'Át chủ bài' đi săn trên Biển Đông (kỳ II)
Wednesday, June 12, 2013
Để tiêu diệt đối phương, Không quân Hải quân (KQHQ) có thể độc lập hoặc phối hợp với lực lượng tác chiến khác như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các đơn vị tàu tên lửa tiến hành các đợt tấn công ồ ạt...
'Đi săn' trên biển
Trong giai đoạn sau đại chiến thế giới lần thứ II, lực lượng không quân của Mỹ với hàng chục tàu sân bay các loại và hàng nghìn máy bay đã tham gia hầu hết các chiến trường trên toàn cầu. KQHQ đóng vai trò quan trọng trên chiến trường cả trên mặt biển và trên đất liền, trong chiến tranh Việt nam. KQHQ Mỹ đã tham gia hầu hết mọi hoạt động, từ trinh sát mục tiêu đến các cuộc không kích thường trực trên chiến trường theo yêu cầu nhiệm vụ, không quân hải quân Mỹ cũng tiến hành những hoạt động không kích ồ ạt vào các mục tiêu ven bờ và trên bộ, tham gia nhiệm vụ phong tỏa, tấn công các tàu thuyền trên biển và vào sâu trong đất liền.
Giai đoạn sau này, khi triển khai liên tiếp các chiến dịch ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, KQHQ Mỹ luôn là lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu cao nhất, và cũng luôn sẵn sàng phối hợp thực hiện nhiệm vụ cùng với hải quân và phối hợp với lục quân tiến hành những đợt không kích ồ ạt vào các mục tiêu quan trọng của chiến trường.
Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, để tiêu diệt được mục tiêu trên biển, trên hải đảo hoặc ven bờ, KQHQ có thể phải nhận nhiệm vụ độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng tác chiến khác như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các đơn vị tàu tên lửa tiến hành các đợt tấn công ồ ạt vào một mục tiêu hoặc một cụm mục tiêu theo yêu cầu nhiệm vụ.
Các chuyến xuất kích đơn lẻ theo phương án “chuyến đi săn tự do” hoặc “vùng không kích không hạn chế” hoặc “theo yêu cầu lục quân” thông thường không mang lại hiệu quả cao. Những chiến thuật này người Mỹ đã từng thử nghiệm ở Việt Nam, nhưng lưới lửa phòng không dày đặc ở khu vực mục tiêu và những trận địa phục kích của MiG 17 – 21 đã hạ nhiều tốp máy bay (từ 2 – 8 chiếc – phương án đi săn tự do) vì không có lực lượng trinh sát, yểm hộ và chi viện hỏa lực.
Hầu hết các cụm hải quân công kích chủ lực của các cường quốc đại dương hiện nay đều có lực lượng phòng không rất mạnh mà điển hình là hệ thống Aegis với các tên lửa chống tên lửa Standart SM-2,3 hoặc các tên lửa phòng không các tầm, đồng thời với hệ thống súng phòng không tự động tốc độ cao. Do đó, để tấn công một chiến hạm hay một cụm chiến hạm bằng một hoặc hai tên lửa như Kh-35, Moskit hoặc tên lửa Kh-59 cũng thực sự gặp nhiều khó khăn. Với một hệ thống phòng không dày đặc và hệ thống đánh chặn tầm xa, hầu như các cụm máy bay “đi săn” có thể sẽ 'bị săn' trước khi vào vùng phóng tên lửa hiệu quả. Các tên lửa chống tàu được phòng ở tầm xa sẽ dễ dàng bị phát hiện, theo dõi và tiêu diệt.
Tiêm kích đánh chặn Su-27 Việt Nam xuất kích làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.
Máy bay cường kích Su-22 của Việt Nam trực chiến.
Do đó, để tấn công một cụm tàu hoặc một hạm tàu khu trục, tuần dương hoặc hơn nữa là tàu sân bay, lực lượng KQHQ phải triển khai một cuộc tấn công ồ ạt với tất cả các loại phương tiện bay phù hợp (Su - 22M, Su - 24, Su- 27, Su-30….) với nhiều mũi tấn công nhiều hướng (nghi binh, chính diện, ngang sườn, lực lượng tiêm kích đánh chặn và lực lượng tác chiến điện tử) và nhiều loại vũ khí (tên lửa siêu âm, tên lửa cận âm, bom có điều khiển, ngư lôi…).
Đồng thời phải kết hợp với những phương tiện tấn công khác trên biển, dưới biển và ven biển (các tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển) với nhiều độ cao đạn đạo, nhiều tốc độ đầu đạn, tạo thành một đòn tấn công đa tầng, đa phương tiện nhằm gây khó khăn cho lực lượng phòng không của đối phương, làm rối loạn hệ thống phòng không đối phương để tạo cơ hội cho ít nhất một đầu đạn đánh trúng mục tiêu. Với đương lượng nổ thông thường trên các đầu đạn chống tàu hiện nay, hoàn toàn có thể gây tổn thất nặng nề cho các hạm tàu mọi chủng loại.
Máy bay Su–30MK2 mang tên lửa diệt hạm Kh–59.
Giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, do sự phát triển vượt bậc của hệ thống phòng không trên biển, cũng như sự phát triển các phương tiện bay của KQHQ, nghệ thuật tác chiến đường không trên biển đã có những thay đổi cơ bản. Đặc điểm đầu tiên, đó là khả năng tác chiến tầm xa trên khoảng cách hàng trăm km đến mục tiêu tấn công, hầu hết các lực lượng phòng không chiến hạm trên biển đều có khả năng phòng ngự lên đến hàng trăm km. Các cụm hải quân công kích chủ lực có tầm phòng không rất xa, đến 800 km.
Điều đó buộc các phi công hải quân khi tiến hành các đòn tấn công mục tiêu phải có được kỹ thuật bay thấp gần mặt nước biển, đồng thời có kỹ thuật bay tránh tên lửa tầm xa và tầm trung tốt để xâm nhập vùng phóng tên lửa diệt hạm. Do số lượng vũ khí mang trên cánh lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, số lượng máy bay tham gia tác chiến giảm xuống, nếu như trước đây, để tấn công một cụm hải quân công kích chủ lực cần từ 40 đến 50 máy bay chiến đấu các chủng loại, thì giai đoạn gần đây, số lượng tham chiến có thể giảm xuống còn 1/3 (khoảng từ 12 đến 18 máy bay) các loại, kết hợp với các đòn tấn công của các phương tiện tác chiến khác như chiến hạm nổi, tàu ngầm.
Đặc điểm thứ hai: Các máy bay thực hiện nhiệm vụ đa nhiệm, các máy bay chiến đấu có thể phải thực hiện trong một trận đánh nhiều vai trò khác nhau như: Cường kích chống tàu, tiêm kích đánh chặn, tác chiến điện tử, chống ngầm…Chẳng hạn một máy bay tuần biển trong điều kiện chiến đấu có thể phải đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát điện tử, tác chiến chống ngầm (mang tên lửa hoặc ngư lôi chống ngầm) hoặc ngược lại. Một máy bay chống ngầm có thể phải thực hiện nhiệm vụ tuần biển, theo dõi tàu ngầm, chiến hạm nổi và làm nhiệm vụ tác chiến điện tử. Một máy bay Su 30MK có thể thực hiện nhiệm vụ sử dụng tên lửa chống hạm, sau đó phải tham gia giải quyết nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn lực lượng không quân đối phương…
Tiêm kích đa nhiệm Su-30 đóng vai trò quan trọng trong tác chiến không - hải. Ảnh: "Hổ mang chúa' Su-30MK2 Việt Nam bay tuần phòng ở khu vực Trường Sa.
Đặc điểm thứ ba: Tác chiến trong không gian hiệp đồng quân binh chủng dạng mạng Net tốc độ cao. Đó là đặc điểm quan trọng nhất của tác chiến không hải hiện đại ngày nay. Trong không gian tác chiến không - hải phải có sự chỉ huy thống nhất của một sở chỉ huy duy nhất (tùy theo yêu cầu nhiệm vụ) có thể trên biển hoặc trên không) các mục tiêu được quản lý từ một hệ thống điều hành tác chiến duy nhất, các đòn tấn công – từ máy bay, chiến hạm nổi, tàu ngầm, tên lửa bờ biển – sẽ được quyết định (phóng tên lửa, ngư lôi từ các phương tiện mang ) cùng một lúc, trong đó các phương tiện chiến đấu , trong đó có các máy bay của KQHQ vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ khác (tác chiến điện tử, thực hiện kỹ thuật tránh radar, tên lửa phòng không, và tham gia không chiến với các máy bay tiêm kích đối phương.
Trong tương lai không xa, do sự phát triển vượt trội của khoa học ứng dụng – robot. Các phương tiện tác chiến có người lái sẽ phải tham chiến hiệp đồng hoặc chống lại các phương tiện bay UAV tiêm kích, cường kích tên lửa hoặc đơn thuần chỉ là phương tiện trinh sát đường không mang trí tuệ nhân tạo.
Từ những kinh nghiệm tác chiến không hải trong cuộc chiến Anh – Argentina cho thấy: Tác chiến không hải trong chiến tranh hiện đại hoàn toàn không thể thiếu được lực lượng không quân, đặc biệt là lực lượng không quân tiêm kích biển. Vấn đề quản lý bầu trời, thống trị không gian biển phải được đảm nhiệm không chỉ lực lượng KQHQ mà còn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng không quân nói chung. Trong đó, KQHQ đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ hạm tàu và tấn công các mục tiêu trên không, trên biển, sự phối hợp hoàn hảo giữa KQHQ và KQ nói chung còn nhiều vấn đề thực tế phải giải quyết.
Trong đó, khả năng bay biển và tác chiến không đối không với lực lượng tiêm kích đối phương vẫn là nội dung cần phải được nghiên cứu, huấn luyện thường xuyên và thực hành diễn tập nhằm đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại trong môi trường dày đặc các phương tiện tác chiến điện tử và phòng không. Một vùng biển không thể chỉ được bảo vệ bằng những hạm tàu, lãnh hải của quốc gia phải được bảo vệ chắc chắn bằng những cánh bay trên sóng.
Bất ngờ ra đòn diệt các mục tiêu trọng yếu
Dù thời gian đã qua rất lâu tính từ chiến tranh thế giới thứ II, các quan điểm, tư duy cũng như các chiến thuật tác chiến không hải của KQHQ đã có nhiều thay đổi, có thể kể đến từ việc bay vào không phận dày đặc phương tiện phòng không đến việc tấn công bằng tên lửa hành trình ngoài vùng tác chiến của lực lượng phòng không đối phương, đó thật sự là một khoảng cách rất lớn. Dù vậy, những kinh nghiệm tác chiến không - hải vẫn còn nguyên giá trị, đó là kinh nghiệm lựa chọn các mục tiêu ưu tiên.
Trong tác chiến trên biển, với lực lượng vượt trội của cụm không quân hải quân công kích chủ lực CVBG. Việc đánh tan một cụm tàu tấn công như vậy thông thường sẽ phải tập trung binh lực vô cùng lớn cũng như một trận hải chiến lớn sẽ đòi hỏi những tổn thất rất nhiều về mặt binh lực. Do đó, các đòn tấn công của hải quân nói chung và KQHQ nói riêng sẽ phải nhằm vào những mục tiêu quan trọng, có khả năng phòng ngự trước những đòn tấn công từ trên không, trên biển và dưới biển yếu hơn hoặc nếu bị tổn thất, sẽ phá hủy hoàn toàn kế hoạch tác chiến.
Các mục tiêu này có thể là bất cứ đối tượng nào, có thể là quân cảng, nơi các cụm hai quân CVBG neo đậu, cũng có thể là tàu ngầm nguyên tử khi đã bị phát hiện, các tàu đổ bộ đường biển, cũng có thể là các chiến hạm hậu cần kỹ thuật hoặc các tàu tuần dương, khu trục hạm có khả năng phòng không hoặc chống ngầm yếu hơn.v.v..
Tàu ngầm là thành phần không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ biển hiệp đồng tác chiến nhiều lực lượng khác nhau.
Thông thường, các mục tiêu trọng yếu không có nghĩa là các mục tiêu không được bảo vệ hoặc bảo vệ cấp độ thấp, mà được bảo vệ và phòng không ở mức cao nhất. Do tính quan trọng của mục tiêu, các chiến hạm khác như tuần dương tên lửa, khu trục hạm phòng không, tàu hộ vệ tên lửa sẽ đặt nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình hành quân và chiến đấu là bảo vệ các chiến hạm này chống lại những đòn tấn công ồ ạt của đối phương hoặc các đòn tấn công bí mật, bất ngờ.
Các cường quốc quân sự hải dương có thể hy vọng vào những tàu ngầm nguyên tử có khả năng bí mật bám sát mục tiêu, tấn công tiêu diệt bằng vũ khí hiện đại từ khoảng cách rất xa. Cũng có thể dựa vào các máy bay tàng hình như F-35, có khả năng bí mật đột phá tuyến phòng không trên biển của đối phương và tấn công mục tiêu quan trọng. Nhưng với những lực lượng hải quân yếu hơn về vũ khí trang bị và công nghệ chiến tranh, các mục tiêu ưu tiên phải được giải quyết bằng chiến thuật.
Kinh nghiệm nổi bật nhất của kỹ thuật tấn công mục tiêu ưu tiên phải là trận Trân Châu cảng, với đòn tấn công bí mật, bất ngờ và ồ ạt, đã tiêu diệt gần 1/3 hạm đội Thái Binh Dương của quân đội Mỹ. Phương án tấn công bằng KQHQ với bí mật tối đa trong hành động là chìa khóa dành thắng lợi trong một trận hải chiến cận bờ. Đây cũng là bài học đắt giá cho các cường quốc hải quân trên thế giới khi tiến hành các chiến dịch trên biển lớn. Ngoài ra, những chiến dịch khác trong giai đoạn nửa cuối của thế kỷ 20 cũng cho thấy, KQHQ có thể tiến hành những đòn tấn công gây tổn thất nặng nề cho những hạm đội hùng mạnh của các siêu cường.
Để thực hiện được những đòn tấn công như vậy, trong giai đoạn hiện nay, hải quân phải hy vọng vào KQHQ và lực lượng tàu ngầm với một chiến dịch tác chiến điện tử và nghi binh với cấp độ cao nhất của trình độ kỹ chiến thuật hải chiến. Theo phân tích của các chuyên gia quân sự phương Tây, đòn tấn công của lực lượng yếu hơn sẽ phải nhằm vào các mục tiêu như: Các chiến hạm đang neo đậu trong căn cứ hoặc khu neo đậu tạm thời, tàu đổ bộ, tàu hậu cần kỹ thuật trong đội hình hành quân của lực lượng hải quân chủ lực đối phương. Các khu trục hạm hoặc các tuần dương hạm thế hệ cũ, hệ thống phòng không dựa chủ yếu vào các chiến hạm trong đội hình, tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm đang hải hành trong đội hình tiền tiêu đã bị phát hiện và theo dõi. Đây là những mục tiêu có điểm yếu và đòn tấn công thành công có thể sẽ phá hủy toàn bộ kế hoách tác chiến tiếp theo của đối phương do tổn thất có ý nghĩa rất lớn.
Cũng theo các chuyên gia phương Tây, trong việc tiêu diệt một mục tiêu ưu tiên, phải tính đến khía cạnh đối phương cảnh giác cao độ nhất, chìa khóa mở cánh cửa cho hiệp đồng binh chủng tàu ngầm – máy bay tấn công mục tiêu là một kế hoạch nghi binh hoàn hảo với sự tham gia của tất cả các phương tiện chiến đấu trên biển mà lực lượng quan trọng nhất là không quân tác chiến điện tử, các phân đội bay nghi binh chiến thuật và tên lửa hành trình tầm xa như Club – K, Moskit, Yakhont v.v… những đòn tấn công ồ ạt bằng lực lượng này sẽ tạo áp lực nặng nề cho hệ thống phòng không đối phương và tạo kẽ hở.
'Lá chắn thép' Bastion-P với các tên lửa Yakhont cực kỳ hiện đại, có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 300 km.
Các tàu ngầm phối kết hợp với các máy bay cường kích mang tên lửa diệt hạm siêu âm, có thể sẽ là Moskit hoặc Yakhont, triển khai trận địa phục kích hoặc bí mật cơ động độ cao thấp đến tầm bắn có hiệu quá, với tên lửa Moskit hoặc Yakhont, tầm bắn của KQHQ sẽ là khoảng 120 km, đây là tầm bắn mà tên lửa bay thấp nhất, do đó đối phương có thể không phát hiện ra bằng radar phòng không.
Cũng có thể ngay cả trường hợp này kQHQ cũng là lực lượng nghi binh, dành cơ hội cho tàu ngầm tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa Club-S hoặc tên lửa chống ngầm, ngư lôi chống ngầm trong trường hợp phục kích tàu ngầm nguyên tử đối phương trên đáy biển địa bàn phòng ngự.
Su-30MK2 Việt Nam bay bảo vệ Trường Sa
Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, của những nền kinh tế biển và các cường quốc biển, những vấn đề tranh chấp lãnh hải, chủ quyền vùng nước, đảo, quần đảo hoàn toàn có thể là nguyên nhân cho xung đột vũ tranh, chiến tranh khu vực hoặc đơn thuần chỉ là những va chạm của các hạm tàu dẫn đến bùng nổ nguy cơ chiến tranh hạn chế.
Để bảo vệ vùng nước, vùng trời và những lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. Một trách nhiệm vô cùng nặng nề và cũng rất vẻ vang sẽ được đặt lên những cánh hải âu trên mặt sóng. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trên biển được thể hiện bằng những hạm đội và những phi đoàn không quân hải quân. Chúng ta mong chờ và tin tưởng ở sức mạnh Việt Nam.
Trịnh Thái Bằng - TPO
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment