Quan hệ Việt-Mỹ thời gian gần đây có nhiều chuyển động đáng chú ý. Bản chất là gì và triển vọng thế nào?
Ngày 7/8, TNS Cộng hòa John McCain và TNS Dân chủ Sheldon Whitehouse thăm Việt Nam, mở đường cho việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, bà Hillary Clinton đã mở ra cách tiếp cận mới của Mỹ tại châu Á với tuyên bố tháng 7/2009, rằng Mỹ “trở lại châu Á”. Việc Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) đã khai thông con đường để Mỹ tham gia vào các cơ chế hợp tác của ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Giới chiến lược gia Mỹ đã đề ra một chủ trương mới liên quan tới châu Á-Thái Bình Dương: “Tái cân bằng chiến lược” và “Xoay trục sang châu Á”. Gọi là chủ trương, gọi là chính sách, hay gọi nó là chiến lược châu Á mới đều có cùng một tính chất, đó là Mỹ quan tâm can dự nhiều hơn tại châu Á-Thái Bình Dương. Châu Á đang trải qua những biến động to lớn. Trung Quốc vừa là tác nhân vừa là động lực của các biến đổi và biến động. Chính sách xoay trục không hẳn là một chính sách nhằm chống Trung Quốc, mà nhằm thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hành trình không mệt mỏi để gõ tất cả các cánh cửa có thể gõ và mở tất cả các cánh cửa có thể mở từ Đông Bắc Á xuống Nam Thái Bình Dương. Trong quá trình này, Ngoại trưởng Mỹ nhiều lần thăm Việt Nam. Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam có những tiến triển tích cực. Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục chiều hướng chính sách đó. Ông quan tâm phát triển dự án ở đồng bằng sông Cửu Long và lần đầu tiên trao một khoản viện trợ nhằm tăng cường lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã kích hoạt mối quan tâm của dư luận Mỹ. Dưới áp lực của một đội tàu thuyền lớn của Trung Quốc, với sự yểm trợ của các chiến hạm và các máy bay, lực lượng chấp pháp ít về số lượng của Việt Nam đã ngoan cường chống chọi. Có lẽ hình ảnh cuộc quần thảo trên biển giữa một lực lượng nhỏ với một lực lượng lớn áp đảo trong vòng hai tháng rưỡi đã gây sự chú ý lớn của giới chính sách Mỹ. Việc một nước nhỏ bị một nước lớn bắt nạt ngay trong vùng lãnh hải của mình và sự chống chọi bằng phương tiện hòa bình nhưng không khoan nhượng của người Việt Nam giữa muôn trùng biển khơi có lẽ đã làm cho chính quyền, chính giới Mỹ nhìn nhận nhân tố Việt Nam từ một góc độ địa-chính trị mới mẻ.
Chính quyền Mỹ nằm trong số ít chính phủ các nước trên thế giới liên tục lên tiếng chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc. Thượng nghị viện Mỹ đã ra một nghị quyết đòi Trung Quốc chấm dứt hành động gây hấn và trả lại nguyên trạng vùng biển này như trước ngày 1/5/2014.
Vấn đề Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam xuất hiện trong chương trình nghị sự. Ngày 31/7, cơ quan lập pháp Mỹ đã chính thức mở đường qua việc Hạ nghị sỹ Randy Forbes thuộc đảng Cộng hòa, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và Triển khai lực lượng của Hạ nghị viện, và HNS Colleen Hanabusa thuộc đảng Dân chủ, thành viên của Ủy ban Quân lực Hạ nghị viện, bày tỏ mối quan tâm chung trong việc cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Việt Nam.
Ngày 7/8, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sĩ Dân chủ Sheldon Whitehouse thăm Việt Nam. Chuyến thăm của hai vị thượng nghị sỹ này diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến công du của Thượng nghị sĩ Bob Corker, một thành viên cao cấp thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ông Corker đã “bày tỏ lạc quan rằng Washington sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tương lai gần”.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey, thăm Việt Nam từ ngày 14/8. Hai bên thỏa thuận triển khai năm nội dung hợp tác quốc phòng, trong đó có hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như chất da cam/dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại; đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan quân đội Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đại tướng Martin Dempsey khẳng định Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải và giúp Việt Nam giải quyết những thách thức về bảo vệ chủ quyền trên biển; đồng thời cho biết phía Hoa Kỳ sẽ tìm ra lộ trình và cách thức để sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Dỡ bỏ cấm vận là quyền của Tổng thống Mỹ, nhưng cần được sự ủng hộ của Quốc hội nước này. Trong tình hình bình thường, một vấn đề nahyj cảm và phức tạp như vậy không dễ nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ. “Hiện tại số lượng những người trong chính phủ, quốc hội, giới ngoại giao và quân đội ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ngày càng lớn”, theo lời của Tướng Martin Dempsey tại Hà Nội.
Theo một số nhà quan sát Mỹ, Washington từ lâu tỏ ra hờ hững với việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí này, vì các quan chức Mỹ cho rằng Việt Nam muốn điều này chỉ đơn thuần như là một “con dấu được trưng bày trong nhà”. Việt Nam gần đây đã bày tỏ sự quan tâm thật sự. Tháng 5 vừa qua, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ hậu thuẫn. Đây là một quyết định có tiềm năng mở ra cánh cửa cho hai nước thực hiện hoạt động giám sát hàng hải chung trong tương lai. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mỗi năm sẽ nhận từ 5 - 6 tàu tuần tra mới từ Mỹ trong vài năm tới.
Trong một bài viết ngày 15/8 cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đặt trụ sở tại Washington, Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Australia), cho biết, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm đến việc mua máy bay săn tàu ngầm và rađa giám sát biển của Mỹ. Mỹ có thể triển khai một mẫu máy bay mà Việt Nam đang cân nhắc ở Biển Đông, đồng thời thực hiện các chuyến bay trình diễn với các nhân viên quân sự Việt Nam trên khoang lái.
Việt Nam sẽ có các cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và thực hiện các quy định bảo đảm khả năng thực tế để những vũ khí này không rơi vào tay các đối thủ quân sự của Mỹ. Các tàu quân sự của Mỹ sẽ dừng và thăm viếng thường xuyên hơn, mở rộng phạm vi trao đổi quân sự song phương trong các hoạt động can dự hải quân Mỹ-Việt hàng năm. Hoạt động có thể được tăng cường thông qua việc trao đổi phi công và thủy thủ trong tất cả các bài diễn tập; đồng thời phạm vi và cường độ của các hoạt động có thể được thay đổi để phù hợp với tình hình Biển Đông.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ mang hàm ý quan trọng đối với quan hệ song phương cũng như quốc phòng Mỹ-Việt, phù hợp với mối quan tâm chiến lược của Mỹ tại khu vực. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi hai nước đạt đến độ tin cậy chiến lược mới. Theo giới quan sát phương Tây, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này có thể được xem như một bước tiếp theo hợp lý sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang ký kết Thỏa ước Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt ngày 25/7/2013 tại Nhà Trắng.
Về lâu dài, quan hệ đối tác thành công với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ khẳng định vai trò an ninh của Mỹ trên sườn phía Đông của Biển Đông. Điều này cũng phù hợp với chính sách rộng lớn hơn của Mỹ trước tình hình còn nhiều biến động sâu rộng tại khu vực.
Theo một số nguồn tin, năm tới có thể là cơ hội tốt cho việc nới lỏng lệnh cấm khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Nhưng vũ khí chỉ là một phần của bức tranh chiến lược của quan hệ Việt-Mỹ. Nó là kết quả tất yếu của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây là một lựa chọn chiến lược phù hợp với lợi ích của hai nước, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực./.
Người Bình Luận
ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment