Infone - Với ưu thế về năng lực tài chính mạnh mẽ và nguồn lực kĩ thuật, các hãng vũ khí của Mĩ là lựa chọn sáng giá của Việt Nam khi tìm kiếm đối tác cùng phát triển vũ khí.
KAI T/A-50 - Loại máy bay hợp tác cùng phát triển giữa Hàn Quốc và Lockheed Martin (Mĩ)
Cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài suốt 30 năm, cùng những mâu thuẫn quốc tế phức tạp trong và sau chiến tranh Lạnh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam. Sau khi hoàn thành giải phóng miền Nam năm 1975, Việt Nam tiếp tục bị Mĩ và phương Tây cấm vận ngặt nghèo cả về kinh tế và quân sự, gây ra những hậu quả hết sức to lớn.
Theo thời gian, cùng với quan điểm khép lại những vấn đề trong quá khứ để cùng hướng đến tương lai, hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kì đã từng bước xích lại gần nhau hơn. Một dấu ấn quan trọng là ngày 3/2/1994, khi tổng thống Mĩ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Sau đó, ngày 11/7/1995, hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đó là những thành tựu đáng để tự hào.
|
Vũ khí âm thanh LRAD 1000 Xi của tàu CSB Việt Nam 8001 |
Song song với hợp tác văn hóa, kinh tế ..., hợp tác quân sự, quốc phòng Việt Nam - Hoa Kì cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một rào cản chưa được dỡ bỏ, đó là lệnh cấm vận vũ khí. Từ năm 2006, Mĩ đã bỏ lệnh cấm vận vũ khí phi sát thương với Việt Nam. Nhưng lệnh cấm vận vũ khí sát thương vẫn còn hiệu lực. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao ở cả hai bên, có thông tin cho hay: Lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mĩ với Việt Nam sẽ được dỡ bỏ trong tương lai gần.
Vậy khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được bãi bỏ, Việt Nam sẽ có lợi gì?
Thị trường vũ khí rộng mở với nhiều lựa chọn
Trước hết, đó là Việt Nam sẽ được chào đón một cách cởi mở, sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn để mua sắm các loại vũ khí, khí tài do Mĩ chế tạo. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong số 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới, Mĩ chiếm đến 44 công ty, và chiếm đến hơn 60% doanh thu. Khi được Mĩ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam hoàn toàn có thể nhắm đến sản phẩm của các hãng nổi tiếng như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman hay General Dynamics ...
Không chỉ vậy, sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương bị bãi bỏ, thị trường vũ khí với Việt Nam không chỉ có thêm các hãng vũ khí Mĩ, mà sẽ còn là rất nhiều các công ty trang thiết bị quân sự của nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Âu thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các quốc gia này đều có hợp tác chặt chẽ với Mĩ. Nhiều sản phẩm vũ khí có các linh kiện chế tạo tại Mĩ, chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận. Còn nhớ, cuối thập niên 90, Việt Nam đã từng nỗ lực đàm phán với Pháp để mua 24 máy bay chiến đấu hiện đại Dasault Mirage 2000, nhưng hợp đồng này đã không thành do áp lực từ phía Mĩ.
Cơ hội nghiên cứu, hợp tác phát triển vũ khí
Với các quốc gia có tiềm lực kinh tế - kĩ thuật còn non yếu như Việt Nam, điều rất cần thiết là phải đẩy mạnh nghiên cứu, tự chủ chế tạo các loại vũ khí, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân - kĩ sư trong nước, vừa hạn chế tốn kém ngoại tệ do mua sắm từ nước ngoài, có thể tiến tới xuất khẩu để thu lợi nhuận. Việt Nam đã từng bước thực hiện mục tiêu này, qua một số dự án như tự đóng tàu pháo TT-400TP, tự đóng tàu tên lửa cao tốc Molniya (Đề án 1241.8) ...Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, rất cần nguồn vốn cũng như nguồn lực công nghệ - kĩ thuật cao. Nếu như có thể xem xét hợp tác cùng có lợi với các hãng vũ khí của Mĩ, Việt Nam có thể đẩy mạnh tự chủ sản xuất vũ khí. Điển hình như Hàn Quốc với dự án máy bay huấn luyện - cường kích hạng nhẹ T/A-50 Golden Eagle. Dự án này là sự đóng góp về vốn và kĩ thuật giữa ba bên: Chính phủ Hàn Quốc (70% ngân sách), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc - KAI (17% ngân sách) và hãng Lockheed Martin của Mĩ (13% ngân sách). Mới đây, Hàn Quốc đã kí hợp đồng xuất khẩu 12 máy bay T/A-50 cho Philippines, thu được lợi nhuận.
Thượng nghị sĩ Mĩ Bob Corker cho hay: Việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam hiện đang có nhiều triển vọng.
Với ưu thế về năng lực tài chính mạnh mẽ và nguồn lực kĩ thuật, các hãng vũ khí của Mĩ là lựa chọn sáng giá của Việt Nam khi tìm kiếm đối tác cùng phát triển vũ khí.Trước cơ hội mới, Việt Nam cần làm gì?
Thị trường vũ khí sẽ rộng mở hơn với Việt Nam sau khi lệnh cấm vận vũ khí được bãi bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là cơ hội, còn biến cơ hội thành thực lực quốc phòng và năng lực kĩ thuật, lại là vấn đề mà Việt Nam cần cân nhắc kĩ.Trước hết, Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của mình, tránh để tất cả trứng vào một giỏ. Bài học trong cuộc chiến Falkland-Malvinas năm 1982 vẫn là lời cảnh tỉnh với bất cứ quốc gia nào: Quân đội Argentina vì quá phụ thuộc vào một loại tên lửa diệt hạm Exocet nên khi bị phía bạn hàng Pháp “trở mặt” thì đã bị thất bại trước Hải quân Anh. Ngay cả trong kháng chiến chống Mĩ, vì chỉ có một loại tên lửa phòng không C-75 mà Việt Nam liên tục bị đối phương gây nhiễu, chế áp, có những giai đoạn tổn thất, hi sinh mà không diệt được mục tiêu. Trong chiến tranh hiện đại, sẽ không có nhiều thời gian để cứu vãn tình thế hay sửa chữa sai lầm, do đó, việc cần hơn hết là đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, từ đó đa dạng hóa chiến thuật tiến công, đa dạng hóa phương án đánh địch, tránh để đối phương tập trung áp chế.Mặt khác, điều kiện Việt Nam chưa cho phép mua sắm với số lượng lớn, nên việc đa dạng hóa cũng phải cân nhắc đến yếu tố kinh tế, tránh mua sắm manh mún, nhỏ giọt, vừa không kinh tế vừa gây khó khăn cho hậu cần - huấn luyện. Cần cố gắng dung hòa giữa sự đồng bộ về vũ khí (tiện cho bảo dưỡng, sửa chữa ...) và sự đa dạng trong phương án tác chiến. Thị trường vũ khí rộng mở với nhiều lựa chọn cũng sẽ tạo ưu thế cho Việt Nam trên bàn đàm phán, tránh bị đối tác chèn ép, áp đặt giá cả.Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Học thuyết quân sự, hình thức, địa bàn tác chiến ... của quân đội Mĩ hay các nước châu Âu rất khác so với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ưu thế của quân đội Mĩ là đội quân nhà giàu, có hệ thống hậu cần mạnh và sức cơ động cao bằng đường hàng không. Nhiều loại vũ khí của Mĩ cũng có giá thành khá cao so với mặt bằng chung. Do đó, việc mua sắm cần được cân nhắc yếu tố lợi-hại, phải phù hợp với yêu cầu tác chiến của Việt Nam.Việc Mĩ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương không phải là “thần dược” giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh như Thánh Gióng trong truyền thuyết, mà khát khao đó chỉ được hiện thực hóa bằng trí tuệ và mồ hôi, công sức của người Việt.
Infone
Comments[ 0 ]
Post a Comment