Đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây cho các hành động của mình tại Ukraine hồi đầu năm nay, trong đó có việc sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho lực lượng ly khai Ukraine, Nga ngày càng nhờ cậy Trung Quốc nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ.
Hãng tin RIA Novosti dẫn một bài báo tiếng Nga của Izvestia viết: “Cac doanh nghiệp quân đội và hàng không vũ trụ của Nga sẽ mua các linh kiện điện tử trị giá vài triệu USD từ Trung Quốc”. Thông tin này do một nguồn “thân cận với Roscosmos, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga” cung cấp.
Theo nguồn Roscomos: “(Nga) đã làm việc với Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học vũ trụ Trung Quốc (CASIC)… Các cơ quan của họ đã cung cấp cho chúng tôi hàng chục sản phẩm, đại diện cho những linh kiện có thể thay thế trực tiếp hoặc điều chỉnh đơn giản mà Nga không có được do lệnh trừng phạt của Mỹ”. Hiện nay, ngành công nghiệp vũ trụ và quân sự của Nga không lấy nguồn linh kiện từ Trung Quốc. “Trong hai hoặc hai năm rưỡi tiếp theo, cho đến khi các nhà sản xuất của Nga có thể sản xuất được các linh kiện điện tử quân sự và vũ trụ cần thiết thì kế hoạch mua linh kiện từ Trung Quốc sẽ lên đến vài tỷ USD”, nguồn này nói thêm.
Ngoài ra, theo Andrei Ionin, nhà phân tích chính tại GLONASS Union, “việc thiết lập mối quan hệ hợp tác quy mô lớn với các nhà sản xuất Trung Quốc có thể trở thành bước đi đầu tiên hình thành liên minh công nghệ liên quan đến các nước thành viên BRICS”.
Nếu Nga thực sự đang tìm cách để mua linh kiện hàng không vũ trụ và quân sự từ Trung Quốc thì đây là tín hiệu cho thấy mối quan hệ Bắc Kinh – Moscow tiếp tục dần trở về thời Liên Xô – Trung Quốc. Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD giữa 2 nước cũng cho thấy một khía cạnh trong sự thay đổi của mối quan hệ song phương. Bài báo cho rằng Moscow bằng lòng với yêu cầu giá của Bắc Kinh để đi tới thỏa thuận kéo dài 30 năm.
Hơn nữa, trong khi lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau thì đó không phải là lý do duy nhất cho chiến lược hội tụ giữa 2 quốc gia. Cả Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong những năm gần đây, làm việc chung với nhau trên các diễn đàn quốc tế, trong đó có Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Trong vòng trừng phạt mới nhất của EU và Mỹ quanh cuộc xung đột Ukraine, các tổ chức tài chính của Nga, các công ty quốc phòng và năng lượng ngày càng bị cô lập trên phạm vi toàn cầu.
Bảo Linh (Theo The Diplomat)
Comments[ 0 ]
Post a Comment