Tranh luận việc Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông
Tuesday, June 11, 2013
Trong quá trình tranh luận những năm gần đây, người ta vẫn nghe thấy những quan điểm bất đồng về cách thức Trung Quốc nên giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào.
ảnh minh họa
Chủ nghĩa đa phương?
Nhiều năm nay, Trung Quốc đã kiên quyết chống lại việc "quốc tế hoá" tranh chấp Biển Đông. Họ đề cao hơn việc thoả thuận song phương với những quốc gia liên quan, đặc biệt là đối với những vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định vùng biển. Chiến lược này đã được tiến hành nhất quán trong những năm gần đây.
Ví dụ như, trong quá trình đàm phán bản hướng dẫn thực thi DOC, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục các nước ASEAN bỏ qua những từ như "đa phương" và "quốc tế" trong văn bản cuối cùng. Bắc Kinh coi đây như một thành công về mặt ngoại giao.[1] Ban đầu, Trung Quốc đã miễn cưỡng ký vào bản hướng dẫn thực thi với ASEAN. Thay vào đó, họ muốn đạt được thoả thuận này với chỉ những quốc gia có tranh chấp mà thôi.[2] Trung Quốc cũng đã thành công trong việc phủ quyết việc ASEAN lựa chọn cơ chế tham vấn lẫn nhau trước khi họp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.[3]
Tuy nhiên trong quá trình tranh luận những năm gần đây, người ta vẫn nghe thấy những quan điểm bất đồng về cách thức Trung Quốc nên giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào. Ví dụ như Pang Zhongying, một học giả tại Đại học Nhân dân đã lập luận công khai trong một bài báo được xuất bản trên Thời báo Hoàn cầu vào tháng 8 năm 2010 rằng cách tiếp cận song phương của Trung Quốc đối với các nước tranh chấp có thể mang lại nhiều bất cập. Vì thế, ông ủng hộ cho hướng đi đa phương có sự tham gia của cả ASEAN, Mỹ, Nhật Bản và Liên Hợp Quốc.[4] Tuy nhiên, một nhà phân tích có kinh nghiệm về Biển Đông tên là Liu Zhongmin đã có ý kiến trái ngược với ông Pang. Với vấn đề trọng yếu về của chủ quyền các đảo và phân định ranh giới biển, ông khẳng định rằng Bắc Kinh nên giữ nguyên tắc đàm phán song phương. Ông nhấn mạnh rằng hướng đi đa phương nên giành cho những vấn đề an ninh phi truyền thống như an toàn hàng hải và chống cướp biển.[5]
Zhang Yunling tại CASS thì cho rằng hiện trạng Biển Đông đã có những thay đổi đáng kể và Trung Quốc không nên giữ cách nghĩ truyền thống. Ông thấy việc thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là có giá trị. Ông cũng cho rằng ASEAN đóng vai trò điều phối, ví dụ như về vấn đề an toàn đường giao thông trên biển. Hơn nữa, Trung Quốc thậm chí có thể nắm vị trí dẫn dắt việc thảo luận an toàn hàng hải. Các bên liên quan có thể thảo luận cách thức phân biệt những vùng đang tranh chấp với những vùng không tranh chấp. Trong khi không bên nào nên hoạt động khai thác tài nguyên trong những vùng đang tranh chấp, họ vẫn luôn có thể tìm hiểu ý tưởng về khai thác chung trong những vùng tranh chấp. Để ngăn chặn xung đột, những hòn đảo và bãi ngầm đang tranh chấp không nên được coi là có vùng đặc quyền kinh tế.[6] Ý kiến của ông Zhang khác biệt so với lập trường chính thức của Trung Quốc.
Những học giả khác cũng cho rằng chính sách thích hợp là giải quyết tách bạch những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở Biển Đông. Đối với những vấn đề an ninh truyền thống, ví dụ như chủ quyền lãnh thổ, khó có thể tìm được bất kỳ giải pháp nào trong tương lai gần. Những học giả này đề xuất rằng Trung Quốc nên đặt những vấn đề an ninh truyền thống qua một bên để có thể đạt được đột phá trong việc thúc đẩy hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm nâng cao an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển.
Họ cũng đề cập nhiều sáng kiến hợp tác mà Trung Quốc đã đề xuất tại ARF vào năm 2011 như một ví dụ.[7] Dạng đề chính sách này có thể nhận được nhiều sự chú ý của chính quyền hơn bởi trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cùng toàn thể ASEAN theo đuổi nhiều cách thức xây dựng lòng tin và biện pháp giải quyết tranh chấp. Ví dụ, tuyên bố chung của lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc vào năm 1997 đề cập khả năng thông qua một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. DOC đã được ký bởi tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và phái viên đặc biệt của Trung Quốc Vương Nghị ở Phnom Penh vào ngày 4 tháng 11 năm 2002.
Theo Tuyên bố chung năm 2003 của các nguyên thủ quốc gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về Đối tác Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng, hai bên đều sẽ thực thi DOC, thảo luận và lên kế hoạch về cách thức, xác định những lĩnh vực và dự án để triển khai sau đó. Kế hoạch Hành động nhằm Thực thi Tuyên bố Chung Trung Quốc-ASEAN về Đối tác Chiến lược vì Hoà bình và Thịnh vượng cũng bao gồm các chi tiết về cách thức mà hai bên có thể thực hiện DOC.
Đối phó với Mỹ
Trong cuộc tranh luận chính sách những năm gần đây, nhiều học giả Trung Quốc đã đề nghị rằng Bắc Kinh sẽ phải ưu tiên đối phó một cách thích hợp với sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông.
Liu Jianfei, một chuyên gia tại Trường Đảng Trung ương cho rằng sự phối hợp giữa Trung Quốc và Mỹ là nhân tố quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu sự phối hợp này lỏng lẻo, các quốc gia tranh chấp khác sẽ tìm cách tận dụng sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ để kiếm lợi. Nếu mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ hoà hiếu, các quốc gia trong khu vực sẽ không thể áp dụng cách "ngư ông đắc lợi".[8]
Ông Jin Canrong tại Đại học Nhân dân cũng ủng hộ quan điểm này. Ông cho rằng sự tranh đua giữa Trung Quốc và Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương sẽ sâu sắc hơn trong thời gian tới, dẫn đến hậu quả là sự bất hoà không thể tránh khỏi giữa hai cường quốc trong việc lãnh đạo khu vực. Bên cạnh nỗ lực làm bình ổn ngoại biên Trung Quốc, ông cũng đề nghị rằng Bắc Kinh nên ưu tiên việc hợp tác với Mỹ. Ông cho rằng một vài quốc gia trong khu vực chỉ là những kẻ cơ hội và thúc đẩy quan hệ với những nước này sẽ không giải quyết được vấn đề gì bởi nỗ lực của Trung Quốc sẽ là không đáng kể nếu tình hình chung nghiêng về phía Mỹ. Miễn là Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng mức độ nào đó tới Mỹ (chi ding meiguo), các quốc gia trong khu vực sẽ phải đưa ra những lựa chọn phù hợp. Đồng thời, ông Jin cho rằng Trung Quốc nên cảm thấy thoải mái khi cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực để giành được những gì mình đáng được hưởng và răn đe họ nếu cần thiết.[9]
(Còn nữa)
Tác giả: Lý Minh Giang (Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore); Biên dịch: Hồ Hải Yến - Lê Hồng Hiệp. Nguồn: nghiencuuquocte.net
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment