Thủ tướng Đức và ngoại trưởng Mỹ thăm Nga chưa tạo ra sự khởi đầu mới, nhưng các bên thay đổi giọng điệu.
Thủ tướng Đức Merkel đặt vòng hoa tại Đài Chiến sĩ Vô danh cạnh Điện Kremlin, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine
Ngày 10/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Nga, đến đặt vòng hoa tại Đài Chiến sĩ Vô danh gần Điện Kremlin, nơi tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Nga, đến đặt vòng hoa tại Đài Chiến sĩ Vô danh.
Vinh danh đóng góp của Liên Xô trong chiến tranh chống phát xít
Hai chuyến thăm này diễn ra ngay sau khi Nga kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phát xít (9/5).
Cuộc chiến tranh lạnh hiện nay đã không cho phép các nhà lãnh đạo phương Tây tham gia lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít. Nhưng nếu người Đức và người Mỹ quay lưng lại hoàn toàn với sự kiện 9/5 sẽ tạo ra phản cảm chính trị, cũng đồng nghĩa quay lưng lại với những thành tựu hợp tác lịch sử giữa các nước phe Đồng minh chống phát xít, nòng cốt là Liên Xô - Mỹ - Anh.
Hai chuyến thăm này vì vậy là kiểu dàn xếp ngoại giao khôn khéo, thỏa hiệp nửa chừng.
Đối với nước Đức, chuyến thăm của bà Merkel là động thái nhân nhượng vì “gánh nặng lịch sử của nước Đức”. Thủ tướng Đức nói: “Tôi nhớ rằng những người lính Nga, Ukraine, Belarus và các nước khác trong Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Berlin, và cùng với những đồng minh phương Tây giải phóng nước Đức khỏi ách phát xít”. Bà liên hệ lịch sử với hiện tại: “Chúng ta đã học được từ những kinh nghiệm cay đắng của mình rằng chúng ta cần phải hợp tác trong những tình huống gian nan, giống như tình hình hiện nay, và tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình”.
Thúc đẩy giải pháp Ukraine và việc cấm vận
Thủ tướng Đức và Ngoại trưởng Mỹ cũng nhân dịp này thúc đẩy việc giải quyết vấn đề Ukraine và hợp tác giữa các nước phương Tây với Nga giải quyết một số vấn đề quốc tế “nóng” hiện nay.
Chính quyền Merkel trong năm qua đã đóng vai trò nổi bật, đứng mũi chịu sào về phía phương Tây trong vấn đề Ukraine. Năm 2014, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga gặp nhau 4 lần và có 34 cuộc điện đàm; từ đầu năm 2015 họ gặp nhau 2 lần và có 16 cuộc điện đàm liên quan đến Ukraine. Nhưng đây là lần đầu tiên Thủ tướng Đức đến Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đầu năm 2014.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh Matxcơva và Berlin cần tìm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề quan hệ song phương càng sớm càng tốt. Tổng thống Nga thừa nhận “quan hệ Đức - Nga đang trải qua giai đoạn tồi tệ vì các đánh giá khác biệt về những sự kiện ở Ukraine. Lần đầu tiên trong 5 năm, thương mại song phương năm 2014 tụt xuống dưới 6,5%”.
Nội dung thảo luận giữa ông Kerry và giới lãnh đạo Nga xoay quanh tình hình Ukraine, chương trình hạt nhân Iran, cuộc xung đột tại Syria, Yemen, cùng một loạt vấn đề song phương và khu vực khác. Ngoại trưởng Mỹ đề nghị phía Nga gây áp lực đối với phe ly khai Ukraine, xúc tiến hiện thực hóa thỏa thuận ngừng bắn Minsk-2.
Chuyến đi tới Sochi của Ngoại trưởng Mỹ để gặp Tổng thống Nga cũng là chuyến thăm Nga cấp cao nhất của các quan chức Mỹ kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở Ukraine. Ông Kerry cho biết: “Trực tiếp trao đổi với những nhân vật nắm quyền hoạch định chính sách trong tay là điều hết sức quan trọng và không có gì có thể thay thế được, nhất là trong bối cảnh liên tục có những diễn biến khó lường như hiện nay”. Mỹ vận động Nga duy trì sự thống nhất trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran sắp bước vào thỏa thuận cuối cùng tháng 6 tới.
Hai chuyến thăm này, diễn ra một tháng trước khi thời hạn cấm vận một năm của phương Tây đối với Nga kết thúc, còn nhằm tìm hiểu lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine, qua đó sẽ xác định lập trường phương Tây tiếp tục hay ngừng cấm vận. Ngoại trưởng Kerry khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga có thể sẽ được rút lại “nếu và khi” mọi điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine được triển khai và tuân thủ nghiêm ngặt. Ông cũng cảnh báo tất cả các bên, kể cả chính quyền Kiev, rằng bất kỳ hành động nào có liên quan đến vũ lực đều gây ra những “thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng”.
Phía Mỹ và Đức tuy cử chỉ hòa giải nhưng giọng điệu vẫn cứng rắn. Phía Nga ít nhiều thể hiện sự lạc quan khi Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Putin, nhận xét trước báo giới rằng các cuộc gặp tại Sochi mang đến nhiều tín hiệu tích cực, mở ra khả năng hai cường quốc “bình thường hóa quan hệ”.
Đồng thời Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với Washington trên “cơ sở bình đẳng, không áp đặt và gây sức ép”./.
Người bình luận - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment