TQ nên thiết lập Ủy ban nhà nước về biển?
Wednesday, June 12, 2013
Gao Heng, một nhà nghiên cứu cấp cao ở CASS, cũng như những người khác đã đề nghị rằng Trung Quốc nên thiết lập một uỷ ban nhà nước về biển.
Phù hợp với quan điểm phổ biến cho rằng Mỹ trở nên ngày càng quyết liệt hơn trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh có vẻ cho thấy rằng họ thực sự đang chú ý nhiều hơn đến việc đối phó với Washington.
Trước Hội nghị ARF 2010 ở Hà Nội, Bắc Kinh đã thấy trước rằng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có thể nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông và đã thúc giục các quan chức Mỹ không nên làm vậy.[1] Rõ ràng, sự thúc giục của Trung Quốc đã không thành công và điều này giải thích cho sự giận dữ của giới chức Trung Quốc tại ARF cũng như sau đó nữa.
Bất chấp thất bại đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc giục Mỹ không nên quá quyết liệt trong tranh chấp Biển Đông. Vào tháng 6 năm 2011, trước Tham vấn Trung - Mỹ về Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã thúc giục Mỹ, là một bên không tranh chấp, không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông nữa. Ông cảnh báo rằng ở Biển Đông, “hành động của một số quốc gia như là “đùa với lửa”, và tốt hơn là Mỹ không nên để bị bỏng lây.” Ông Thôi cho rằng trong khi Mỹ thực hiện chính sách duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, nước này cũng nên tìm cách làm hai việc: xem xét lại các lựa chọn giải quyết vấn đề hiệu quả và thúc đẩy quan hệ giữa những nước liên quan trong khu vực, và thận trọng trong phát ngôn và hành động.[2]
Ảnh: THX
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo những thế lực bên ngoài không nên dính líu vào tranh chấp Biển Đông vì bất cứ lý do gì. Ông cho rằng vấn đề Biển Đông đã diễn ra trong nhiều năm rồi và nên được giải quyết thông qua đàm phán hoà bình giữa những quốc gia trực tiếp liên quan.[3] Ông Ôn đưa ra phát biểu này trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á nơi Tổng thống Obama được cho là sẽ nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông. Rõ ràng là, để đáp lại chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ đang nhận được nhiều chú ý, Uỷ viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc gần đây đã lưu ý rằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khác với các khu vực khác trên thế giới trên nhiều khía cạnh. Ông đề xuất như sau:
“Những thứ như những gì cần làm, những gì không nên làm, thực hiện như thế nào, và thực hiện khi nào, cần phải dựa trên tình huống thực tiễn và những kinh nghiệm quý báu được tích luỹ trong khu vực, sự phối hợp toàn diện, quan điểm của các quốc gia trong khu vực, và mức độ thoải mái của tất cả các quốc gia này.”[4]
Nên năng động hơn trong khai thác tài nguyên?
Căng thẳng và tranh chấp những năm gần đây đã khiến các chuyên gia Trung Quốc thúc giục chính phủ nên năng động hơn trong việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Họ cho rằng Trung Quốc không thể mãi “ẩn mình chờ thời” (tao guang yang hui) trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Họ thêm rằng cần có mức độ răn đe nhất định để bảo vệ những hành động này.[5]
Zeng Xingqiu, nhà địa chất trưởng tại công ty Sinochem, một trong những công ty dầu khí quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, đã lưu ý rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc khảo sát điều kiện địa chất toàn bộ Biển Đông đã bị Việt Nam cản trở. Ông đề nghị Trung Quốc nên nỗ lực thực hiện một số biện pháp cứng rắn nhằm hỗ trợ chính sách của mình ở Biển Đông.[6] Ngô Sĩ Tồn thì cho rằng chính vì các quốc gia trong khu vực không sẵn sàng tham gia vào “khai thác chung”, nên Trung Quốc cần giành những cơ hội thích hợp để thúc đẩy khai thác tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Ông đưa ra lý do rằng việc khai thác càng bị trì hoãn sẽ càng làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và gia tăng chi phí trong việc bảo vệ các lợi ích của nước này trong khu vực quần đảo Trường Sa.[7]
Một nhà quan sát khác thì đề cập đến các lợi thế về tài chính và công nghệ của Trung Quốc so với các quốc gia tranh chấp khác ở Biển Đông. Ông tin rằng nếu Trung Quốc có thể huy động tất cả các nguồn lực để đào một vài giếng dầu khí ở quần đảo Trường Sa thì toàn bộ tình hình sẽ ngay lập tức được đảo ngược: “Chúng ta không cần phải van vỉ các “quốc gia tranh chấp” khác tham gia ‘khai thác chung’ - họ sẽ phải tranh nhau đàm phán ‘khai thác chung’ [với chúng ta].”[8]
Thậm chí ở mức độ chính thức, có nhiều đề xuất khác nhau về việc chủ động khai thác Biển Đông. Vào năm 2009, tướng Zhang Li, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA, tuyên bố rằng Trung Quốc nên xây dựng một sân bay và một cảng biển ở bãi Vành Khăn (Mischief) để phi cơ Trung Quốc có thể tuần tra khu vực nhằm bảo vệ hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở những đảo thuộc Trường Sa.[9] Vào tháng 7 năm đó, một quan chức cấp cao ở Cục Ngư nghiệp và Giám sát cảng cá của Biển Đông đã đề xuất rằng Trung Quốc nên xây dựng các cơ sở kiểm ngư tại một số đảo, đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng để bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên hải sản ở Biển Đông.[10] Đúng như mong đợi, các tàu của lực lượng ngư chính đã bắt đầu tuần tra thường xuyên ở khu vực quần đảo Trường Sa từ tháng 4 năm 2010.
Tài nguyên năng lượng là một động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2005, Bộ Tài nguyên và Đất đai của Trung Quốc đã xác định Biển Đông là một trong mười khu vực năng lượng chiến lược và lên kế hoạch để thúc đẩy việc khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trong khu vực. Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và nhiều viện nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nghiên cứu về trữ lượng dầu khí ở các khu vực nước sâu thuộc Biển Đông.[11] CNOOC có kế hoạch đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ đô la Mỹ) trước 2020 để thiết lập 800 dàn khoan dầu ở các khu vực nước sâu. Công ty này cũng lên kế hoạch sản xuất 250 triệu tấn dầu quy đổi trong các vùng nước sâu vào năm 2015 và 500 triệu tấn vào năm 2020. Để đạt được những mục tiêu này, CNOOC hiện đang tăng cường nỗ lực phát triển công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực cần thiết.[12]
Với sự phát triển công nghệ thăm dò dầu khí nước sâu cũng như sự gia tăng nhanh chóng năng lực của các cơ quan chấp pháp Trung Quốc,[13] những đề xuất này có thể sẽ sớm trở thành hiện thực. Gao Heng, một nhà nghiên cứu cấp cao ở CASS, cũng như những người khác đã đề nghị rằng Trung Quốc nên thiết lập một uỷ ban nhà nước về biển.[14] Một hệ thống tập trung hóa quản lý 22 cơ quan liên quan tới các vấn đề biển của Trung Quốc chắc chắn sẽ giúp Bắc Kinh thi hành một chính sách năng động hơn ở Biển Đông.
(Còn nữa)
Tác giả: Lý Minh Giang (Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore);Biên dịch: Hồ Hải Yến - Lê Hồng Hiệp. Nguồn: nghiencuuquocte.net
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment