Hôm 21/8, tờ Times of India đưa tin, Việt Nam vừa gia hạn một năm đối với hợp đồng cho Ấn Độ thuê 2 lô thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Sushma Swaraj tới Việt Nam.
Ngoại trưởng Sushma Swaraj sẽ tới thăm Việt Nam vào tuần tới.
Động thái này tái khẳng định Ấn Độ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Biển Đông, khu vực đang diễn ra các tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.Theo kế hoạch, bà Swaraj cũng sắp tới Trung Quốc để tham dự cuộc họp ba bên giữa Nga - Ấn Độ - Trung Quốc trước khi có cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc gặp trên có phần nội dung chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ vào tháng Chín tới.
Theo Times of India, bên cạnh lý do thương mại, việc Ấn Độ tiếp tục dự án thăm dò lô dầu khí 128 còn là để bảo vệ lợi ích chiến lược của nước này ở Biển Đông trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc. Ấn Độ muốn duy trì tự do hàng hải và tự do tiếp cận với các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Các tàu hải quân Ấn Độ cũng đã có những chuyến thăm thiện chí tới tất cả các nước đang phải chịu chính sách ngoại giao bành trướng của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoản Hải Dương – 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sự việc đó đã khiến cho thế giới hiểu rõ và cảnh giác hơn về thái độ hung hăng của Bắc Kinh.
Gần đây Trung Quốc còn tuyên bố sẽ xây ngọn hải đăng ở 5 đảo, trong đó có 2 đảo của Việt Nam. Tuyên bố này của Trung Quốc là nhằm phản ứng với đề xuất của Mỹ và Philippines về việc “đóng băng” các hoạt động tại các khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc dường như đang muốn thể hiện sự ngông cuồng rằng, mặc kệ phản ứng của quốc tế, nước này sẽ xây bất cứ cái gì mình muốn ở bất cứ đâu trên Biển Đông. Trung Quốc cũng tự vẽ một bản đồ để tự cho mình có chủ quyền tới 90% Biển Đông, thậm chí ở cả những vùng biển rất gần với bờ biển của các quốc gia khác.
Theo Times of India, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông giống như ở các khu vực Depsang, Demchock và Ladakh của Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc thực hiện hàng loạt các hành động khiêu khích nhỏ, không đủ lớn để dẫn đến xung đột, nhưng lặp đi lặp lại để thay đổi hiện trạng theo cách có lợi cho mình bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của các quốc gia bị ảnh hưởng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Times of India, một nhật báo tiếng Anh được đọc nhiều nhất ở Ấn Độ.
PHẠM KHÁNH - INFONET
Comments[ 0 ]
Post a Comment