Từ ngày 17-21/5/2015, Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ tổ chức tại Hawaii một cuộc hội thảo về chiến thuật tấn công đổ bộ. Đây là lần đầu tiên lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và quan chức quân sự 23 quốc gia tổ chức một cuộc hội thảonhư vậy. Hơn một nửa số khách mời đến từ châu Á, trong đó có Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN. Trung Quốc không được mời. Theo tài liệu chuẩn bị cho hội thảo, lý do Trung Quốc không được mời là do nước này là “đối thủ” của Mỹ.
Tàu khu trục Trung Quốc (khoanh đỏ trong ảnh) đang bám đuôi tàu chiến Mỹ hoạt động tại vùng biển Trường Sa
Mục tiêu chính của hội thảo Hawaii là đặt nền móng cho các cuộc diễn tập đổ bộ đa phương trên biển. Các hoạt động này trong thời bình là xây dựng tinh thần hiểu biết và hợp tác, trong thời chiến, có thể phát triển thành các hình thức phối hợp tác chiến đa phương giữa các nước liên quan.
Thời gian qua, Washington chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là hoạt động bồi lấn, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 bãi đá trong quần đảo Trường Sa.
Một quan chức Lầu Năm Góc ngày 12/5 còn cho biết Mỹ đang tính điều tàu chiến và máy bay tới gần các bãi đá Trung Quốc đang xây dựng, buộc Trung Quốc phải bộc lộ quan điểm về quyền tự do hàng hải. Các tàu chiến sẽ đến hoạt động trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa. Hành động này của Mỹ, nếu được hiện thực hóa, sẽ tạo ra thách thức đối với Trung Quốc.
Prashanth Parameswaran, nhà phân tích quốc tế, nhận xét trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), ngày 16/5: “Không nghi ngờ gì nữa, quan hệ Mỹ-Trung đang tiến vào một giai đoạn căng thẳng mới, với tin tức cho biết Mỹ đang cân nhắc khả năng cử các tàu chiến và phi cơ đến thách thức hành động củng cố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Tại sao Mỹ đang ngày càng bày tỏ thái độ – không chỉ bằng lời, mà bằng cả hành động – cho thấy sự bất bình của Washington trước các hành động leo thang của Trung Quốc tại Trường Sa?
Rõ ràng Mỹ đang mất kiên nhẫn trước việc Trung Quốc nỗ lực thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông thông qua việc bồi đắp đảo nhân tạo để xây dựng các tổ hợp quân sự ở Trường Sa.
Chính giới và giới nghiên cứu Mỹ vạch ra rằng chính quyền Obama thiếu một tầm nhìn rõ rệt quyết đoán đối với hành động leo thang gặm nhấm dần Biển Đông của Trung Quốc. Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đang gây sức ép lên chính quyền Mỹ để có hành động kiên quyết đối với Trung Quốc. TNS John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng nghị viện Mỹ, kêu gọi trừng phạt Trung Quốc, không mời hải quân nước này tham gia tập trận RIMPAC lần tới.
Cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng lúc này nếu chỉ la làng thôi thì không đủ. Một quốc gia nếu thiếu một tầm nhìn rõ rệt về nguy cơ và thách thức, các ứng phó thường bị động, vụn vặt và không thể nào được đối phương nể trọng.
Giới nghiên cứu chiến lược của Mỹ đang xây dựng “sự đồng thuận Washington” (Washington Consensus) về mối đe dọa Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ và về sự đáp trả cần thiết của Mỹ. Và các nhà quan sát cho rằng chưa bao giờ Washington lại tiến tới sự nhận thức chung và xác định rõ rệt như vậy về mối đe dọa từ phía Trung Quốc đối với lợi ích Mỹ. Lịch sử từng cho thấy, một khi Mỹ khi xác địn ra các đe dọa và thách thức, họ sẽ hành động quyết đoán.
Biển Đông trở thành tiêu điểm của cọ xát chiến lược Mỹ-Trung giai đoạn hiện nay. Washington xác định Mỹ có lợi ích sâu sắc tại Biển Đông. Điều đó không chỉ vì tầm quan trọng địa chiến lược của vùng biển tấp nập thứ ba thế giới này, nơi một phần ba sản lượng hàng hóa thế giới qua lại. Điều quan trọng hơn, đó là các hành động phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông gây nguy hại cho lợi ích của Mỹ duy trì một trạng thái tự do, ổn định và an toàn tại châu Á-Thái Bình Dương. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố: “Vấn đề Biển Đông không phải là đảo đá; nó là vấn đề luật lệ”. Hơn thế nữa, Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, mà “không một tiếng súng”.
Thực tế cho thấy chỉ có Mỹ mới có khả năng đối trọng lại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tất nhiên, Mỹ làm điều đó trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác ở khu vực. Mỹ đang khuyến khích hải quân Nhật Bản tham gia tuần tra chung ở Biển Đông; tăng cường viện trợ cho Philippines; tăng cường tiếp cận các cơ sở hải không quân ở khu vực; và ngày 11/5, đã cử tàu USS Fort Worth – một trong bốn tàu tác chiến ven biển tốc độ cao của hải quân Mỹ đồn trú ở Singapore – đến tuần tra ở vùng biển quốc tế thuộc quần đảo Trường Sa.
Mục tiêu của chính sách của Mỹ hướng tới là làm rõ với Trung Quốc rằng hành động đơn phương của Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng sẽ phải trả giá. Đồng thời chính quyền Mỹ phải đủ tự tin rằng các hành động phản ứng của Mỹ đáp trả sự leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông không ảnh hưởng tới việc duy trì quan hệ đối tác và hợp tác Mỹ-Trung trên nhiều phương diện. Ngược lại chúng sẽ đưa các quan hệ này vào quỹ đạo ổn định lâu dài.
Sự nhất quán, kiên quyết và kịp thời của Mỹ sẽ nâng cao ảnh hưởng và củng cố vị thế Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt tại châu Á-Thái Bình Dương./.
Người bình luận - Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment