Nhật Bản có lợi ích quốc gia quan trọng tại Biển Đông, trực tiếp bảo vệ an ninh tuyến đường sống còn trên biển của mình.
8h sáng 6/6/2014, tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản chở hàng trăm sĩ quan cập cảng Đà Nẵng để tham gia hoạt động "Đối tác Thái Bình Dương 2014", điều đáng chú ý rằng đây là thời điểm Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam.
Trước hết, đó là các lợi ích kinh tế và an ninh kinh tế tại Đông Nam Á. Tranh chấp Biển Đông leo thang sẽ ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của nước này ở khu vực Đông Nam Á, tới tuyến đường vận chuyển sống còn liên quan đến an ninh kinh tế của Nhật Bản.
Các lợi ích quốc gia nền tảngCựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto – hiện nay là học giả nghiên cứu chính trị và an ninh quốc tế tại Đại học Takushoku – nói trong bài phát biểu khai mạc triển lãm vũ khí đầu tiên của Nhật Bản: Sự ổn định và an ninh của các tuyến đường biển (vận chuyển 90% lưu lượng thương mại của Nhật Bản và năng lượng) là nền tảng của chiến lược hải quân Nhật Bản, họ phải xử lý tất cả các đe dọa đến an ninh hàng hải. Điều này cần phải đạt được thông qua luật pháp. Chúng tôi quan ngại về các hành động đơn phương ở biển Hoa Đông và Biển Đông, ví dụ như cải tạo đảo đá quy mô lớn. Hành động này có thể đe dọa đến tình hình khu vực. Nhật Bản sẽ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực mở rộng lãnh thổ bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực của bất cứ quốc gia nào.Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Tomohisa Takei nói: Hầu hết các nước ở phía Tây Thái Bình Dương đã tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa lực lượng hải quân để đảm bảo an ninh hàng hải. Tuy nhiên có vài nước cụ thể đã có những động thái quá mạnh mẽ, gây lo lắng và mất niềm tin ở các nước láng giềng. Các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác thiện chí, thường xuyên trao đổi liên lạc và có các biện pháp hóa giải xung đột.
Nhật Bản nhập khẩu nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, chuyên chở qua eo biển Malacca, Biển Đông, eo biển Đài Loan để về Nhật Bản. Một khối lượng lớn buôn bán xuất nhập khẩu của Nhật Bản cũng đi qua tuyến đường này. Bất kỳ một quốc gia đối địch nào kiểm soát các tuyến đường biển này đều tạo ra uy hiếp, tạo sức ép lên Nhật Bản trong thời bình và làm gián đoạn chúng trong thời chiến. Đảm bảo an toàn và thông suốt của tuyến đường vận chuyển trên biển thuộc lợi ích quốc gia của đảo quốc.
Những năm gần đây xuất hiện thời cơ chiến lược với việc Mỹ “xoay trục” trở lại châu Á. Việc phối hợp với chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ hỗ trợ cho Nhật Bản phát huy tốt hơn nữa vai trò trong thời kỳ mới. Trong tương quan lực lượng mới, khi Mỹ thúc đẩy các nước đồng minh đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các bất ổn khu vực, Nhật Bản chủ động thúc đẩy liên minh Mỹ-Nhật giữ chủ đạo trong các vấn đề an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra Nhật Bản nhìn nhận sự gắn kết việc xử lý vấn đề Biển Đông với việc giải quyết tranh chấp Nhật-Trung xung quanh quần đảo Điếu Ngư và phân chia ranh giới trên biển Hoa Đông. Nhật Bản quan niệm rằng việc giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ có hệ quả đối với giải quyết tranh chấp biển Hoa Đông.
Các biện pháp Nhật Bản có thể áp dụng
Nhật Bản từng bước tháo gỡ các nút thắt của Hiến pháp hòa bình, dọn sạch trở ngại cho việc thực hiện “quyền tự vệ tập thể”, phá bỏ hạn chế ngân sách quân sự, sửa đổi “ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, “ba nguyên tắc phi hạt nhân”, lấy “phòng vệ mang tính tấn công” thay cho chính sách “định hướng phòng thủ riêng biệt”, tăng cường cái gọi là “lực lượng phòng vệ cơ động”, làm cho liên minh Nhật-Mỹ ngang nhau và Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường”…
Nhật Bản dựa vào mấy biện pháp: (1) Hiệp ước đảm bảo an ninh Mỹ-Nhật để hải quân Mỹ bảo vệ cho đội tàu vận chuyển của nước này. (2) Phát triển mối quan hệ hợp tác chính trị, an ninh chặt chẽ với các nước ASEAN, cùng nhau đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á. (3) Trực tiếp can thiệp vào vấn đề Biển Đông, sẽ tiến hành tuần tra quân sự, trực tiếp bảo vệ an ninh tuyến đường sống còn trên biển của mình.
Bản Định hướng Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật, ký tại Mỹ ngày 27/4 vừa rồi, là một trong những bước đi đầu tiên của quá trình bình thường hóa của lực lượng quân sự Nhật Bản. Họ còn phải trải qua một quá trình cải cách luật pháp tương đối phức tạp để có thể đạt được mục tiêu của mình.
Việc Nhật Bản có thể tham gia tuần tra chung với Mỹ tại khu vực Biển Đông là nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc. Mấy năm gần đây năng lực hải quân của Nhật Bản tăng lên rất nhanh, có khả năng tiến vào Biển Đông. Nhật Bản có thể nghiên cứu khả năng tiếp cận với các căn cứ quân sự tại Philippines cho các hoạt động tuần tra tại Biển Đông. Vấn đề này có thể sẽ được đưa ra bàn luận trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng 6 tới.
Hiện nay Nhật Bản có khoảng 70 máy bay trinh sát P-3 Orion, và sẽ triển khai thêm 20 máy bay trinh sát Kawasaki Heavy P-1 có tầm bay gấp đôi P-3 Orion trong thời gian tới. Nhiều khả năng họ sẽ sử dụng các máy bay này trong trường hợp quyết định tuần tra ở Biển Đông.
Về phía Việt Nam, sở hữu vị trí địa- chiến lược quan trọng, năng lực quốc phòng được đánh giá cao và tiềm năng kinh tế lớn, Việt Nam có nhiều đòn bẩy khi quan hệ với các cường quốc. Do Việt Nam đang có quan hệ tương đối tốt với cả Nhật Bản và Mỹ, có thể tăng cường hợp tác quốc phòng với hai nước này trên các lĩnh vực mà bản Định hướng đã nêu ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura đã nói Mỹ và Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hợp tác với các bên thứ ba, với các đối tác tiềm năng như Ấn Độ; có thể thêm cả Australia và Việt Nam./.
Lưu Việt -Toquoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment