Giải mã tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc (3)
Friday, June 7, 2013
Kịch bản đe dọa chiến tranh của Trung Quốc tại biển Đông bắt nguồn từ việc Trung Quốc xem sự hợp tác giữa Mỹ và hải quân các nước tại Đông Nam Á là xu hướng đe dọa chiến lược của họ.
Mối đe dọa chiến lược của Bắc Kinh
Đó là xu hướng mà Bắc Kinh cho rằng bắt nguồn từ phát biểu kiên quyết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về lợi ích của Mỹ tại biển Đông nhân một hội nghị ASEAN vào tháng 7.2010.
Sự hiện hữu của Hiệp ước phòng thủ chiến lược giữa Washington và Manila được xem là sẽ cho phép Mỹ có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, và Bắc Kinh lo ngại điều này sẽ giúp Mỹ thiết lập một căn cứ hậu cần cho các hoạt động của nước này tại khu vực.
Theo các tác giả của báo cáo China’s Forbearance Has Limits, hệ thống tín hiệu của Bắc Kinh được thiết kế nhằm thể hiện rằng Bắc Kinh xem chiến lược này là vấn đề nghiêm trọng đối với họ.
Mặc dù khẳng định không theo đuổi việc xây dựng một liên minh khu vực chống Trung Quốc, tuy nhiên, như một phần của chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á, Mỹ đã tìm cách trấn an các đồng minh rằng Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại khu vực. Một phần chiến lược này là nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại biển Đông.
Với sự tổng kết về những động thái của Trung Quốc trong quá khứ, các tác giả của báo cáo China’s Forbearance Has Limits đã vẽ ra một viễn cảnh leo thang đe dọa của Trung Quốc khi Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của Mỹ tại biển Đông.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ - Ảnh: AFP
Kịch bản đe dọa của Trung Quốc tại biển Đông
Theo các tác giả, những tín hiệu cảnh báo của Bắc Kinh sẽ bắt đầu ở cấp thẩm quyền thấp, với phát biểu của một chính ủy hạm đội Nam Hải ở căn cứ hải quân Du Lâm tại Hải Nam. Phát biểu của ông này bao gồm việc phân tích những diễn biến tại biển Đông, nhấn mạnh về sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Mỹ và lực lượng hải quân các nước trong khu vực.
Ông này sẽ điểm lại những cuộc thăm viếng của tàu hải quân Mỹ đến các nước trong khu vực. Song song đó, một bài báo của tờ PLA Daily về chủ đề này sẽ nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc với sự hợp tác và ổn định ở biển Đông dù họ phải bảo vệ quyền lợi trên biển.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là đánh tín hiệu đến Mỹ rằng lợi ích trên biển của Trung Quốc, cụ thể ở biển Đông, là vấn đề quan trọng cần thảo luận giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tư lệnh hải quân Trung Quốc sẽ nhắc lại quan điểm tương tự, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc cùng các nước trong khu vực.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là đánh tín hiệu đến Mỹ rằng lợi ích trên biển của Trung Quốc, cụ thể ở biển Đông, là vấn đề quan trọng cần thảo luận giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Nếu không nhận được phản hồi từ Mỹ trong một tuần, Trung Quốc sẽ thực hiện bước tiếp theo bằng cách đưa cả Bộ Ngoại giao vào cuộc. Tại một cuộc họp báo hằng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao sẽ phát biểu về tầm quan trọng của lợi ích trên biển với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và khai tác tài nguyên biển. Chủ quyền và tài nguyên là vấn đề then chốt trong các bình luận đó, không phải là an ninh hoặc quốc phòng.
Tờ PLA Daily sẽ đăng tải một bài bình luận ký tên nói về một cuộc tập trận thường kỳ của hải quân Trung Quốc ở biển Đông và tầm quan trọng của một lực lượng hải quân hùng mạnh nhằm bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc. Bài báo cũng nói sơ về nhu cầu hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải.
Nếu không nhận được phản hồi tích cực từ Mỹ, Bắc Kinh sẽ thực hiện bước kế tiếp, theo kịch bản. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao và một bình luận viên của tờ Nhân dân Nhật báo sẽ tập trung vào lợi ích trên biển của Trung Quốc và nhu cầu tránh căng thẳng quân sự thông qua ngoại giao và đàm phán nhằm bảo đảm quyền lợi của mỗi bên được thấu hiểu. Để chấp dứt điều này, khi căng thẳng quân sự nảy sinh, các bên cần đồng ý đàm phán cấp cao nhằm hạ nhiệt nếu không loại bỏ được căng thẳng.
Nếu không nhận được phản hồi rõ rệt của Mỹ trước gợi ý về một cuộc họp cấp cao để Bắc Kinh có thể bày tỏ lo ngại trực tiếp, hệ thống tín hiệu của Trung Quốc sẽ leo thang với những ngôn từ trực tiếp hơn. Một thứ trưởng Ngoại giao sẽ bày tỏ ý định bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển trước bất kỳ mối đe dọa nào. Tuyên bố này sẽ song hành cùng một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo phân tích chiến lược của Mỹ tại biển Đông.
Bài báo nhấn mạnh điều mà họ xem là nỗ lực của Mỹ sẽ chống lại những lợi ích và chủ quyền trên biển của Trung Quốc bằng cách cung cấp viện trợ, kể cả viện trợ quân sự, cho các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Chiến lược này sẽ được Bắc Kinh xem là làm hủy hoại sự yên bình ở biển Đông và tạo ra căng thẳng quân sự không cần thiết trong khu vực. Hơn nữa, Mỹ sẽ được gọi là thế lực bên ngoài muốn gây căng thẳng khu vực nhằm phục vụ cho các mục tiêu bá quyền. Trừ phi Mỹ đồng ý tham dự cuộc họp cấp cao với Trung Quốc nhằm giải quyết bất đồng, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả với chiến lược này, theo phía Trung Quốc.
Việc không sắp xếp một cuộc họp sẽ khiến Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tăng cường triển khai quân sự tại khu vực và biển Đông để chống lại chiến lược quân sự của Mỹ.
Ngay khi Mỹ đang lưỡng lự về một cuộc họp cấp thứ trưởng, Trung Quốc sẽ tiến hành bước leo thang tiếp theo, theo kịch bản. Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp báo nơi quan chức này tuyên bố sự kiềm chế của Trung Quốc trước hành động khiêu khích của Mỹ ở biển Đông không nên được xem là biểu hiện của sự yếu ớt. Sự nhẫn nại của Trung Quốc nên được xem là sự chứng minh cho cam kết xây dựng và duy trì môi trường an ninh hòa bình tại khu vực. Tuy nhiên, sự nhẫn nại và kiềm chế của Trung Quốc có giới hạn trước chính sách chính trị dựa trên sức mạnh của Mỹ nhằm duy trì vị thế bá chủ. Trung Quốc đã thúc giục Mỹ đồng ý tổ chức cuộc họp cấp cao nơi quyền lợi và chính sách của mỗi nước sẽ được bàn bạc và bất đồng được giải quyết.
Việc không sắp xếp một cuộc họp sẽ khiến Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tăng cường triển khai quân sự tại khu vực và biển Đông để chống lại chiến lược quân sự của Mỹ. Đây không phải là lựa chọn mong muốn của Trung Quốc song là phản ứng trước sự bắt nạt và chính sách chính trị dựa trên sức mạnh của Mỹ.
Không lâu sau tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc, sĩ quan cao cấp nhất của Trung Quốc, một phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và là ủy viên Bộ Chính trị, sẽ đưa ra tuyên bố. Người này sẽ tuyên bố quân đội Trung Quốc tận tâm và chuẩn bị bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước mọi thế lực thù địch.
Sơn Duần - TNO
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment