Chưa bao giờ các nước láng giềng của Trung Quốc lại lo ngại và cảnh giác cao độ như bây giờ, trước cái gọi là đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ngày càng quá quắt của Bắc Kinh tại Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng, cải tạo, bồi đắp 7 hòn đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các văn kiện ngoại giao và các tuyên bố, tham luận, phân tích của các chính trị gia, quan chức ngoại giao và giới học giả cũng thường xuyên nhắc đến mối lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột ở điểm nóng này.
Quy mô bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông?Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) - một cơ quan tham vấn chính sách đối ngoại cho Chính phủ Mỹ - đã lập một website theo dõi tiến độ các hoạt động xây dựng (trái phép) này. Theo đó, trên bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây lên một đảo nhân tạo dài gần 3km. Trên đảo nhân tạo này, Bắc Kinh đã xây một đường băng. Lưu ý là Trung Quốc vốn không có đường băng ở vùng quần đảo này, trong khi tại đây một số đối thủ tranh chấp của Trung Quốc lại có cơ sở hạ tầng này.
Tàu Trung Quốc (phía sau) đang bám theo tàu USS Fort Worth của Mỹ trên Biển Đông hôm 11-5-2015
Trên bãi đá Vành Khăn (Mischief), Bắc Kinh đã xây đảo nhân tạo bằng cách đổ cát lên bãi đá, sau đó gia cố bằng các kết cấu kiên cố. Tại đây, các căn cứ hải quân đang trong quá trình xây dựng. Những căn cứ này sau đó có thể sẽ được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng như những tiền đồn để triển khai lực lượng trong giả thuyết có đối đầu quân sự. Các bức ảnh chụp cho thấy Trung Quốc đã xây một đảo nhân tạo gồm hai bờ kè, một cho nhà máy xi măng và một làm bãi đáp trực thăng trên một mỏm đá thuộc bãi đá Tư Nghĩa (Hughes).Các công trình xây dựng tương tự trên những đảo nhỏ khác trong quần đảo Trường Sa, như bãi đá Gaven và Châu Viên (Cuarteron).Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong năm qua, Trung Quốc đã cải tạo mở rộng diện tích của những bãi đá này từ 202ha lên thành 810ha. Trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc gần đây đã đưa hình vẽ cái gọi là “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” do hình dạng của nó) vạch ranh giới trên biển của quốc gia này, chiếm tới gần 90% diện tích Biển Đông. Diện tích khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tương đương với diện tích của Địa Trung Hải.Căng thẳng gia tăngBiển Đông được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng về dầu khí và cũng là nơi có các tuyến hàng hải quan trọng chiến lược của khu vực và thế giới. Yêu sách ngày càng ngang ngược của Trung Quốc đang biến nơi đây thành lãnh hải của Bắc Kinh cản trở tự do lưu thông hàng hải.Từ năm 2014, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đã làm dấy lên nhiều hoạt động chống Trung Quốc tại Việt Nam.Philippines đã tố cáo Bắc Kinh “kiểm soát trên thực tế” Biển Đông. Tướng Gregorio Catapang, chỉ huy quân đội Philippines vừa qua đã cho chở bằng máy bay một nhóm phóng viên nước ngoài đến những hòn đảo mà Manila chiếm giữ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tại đây, tướng Catapang đã trực tiếp thanh sát các công trình xây dựng của Philippines. Sự việc này khiến cho Bắc Kinh “nổi đóa”, tố cáo Philippines đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh lên án “hành động chiếm giữ bất hợp pháp lãnh thổ Trung Quốc trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa - NV)”, đồng thời yêu cầu Manila lập tức phải cho di tản dân chúng và tháo gỡ các cơ sở hạ tầng trong khu vực.Liệu Washington có thể buộc Bắc Kinh lùi bước?Thời gian gần đây, giọng điệu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trở nên căng thẳng hơn. Hôm 13-5-2015, quân đội Mỹ khẳng định là đang tính tới “các giải pháp”, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, qua đó, làm cho phía Trung Quốc hiểu là Washington không chấp nhận để Bắc Kinh gây “sự đã rồi” tại Biển Đông.Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề xuất điều máy bay tuần tra và tàu quân sự của Washington tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo, nhằm thể hiện rõ là Washington không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.Trong một bản báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rằng, Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng xây dựng trên các đảo nhân tạo này nhằm tăng cường các hoạt động tuần tra của hải quân ở trong vùng. Bắc Kinh được cho là sẽ sử dụng đường băng quân sự nhằm tiến tới áp đặt vùng nhận diện phòng không. Trong khi đó, Mỹ coi khu vực này là vùng biển quốc tế và nêu cao quyền tự do hàng hải, hàng không ở đây.Phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Trợ lý phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear đã khẳng định: Trung Quốc không có chủ quyền tại những đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng, nhưng “khó thấy được Trung Quốc hành xử ra sao để phù hợp với luật pháp quốc tế”.Về phần mình, Bắc Kinh quy kết Manila và Washington “phóng đại mối đe dọa Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “tự do lưu thông không có nghĩa là tàu chiến hoặc máy bay quân sự của một nước có thể tự ý xâm nhập lãnh hải và không phận của nước khác”. Năm 2013, Mỹ đã từng đáp trả việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông bằng cách cho máy bay B52 bay vào khu vực này.Nguy cơ xung đột quân sựMỹ hiện đang gia tăng các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù các bên đều tuyên bố là mục đích tập trận không nhằm vào bên thứ 3, nói trắng ra là Trung Quốc, nhưng giới quan sát đều hiểu đó là phản ứng của Washington trước sự hiện diện gia tăng của các tàu chiến Trung Quốc tại khu vực tranh chấp.Các chuyên gia an ninh còn cảnh báo các tính toán mạo hiểm của Washington nếu đi xa hơn, sẽ dẫn đến mối nguy hiểm xảy ra một cuộc xung đột quân sự có giới hạn, nhưng đối đầu trực tiếp. Nếu như các sáng kiến của Mỹ không thành công trong việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc thì Washington sẽ phải đối mặt với một loạt giải pháp tồi tệ: Hoặc là phải lùi bước và “muối mặt” với các đồng minh trong khu vực hoặc là chấp nhận leo thang với nguy cơ lao vào xung đột công khai với Bắc Kinh.Ông Kim Xán Vinh, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cảnh báo: Nếu Mỹ đưa các tiêm kích và chiến hạm đến vùng 12 hải lý, điều này “sẽ buộc quân đội Trung Quốc tính tới hành động quân sự để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông”. Cuộc tranh đua giữa Washington và Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực sớm muộn gì cũng dẫn đến đối đầu.Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 4 vừa qua cũng thẳng thắn đưa ra cảnh báo: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của một số lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
Linh Phương-Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment