Dù Nga khẳng định hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngang với Nga, nhưng theo theo chuyên gia quân sự, tàu ngầm Trung Quốc còn kém xa phương Tây và Nga.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094 "cố thủ" tại cảng.
Mỹ mổ xẻ
Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 4 cỗ máy răn đe hạt nhân chiến lược và 53 tàu ngầm tấn công điện-diesel.
Trong một bản báo cáo Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ về sự phát triển của Hải quân Trung Quốc dự đoán, đến năm 2020, hải quân nước này sẽ có khoảng 69 đến 78 tàu ngầm.
Tuy nhiên điều đó không tỷ lệ thuận với sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Trong một nghiên cứu do Tổng công ty RAND (một tổ chức nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ) thực hiện cho biết một trong những hạn chế của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là khả năng làm chủ công nghệ động cơ.
Theo RAND, phần lớn hệ thống động lực trên các tàu ngầm phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc sản xuất theo giấy phép. Điều đó khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc nâng cấp hay phát triển các tàu ngầm mới.
Hiện nay các tàu ngầm điện-diesel lớp Song và Yuan được trang bị động cơ 396 SE84 series do tập đoàn MTU Friedrichshafen GmbH của Đức sản xuất. "Đây là những động cơ diesel dành cho tàu ngầm hàng đầu thế giới", một kỹ sư hàng hải giàu kinh nghiệm nhận xét.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể tự sản xuất loại động cơ tương tự do hạn chế về kỹ thuật. Do đó, Bắc Kinh phải phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài trong các thiết kế mới.
Hiện nay, Trung Quốc đang cố gắng kết hợp công nghệ yên tĩnh từ tàu ngầm Nga và hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập AIP Stirling của Thụy Điển, Giáo sư Andrew Erickson, thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định.
"Họ (Trung Quốc) đang cố gắng phát triển tàu ngầm có khả năng hoạt động cực êm và không phải nổi lên để sạc pin. Nhiều khả năng tàu ngầm lớp Yuan được trang bị động cơ AIP do Thụy Điển chế tạo, nhưng công nghệ luôn phát triển. Động cơ AIP là công nghệ cực kỳ phức tạp ngay cả khi bạn đã làm chủ được nó", vị giáo sư này cho biết thêm.
Không chỉ hạn chế về động cơ diesel, các lò phản ứng sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cũng kém xa so với phương Tây. Ví dụ, tàu ngầm tấn công hạt nhân mới nhất của Trung Quốc là Type-095 chỉ tương đương với tàu ngầm cùng loại của phương Tây những năm 1980.
Không mạnh như công bố
Vừa qua, kênh truyền hình CCTV, một tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Trung Quốc vừa trải qua 2 tháng thực hiện sứ mệnh hộ tống trong vùng biển bị hải tặc hoành hành tại Vịnh Aden và đã trở về căn cứ ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Dù nguồn tin không nói rõ chiếc tàu ngầm thuộc loại nào nhưng một số cảnh quay cho thấy đó dường như là một phiên bản nâng cấp của tàu ngầm Type 091 thuộc lớp Han.
Theo nhà phân tích hải quân Bỉ Frederik Van Lokeren, tàu ngầm Type 091 “không có giá trị chiến đấu và chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích đào tạo”.
Việc tàu ngầm Type 091 bị đặt lên "bàn cân" không phải là chuyện lạ, bởi trước đó tàu ngầm hạt nhân tiên tiến bậc nhất của Trung Quốc Type 094 cũng được phương Tây "mổ xẻ" và chỉ ra hàng loạt tử huyệt của lớp tàu này.
Tạp chí “Kanwa Defense Review” hồi đầu năm 2014 đã dành sự quan tâm đến tàu ngầm hạt nhân Type 094 của Trung Quốc với bài viết có nhan đề “Từ thiết kế của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 để xem xét tên lửa hạt nhân JL-2”.
Theo bài báo, khoang tên lửa dạng hình học phẳng cỡ lớn của tàu ngầm hạt nhân Type 094 có khiếm khuyết rõ ràng, lực cản sinh ra khi chạy trên biển đã gây ra tiếng ồn khi chuyển động, khả năng tàng hình khi chạy dưới/trên mặt nước cũng kém so với yêu cầu của tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới của Mỹ, Nga.
Khi hoạt động trên mặt biển, đặc điểm từ tính sẽ lớn hơn tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới của Mỹ, Nga (tàu ngầm Mỹ, Nga được dung hòa ở thân tàu), dễ dàng bị thiết bị dò từ tính của máy bay chống ngầm không quá hiện đại P-3C phát hiện được.
Kanwa kết luận: “Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 có khả năng chiến đấu rất yếu, một khi bị Mỹ cùng đồng minh tấn công, sự chống đỡ của lớp tàu gần như bằng không".
Trước những phân tích của phương Tây, trang Bình luận Quân sự Nga cho rằng, so với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc triển khai đóng tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược khá muộn, nhưng phát triển rất nhanh chóng, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt trình độ hiện tại của lực lượng hạt nhân trên biển Hải quân Nga.
Theo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment