Nếu tôi là ông Tập Cận Bình...
Monday, May 25, 2015
Với sự lớn mạnh, cùng với các hành động “hung hăng” trên nhiều vùng biển, trong đó có Biển Đông, Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia lo ngại. Một vấn đề các quốc gia lưu tâm là chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là như thế nào? Bởi vì những tuyên bố của chính giới Trung Quốc với những hành động của họ trên thực tế là rất khác nhau.
Mới đây, một tờ báo của Mỹ là The Weekly Wonk đã thực hiện phỏng vấn 7 học giả khác nhau trên thế giới để dự đoán về chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông trong thời gian tới. Đây cũng là những gợi ý cho các nhà làm chính sách của các quốc gia có liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Patrick Cronin (Cố vấn cao cấp và là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Anh ninh Mỹ mới) cho rằng:
Nếu tôi là Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi sẽ tìm cách dạy cho khu vực rằng chúng tôi thực sự muốn gì khi chúng tôi tuyên bố rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc, là một phần của Trung Quốc từ rất lâu. Tôi sẽ sử dụng tất cả sức mạnh và quyền lực để khiến “đường lưỡi bò” trở thành thực tế. Tôi sẽ thúc đẩy việc cải tạo và xây dựng trên 6 cấu trúc địa lý tại Trường Sa thật nhanh, trước khi phiên Toà trọng tài theo phụ lục VII của Công ước luật biển ra phán quyết. Tôi cũng muốn xây dựng các đảo nhân tạo để ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ vào đảo Đài Loan.
Nếu tôi là Tập Cận Bình, tôi sẽ tạo ra nút chặn để ngăn cách sự liên minh giữa các nước láng giềng của Trung Quốc với Hoa Kỳ. Tôi sẽ tập trung vào các vấn đề như sự mở rộng ngắn hạn hiện diện của Hoa Kỳ, sự ác cảm với Hoa Kỳ, và sự thiếu thống nhất trong các mục tiêu an ninh quốc tế chung. Tôi sẽ tập trung vào việc mở rộng mối quan hệ với các quốc gia ASEAN, mua chuộc họ và đe doạ nếu họ không nghe lời. Tôi sẽ mở các diễn đàn đối thoại mà tôi thực sự chi phối toàn bộ diễn đàn ấy. Và tôi cũng sẽ dạy cho các nước Đông Nam Á về việc nếu họ muốn có hoà bình và thịnh vượng thì họ phải biết tuân theo trật tự do các cường quốc sắp đặt.
Nếu tôi là ông Tập, tôi sẽ tận dụng khai thác các cơ hội mà tôi đã mở ra trước đó với các láng giềng của tôi. Tôi sẽ tiếp tục dùng sức mạnh để lấn tới tại Scarborough Shoal, đây là một chiến thuật khéo léo để ngăn ngừa và đe doạ các đồng minh của Hoa Kỳ. Tôi cũng sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy ý định thật sự của tôi trên Biển Đông. Tôi sẽ hành động khéo léo, chỉ tiến đến mức vừa đủ để tạo thành sự chia rẽ trong khu vực mà không để tạo thành việc hình thành một liên minh chống Trung Quốc.
Tôi sẽ tìm cách để chứng minh cho mọi người thấy sự tin cậy của giấc mơ Trung Hoa bằng cách hỗ trợ các chính phủ thông qua các dự án đầu tư hạ tầng, nhưng không đi quá xa để bộc lộ những điểm yếu của mình. Tôi sẽ tiếp tục khiến cho sự chi phối và kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông là tất yếu, thậm chí cả khi tôi phải chơi trò mèo vờn chuột.
Tôn Vân (học giả Mỹ gốc Trung Quốc tại chương trình nghiên cứu Đông Á của Trung tâm Stimson):
Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách “hai mặt” trong tranh chấp Biển Đông, một mặt, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ trên biển của họ thông qua các chính sách ngoại giao và quân sự cưỡng bách, bao gồm cả việc cải tạo và xây dựng các cấu trúc địa lý tại Biển Đông, mặt khác, Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách “quyến rũ” đối với khu vực Đông Nam Á, thông qua việc sử dụng các công cụ kinh tế như các dự án phát triển hạ tầng và đầu tư để gia tăng quan hệ cũng như kiểm soát các chính quyền của các quốc gia khu vực này.
Chính xu hướng này cho thấy vì sao Trung Quốc đã tuyên bố phát triển sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ XXI” chạy xuyên qua Đông Nam Á, Nam Á tới Ấn Độ Dương. Về vụ Philippines kiện Trung Quốc tại một Toà trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Luật biển, Trung Quốc sẽ cố gắng củng cố sức mạnh cho lập luận của họ đối với phiên Tòa nhưng không phải bằng cách chấp thuận tham gia hoặc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài.
Cho đến nay, “đường lưỡi bò” vẫn là một chướng ngại trong chính sách của Trung Quốc về Biển Đông, tuy nhiên tham vọng rõ ràng của Trung Quốc đối với Biển Đông thông qua các yêu sách mập mờ của “đường lưỡi bò” này sẽ làm Trung Quốc có lợi hơn là việc công khai các yêu sách này, vì nếu công khai sẽ chịu phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Thông qua các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng như cải tạo, xây dựng các cấu trúc địa lý tại Biển Đông, sử dụng các lực lượng bán quân sự, tăng cường cái gọi là thực thi luật pháp của Trung Quốc liên quan đến biển và khai thác các nguồn tài nguyên biển, Trung Quốc tìm kiếm việc gia tăng vị thế thực tế của họ trên Biển Đông, điều này sẽ tạo lợi thế cho họ khi tiến hành bất kỳ các đàm phán nào sau này đối với khu vực biển tranh chấp phức tạp này.
Michael Lind (Giám đốc chính sách của Chương trình tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ mới):
Trong tiếng Anh có thành ngữ là: Chỉ cần chiếm hữu thực tế đã là chín phần mười của luật pháp rồi. Hiểu được ý này, cho nên Trung Quốc đã chiếm hữu rất nhiều mỏm đá trên Biển Đông, và đang cho xây dựng các công trình nhân tạo trên các mỏm đá này. Hành động này là một bước trong chiến lược nhằm kiểm soát thực tế các vùng nước trên Biển Đông, dù cho các vùng này đang thuộc quyền kiểm soát của các bên khác như Đài Loan, Việt Nam, Philippines… theo UNCLOS.
Các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian vừa qua phải được đánh giá trong một bối cảnh đặc biệt, dưới tác động đa chiều. Các hành động này không chỉ thách thức các quốc gia láng giềng của Trung Quốc mà còn trực tiếp thách thức tới vai trò của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Á. Các hành động của Trung Quốc đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang cho các nước láng giềng của Trung Quốc, đồng thời cũng dẫn đến sự xích lại gần Hoa Kỳ từ các quốc gia như Nhật Bản, Philipppines, Úc... cũng như giữa các quốc gia này với nhau. Tuy vậy, trong thời gian sắp tới, các phản ứng từ các quốc gia này cũng không ngăn cản được các tham vọng của Trung Quốc.
Không giống như vai trò của Hoa Kỳ trong khối NATO, trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo, cùng với liên minh các nước EU, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia Đông Á như là “trục và nan hoa”, trong đó cam kết bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác là hết sức quan trọng.
Thông qua chính sách dọa dẫm kết hợp với các trợ giúp về kinh tế, Trung Quốc có thể tiến hành chính sách “chia để trị” từng bước một để kéo các quốc gia yếu hơn vào trong vùng ảnh hưởng của mình, rời xa ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là tiếp tục quá trình tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường sức mạnh quân sự để có thể thay thế vai trò chi phối khu vực Đông Á của Hoa Kỳ.
Emily Meierding (Nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu môi trường quốc tế của Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển tại Geneva):
Chính sách hiện thời của Tập Cận Bình là gia tăng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách tạo ra sự đã rồi, trong khi đẩy mạnh các cam kết hợp tác khu vực để tăng cường vai trò quốc tế của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn lặp lại ý tưởng “Gác tranh chấp, cùng khai thác” các nguồn tài nguyên trên Biển Đông như là một phần của chiến lược này. Tất cả các quốc gia ven biển khu vực này đều muốn khai thác các nguồn tài nguyên biển. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc khai thác chung nguồn tài nguyên biển có thể khiến các tranh chấp dịu đi phần nào.
Tuy nhiên, khai thác chung tại vùng Biển Đông lại không đơn giản như vậy. Các dự án khai thác chung tại các khu vực khác, như dự án giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 2008 trên biển Hoa Đông, đã không giúp cho các tranh chấp giảm đi mức độ căng thẳng nào, cũng không đi đến khai thác cụ thể được lượng dầu mỏ và khí đốt nào.
Tập Cận Bình hoàn toàn nhận thức được các hạn chế này, chính vì vậy, những kế hoạch khai thác chung của phía Bắc Kinh đưa ra, nhằm mục đích tô vẽ cho hình ảnh tin cậy của Bắc Kinh trước các quốc gia láng giềng, hơn là thực sự giúp cho việc kiến tạo hoà bình cho khu vực này. Các quốc gia liên quan trong các tranh chấp này sẽ phải quyết định tham gia khi nào Trung Quốc thật sự nghiêm túc đối với các sáng kiến này.
David Rosenberg (Giáo sư chính trị học tại Trường Middlebury tại Vermon):
Chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Biển Đông là quyết đoán nhiều hơn trong việc giành quyền kiểm soát các nhóm đảo, đá nằm bên trong “đường chín đoạn” (mà giờ là tới 10 đoạn) trong việc duy trì “quyền lịch sử” trong các khu vực đánh cá, hàng hải và phát triển dầu mỏ và khí đốt, nhằm tạo ra những đường ranh giới phân định trên biển, trong khi tránh được các hành động phản ứng từ phía các quốc gia ven biển liên quan và Hoa Kỳ. Ông ta đang thực hiện bốn chiến thuật để đạt được mục tiêu này, đó là, thứ nhất, ông ta tìm kiếm tính chính đáng cho “quyền lịch sử” hàng thế kỷ cho Trung Quốc trên vùng biển này.
Công hàm tháng 5 năm 2009 của Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Đông cũng như đối với các vùng nước kế cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”. Thứ hai, Trung Quốc đang thiết lập việc thể hiện quyền lực thông qua các chính sách biển của họ, mà việc thành lập “thành phố Tam Sa” năm 2012 là một ví dụ tiêu biểu. Họ muốn thông qua việc thành lập Tam Sa, sẽ có cớ để kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Thêm nữa, họ cũng tăng cường sức mạnh để kiểm soát vùng biển này thông qua lệnh cấm đánh bắt cá, việc kiểm soát việc đánh bắt cá này bắt đầu với các tàu thuyền nước ngoài, dần dần sẽ tiến tới áp dụng cho cả khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc tăng cường trang bị quân sự cho các lực lượng chấp pháp của họ trên Biển Đông, trong đó chú trọng đến tăng cường sức mạnh cho lực lượng Kiểm ngư và Hải giám thông qua việc xây dựng các căn cứ quân sự để hỗ trợ các lực lượng này tại các cấu trúc địa lý trên Trường Sa.
Thứ tư, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một vai trò năng động hơn tại các diễn đàn khu vực. Một bộ quy tắc ứng xử cho hải quân cho “các cuộc đối đầu không cân sức” đã được hải quân của nhiều quốc gia cùng tham gia ký kết hồi tháng 4 năm 2014 tại Thanh Đảo, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật và một số quốc gia khác trong hội nghị về Hải quân khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tất cả những hành động đó đều nằm trong một chiến lược tuy cẩn trọng nhưng hết sức kiên quyết nhằm giành giật những cơ hội quan trọng.
