Một quan chức cấp cao Mỹ bày tỏ mong muốn Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành sớm một cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sau nhiều lần gây căng thẳng.
Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy thực hiện DOC
Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, ông Joe Yun cho rằng, Trung Quốc và 10 nước thành viên Đông Nam Á (ASEAN) dường như đã đạt được một bước tiến rõ ràng thông qua cuộc họp chuyên cấp diễn ra hồi tuần trước tại Bangkok, Thái Lan.
Tàu chiến Mỹ tới Biển Đông.
“Tôi cho rằng một ngày nào đó, cũng có thể là trong năm nay, họ sẽ tuyên bố một cuộc đàm phán chính thức về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”, dẫn lời ông Joe Yun phát biểu trước Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế.
Ông Joe Yun nói thêm rằng: “Nếu điều đó diễn ra, chúng ta sẽ rất hoan nghênh bởi chúng ta hiểu rằng Bộ Quy tắc ứng xử COC là chìa khóa giải quyết vấn đề nhằm mang lại hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên biển thời gian qua”.
Theo Tân Hoa Xã ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi trong cuộc họp báo cùng ngày đã cho biết, Trung Quốc và 10 thành viên của ASEAN đã gặp mặt và thảo luận vấn đề Biển Đông. Đây là cuộc họp chung lần thứ tám của các bên trong việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Bangkok vào ngày 29/5.
Người phát ngôn Hồng Lỗi còn cho biết rằng, cuộc họp có ý nghĩa quan trọng và thể hiện được những bước tiến tích cực trong việc thực hiện DOC trong năm 2012, bao gồm cả việc hợp tác phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái biển...
“Các bên đã hoàn toàn nhất trí và thực hiện hiệu quả DOC, đồng thời vạch ra kế hoạch thực hiện trong năm 2013-2014”, ông Hồng Lỗi cho biết.
Ngoài ra, cuộc họp lần này đã xem xét phương thức thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, nâng cao sự hiểu biết về Bộ quy tắc này ở các nước. Các bên cũng nhất trí duy trì đối thoại và đàm phán, đưa ra quyết định tổ chứa cuộc họp chung lần thứ chín vào cuối năm nay tại Bắc Kinh.
Mỹ sẽ công bằng về vấn đề Biển Đông
Căng thẳng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đang diễn ra trong nhưng năm gần đây giữa Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei, Nhật Bản… với Trung Quốc. Philippines hồi đầu năm nay đã đệ đơn lên tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ.
Các chiến đấu cơ của Mỹ có mặt tại một số căn cứ quân sự ở châu Á. Mỹ đang thực sự quan tâm vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ảnh: Japantimes
Khu vực mở rộng ở ngoài khơi vùng biển Philippines và Đài Loan cũng gây tranh chấp. Trung Quốc và Nhật Bản thời gian qua vẫn đang “nóng” vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nơi được nhận định là giàu tài nguyên biển trên vùng biển Hoa Đông.
Ông Joe Yun nhắc lại rằng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Mỹ không đứng về phía nước nào mà sẽ dựa vào Bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cấp cao, có thể coi là “nhân vật trung gian” lên tiếng về vấn đề tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực.
Cách đây hai ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Bắc Á Richard C. Bush III trước thềm cuộc gặp của ông Obama và ông Tập Cận Bình cũng cho biết, vấn đề tranh chấp trên sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, đồng thời khẳng định, Mỹ luôn đặt mối quan tâm đến các vấn đề phù hợp với luật pháp Quốc tế, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp hàng hải.
Nguyễn Thủy - TPO
Theo Rappler, Tân Hoa Xã
Comments[ 0 ]
Post a Comment