".
Giáo sư Mosyakov cho rằng, cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn để Hun Sen tiếp tục giữ chính quyền trong đảng và nhà nước, để thực thi một chính sách đối ngoại ổn định và dự đoán được, đảm bảo sự yên bình trên biên giới với Việt Nam và đóng vai trò một thành viên thân Trung Quốc tại ASEAN. Và nếu phe đối lập lên nắm chính quyền thì tình hình trong khu vực sẽ có sự thay đổi triệt để.
Theo ý kiến của chuyên gia Nga, chiến thắng của Hun Sen trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ có lợi cho Nga. Trong đội ngũ CPP, cũng như trong ban lãnh đạo đất nước, có nhiều người đã học đại học ở Nga vào những thời điểm khác nhau, có thiện cảm với Nga và có thể thúc đẩy quá trình tái lập quan hệ Campuchia-Nga. Giáo sư Mosyakov nhận định rằng, trong tình huống này, Nga, Việt Nam và Trung Quốc có các lợi ích nếu không phải giống nhau, nhưng ít nhất rất gần gũi với nhau ở Campuchia.
Tags:
Thế giới,
VietNam-Cambodia
Comments[ 0 ]
Post a Comment