Donald K. Emmerson (Giám đốc Diễn đàn Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein của Đại học Stanford):
Ông Tập muốn rằng, ít nhất, Trung Quốc phải là quốc gia có lợi thế nhất ở Biển Đông. Còn tối đa là ông ta muốn chi phối toàn bộ khu vực này, thậm chí, ông ấy muốn biến khu vực biển này như một cái hồ nằm trong nội địa của Trung Quốc vậy. Chiến lược của ông ta là kiến tạo các sự kiện để tạo nên một Trung Quốc có ưu thế vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông, cho dù các quốc gia khác thích hay không thích. Ông ta đang tạo ra một sự “bình thường mới”, theo đó, các quốc gia khác phải chấp nhận “sự bình thường” đã rồi này.
So sánh với việc xây dựng trên khu Bờ Tây tranh chấp với Palestine của Israel trước đây, ta thấy Trung Quốc đang tăng cường xây dựng trên các cấu trúc mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa. Các thực thể chìm được bồi đắp, các cảng và đường băng đang được xây dựng.
Lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên cũng muốn tránh chiến tranh. Bằng việc từ chối đưa ra tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò”, họ đang tạo ra những sự nghi hoặc cho bên ngoài. Nhiều nhà phân tích bên ngoài tin rằng Trung Quốc chỉ muốn kiểm soát các đảo, đá ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không muốn kiểm soát các vùng nước tại khu vực này. Đúng là trên bản đồ chính thức của Trung Quốc có vẽ đường này với hình dạng cũng như màu sắc cho vùng biên giới đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia lục địa kế cận khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố quyền đánh cá đặc biệt trên hầu hết Biển Đông, nếu và khi nào họ tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ), chúng ta sẽ hiểu rõ về mục tiêu thực sự của Tập đối với Biển Đông.
Ali Wyne (học giả cho Chương trình nghiên cứu cho thế kỷ 21):
Nếu Trung Quốc từ bỏ “đường lưỡi bò”, điều đó sẽ khiến cho các quốc gia tranh chấp khác sẽ đẩy mạnh truyền thông cho yêu sách của họ. Mặt khác, rất khó cho việc thay đổi các yêu sách hay các tuyên bố về biên giới biển của Trung Quốc, cho dù một số học giả Trung Quốc có đề cập đến vấn đề này.
Trong vụ kiện của mình, Philippines đã gửi hồ sơ cả 4.000 trang để làm bằng chứng đệ lên Tòa trọng tài trong vụ kiện chống lại “đường lưỡi bò” này. Tổng thống Indonesia cũng nhắc lại rằng, “đường lưỡi bò” này “không có cơ sở nào trong luật quốc tế”.
Trung Quốc chắc sẽ không từ bỏ nhưng cũng không muốn dư luận quốc tế tập trung quá nhiều vào “đường lưỡi bò”. Cho nên, họ sẽ chơi một trò chơi lâu dài bằng cách tạo nên những sự kiện đã rồi trên cả đất liền, biển và buộc các bên tranh chấp phải giải quyết tranh chấp theo cách của họ mà không cần sử dụng sức mạnh quân sự.
Như vậy, dù các học giả thuộc các quốc gia khác nhau đều có chung nhận định về tham vọng của Trung Quốc muốn đặt toàn bộ vùng Biển Đông dưới quyền kiểm soát của họ, để từ đó họ có thể duy trì vị trí bá quyền trên khu vực này. Tham vọng của họ được thể hiện lập lờ thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”. Và hiện nay, họ đang nỗ lực xây dựng các cấu trúc tại Trường Sa để hiện thực hóa tham vọng vày.
Sau khi họ xây dựng xong tại đây, rất có thể Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động “hung hăng” hơn như cho thành lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Sau khi Trung Quốc kiểm soát thật sự toàn bộ khu vực Biển Đông, họ sẽ tiến tới lặp lại các hành động tương tự tại các vùng biển khác để nhằm đạt được vị trí bá chủ thế giới.
Theo BDN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment