Nhật Ký Biển Đông hạ tuần Tháng Bảy ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập đổ bộ. Ảnh: EpochTimes
Những chuyển biến quan trọng:
- Báo Tempo (Philippines) ngày 22/7/2014 đưa tin: “Nga đang thảo luận và có thể cung cấp các hệ thống radar và tên lửa cho Philippines. Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc.” Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Mỹ không bán vũ khí với giá rẻ cho Phi Luật Tân để đến nỗi Phi Luật Tân phải mua vũ khí của Nga? Hay Phi Luật Tân bắt chước Việt Nam theo sách lược ngọai giao đa phương?
- VOV ngày 23/7/2014: “Tại Hội Nghị Bộ Trưởng Ngọai Giao ASEAN-EU lần thứ 20 diễn ra tại Bruselles (Bỉ) các nước bày tỏ quan tâm và ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.”
- VOV ngày 23/7/2014: “Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 22/7 đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam. Thỏa thuận sẽ cho phép các công ty của Mỹ thâm nhập sâu hơn vào thị trường điện hạt nhân đang mở rộng của Việt Nam. Thỏa thuận này hiện đã được đệ trình lên Thượng viện Mỹ chờ thông qua trong một phiên họp toàn thể.”
- BBC tiếng Việt ngày 24/7/2014: “Cựu Thủ tướng Anh quốc Tony Blair hiện đang ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển. Chiều thứ Tư 23/7, ông Blair đã hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.”
- VOV ngày 24/7/2014: “Trung Quốc đang nạo vét các kênh trên đảo Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho ngư dân và thuyền cung ứng của Trung Quốc tại đây. Giới quan sát cho rằng động thái này một lần nữa cho thấy Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực xác lập chủ quyền chủ quyền đối với khu vực này.”
- Voice of Russia tiếng Việt ngày 24/7/2014: “Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Seoul cân nhắc những tác động an ninh từ việc nước này cho phép bố trí tổ hợp tên lửa THAAD của Mỹ. Sự phát triển sự kiện như vậy chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tình hình chiến lược trong khu vực, kích động cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, tạo ra những biến chứng bổ sung cho giải pháp của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.”
- BBC tiếng Việt ngày 25/7/2014: “Ngoại trưởng Nhật Bản thông báo sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31/7 đến 2/8 nhằm đẩy mạnh hợp tác về an ninh trên biển cũng như trong các lĩnh vực khác.”
- VnExpress ngày 27/7/2014: “Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật trên vịnh Bắc Bộ, gần sát Việt Nam và sẽ bắt đầu tập trận tại biển Hoa Đông vào ngày 29/7 tới. Cả hai cuộc tập trận này được Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi là huấn luyện thường lệ, theo Bloomberg. Cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ kết thúc vào ngày 1/8, cuộc tập trận trên biển Hoa Đông sẽ kết thúc ngày 2/8. Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo yêu cầu các loại tàu thuyền không được đi vào vùng biển có ‘hoạt động quân sự’ trong thời gian nêu trên.”
- The World Post ngày 28/7/2014: “ Artyon Lukin nói rằng chính sách kiềm chế của Hoa Kỳ đã đẩy Trung Quốc và Nga thành lập một liên minh hùng mạnh chống lại đồng minh Phương Tây tạo nguy cơ lớn lao bùng nổ Thế Chiến III.” (Artyom Lukin says the U.S. policy of containment is pushing China and Russia ever closer to forming a powerful anti-Western alliance, greatly raising the possibility of a Third World War) (*)
- Voice of Russia ngày 28/7/2014: “Ngày 23 tháng 7, Trung Quốc đã tiến hành một vũ thử tên lửa mới được thiết kế để tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất. Đó là tin của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa theo các dữ liệu tình báo. Vào tháng Tư năm nay, trong chuyến đi thị sát một đơn vị không quân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên tuyên bố rằng, Trung Quốc phải có khả năng đáp trả quá trình quân sự hóa vũ trụ do các đối thủ của Trung Quốc, trước hết là Mỹ, thực hiện. Tháng 5 năm 2013, Bắc Kinh đã thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên tên lửa tiêu diệt các vệ tinh. Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể thành lập hệ thống chống vệ tinh có thể cản trở việc chỉ huy quân đội thông qua các vệ tinh”.
- RFI tiếng Việt ngày 30/7/2014: “Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết là Hoa Kỳ cũng sẽ do thám các cuộc tập trận đơn phương của Trung Quốc tại vùng Biển Đông trong tuần này, với sự tham gia của 20 chiến hạm.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Biển Đông đã bắt đầu hôm qua, vào lúc hải quân nước này cũng đang tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ và ở eo biển Bột Hải. Hai cuộc tập trận này sẽ đều kết thúc vào ngày 01/08.”
- PetroTimes ngày 30/7/2014: “Trong chuyến viếng thăm Phi Luật Tân, Bà Catherine Ashton - phụ trách đối ngọai và an ninh Liên Hiệp Âu Châu khẳng định, tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. EU kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”.
- Tuổi Trẻ Online ngày 31/7/2014: “Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến-Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân tuyên bố Hải Quân Việt Nam đủ sức đánh bại các cuộc tiến công trên biển.”
- VOA tiếng Việt ngày 31/7/2014: “Tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng cam kết sẽ làm tất cả để củng cố quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam trong nhiệm kỳ của ông ở Hà nội.”
- AP ngày 1/8/2014: Trong cuộc gặp gỡ với ngọai trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 1/8/2014, ngọai trưởng Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp cho Việt Nam 06 tàu tuần duyên trị giá 5 triệu đô-la để Việt Nam tăng cường khả năng thi hành luật pháp trên biển giữa lúc tại Biển Đông căng thẳng lên cao.
Nhận Định:
Trong khi cuộc đối đầu Nga-Mỹ-NATO mỗi lúc mỗi căng thẳng vì vụ máy bay MH17 của Mã Lai chở 298 hành khách rớt ở Đông Ukraine nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga, thì Do Thái tiến quân, bắn hỏa tiễn vào Gaza khiến hơn 1300 người chết trong đó hơn hai phần ba là thường dân gây phẫn nộ trên tòan thế giới, rồi tình hình Libya nát như tương khiến Hoa Kỳ, Pháp phải di tản tòa đại sứ, rồi giao tranh và tàn sát ở Iraq chưa có dấu hiệu ngưng tay khiến Nga phải đổ vũ khí vào để cứu nguy chế độ của Ô. Maliki nhưng Mỹ không phản đối vì Ô. Maliki do Mỹ dựng lên, còn Ô. Kim Jong Un thì dọa cho Tòa Bạch Ốc ăn hỏa tiễn. Trong khi tình hình thế giới rối bời như thế thì Trung Quốc ung dung tập trận để thị uy.
- Cuộc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ rõ ràng là để răn đe và khiêu khích Việt Nam và có thể làm tổn hại đến việc đánh cá của ngư dân Việt Nam ở vùng này.
- Còn cuộc tập trận ở Biển Đông là để răn đe Việt Nam, Philippines và cảnh cáo Hoa Kỳ.
Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng chẳng vừa gì. Lấy cớ Hoa Lục gửi tàu tới do thám cuộc tập trận RIMPAC ở ngòai khơi Hawaii, Hoa Kỳ cũng gửi tàu tới để do thám. Chắc chắn hành vi này khiến Hoa Lục vô cùng khó chịu - vì do thám còn có nghĩa là “giám sát” xem anh có làm ẩu không? Biết đâu tập trận chỉ là thủ đọan trá hình để bất ngờ đành chiếm các đảo của Phi Luật Tân và Việt Nam nếu hai quốc gia này không phòng bị. Đây là phản ứng khá mạnh và linh hoạt của Hoa Kỳ và chứng tỏ giữ gìn an nguy cho Biển Đông không phải chỉ là mối lo của Việt Nam và Phi Luật Tân mà nó còn là mối lo của Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông, Hoa Kỳ không còn là cường quốc Thái Bình Dương nữa. Từ siêu cường sẽ rớt xuống thành cường quốc khu vực (regional power) điều mà Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận. Ngòai ra, khi hải lộ quốc tế thông quá Biển Đông tắc nghẽn thì Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan chết trước, cho nên hợp tác ngọai giao, kinh tế và quân sự giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam, Phi Luật Tân là xu thế nổi bật trong giai đoạn hiện tại.
Hiện nay tại Philippines đang hình thành luận điểm: Liên minh với Mỹ nhưng phải xây dựng quốc phong tự chủ theo đường lối ngọai giao đa phương. Việc ông Abe thăm Philippines, ông Aquino thăm Nhật Bản và mới đây nhất Nga đang thảo luận việc cung cấp hệ thống radar và hỏa tiễn phòng thủ cho Philippines đã chứng minh điều này. Cũng như Việt Nam, Philippines nhận thấy ngòai Mỹ thì Nga và Nhật Bản là hai cường quốc có thể làm đối trọng với Hoa Lục, từ đó có thể cùng Mỹ giữ yên Biển Đông.
Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, không ai biết Hoa Lục sẽ làm gì. Có lẽ ”tập trận” là việc vừa dễ làm để thị uy vừa để “giữ lửa” (lửa bành trướng). Nhưng hiện nay Hoa Lục đang phải chịu áp lực nặng nề của thế giới với hai ràng buộc:
- Tuân thủ luật pháp quốc tế.
- Dùng Công Ước Luật Biển 1982 để giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Nếu Hoa Lục chịu tuân thủ luật pháp quốc tế thì chẳng khác nào con cọp muốn tung hoành nơi rừng sâu lại bị nhốt vào trong sở thú. Thế nhưng con hổ Trung Quốc khó lòng thóat khỏi sợi giây trói này. Bởi vì khi anh tuyên bố “Trỗi dậy trong hòa bình” thì điều kiện ắt có của hòa bình là tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu không tuân thủ luật pháp quốc tế mà dùng luật của kẻ mạnh thi không thế nói “Hòa bình”. Đây là điều Trung Quốc khó ăn khó nói, khó giải thích với thế giới. Trong mấy tháng qua rất nhiều cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông đã diễn ra với chiều hướng vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc hiểu điều đó và đây có thể là lý do rút giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên dù rút giàn khoan nhưng tham vọng vẫn còn nguyên đó. Chiến thuật có thay đổi nhưng mục tiêu không hề thay đổi cho đến khi Trung Quốc hủy bỏ Đường Lưỡi Bò và chấp nhận nhờ trọng tài quốc tế phân xử những tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Về mặt chiến lược mà nói việc hủy bỏ Đường Lưỡi Bò hòan tòan có lợi cho Trung Quốc vì nó làm an lòng các quốc gia Đông Nam Á. Sau đó Trung Quốc có thể ngồi vào bàn hội nghị để giải quyết các vùng tranh có chấp thực sự và cùng khai thác chung ở những vùng chồng lấn…thì tôi nghĩ các quốc gia Đông Nam Á sẽ chẳng quan tâm đến chuyện Trung Quốc trỗi dậy để tranh bá đồ vương với Hoa Kỳ. Thế nhưng Hoa Lục lại không làm thế. Việc Trung Quốc đơn phương và ngang ngược công bố Đuờng Lưỡi Bò gom hết 90% Biển Đông về cho mình làm cho các quốc gia Đông Nam Á kinh sợ, từ đó rước Mỹ vào chứ thực sự không quốc gia Đông Nam Á nào muốn Mỹ hiện diện quân sự ở vùng này. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á sẽ là nối nguy về an ninh cho Trung Quốc. Để sinh tồn, Trung Quốc sẽ lấy cớ “tranh chấp chủ quyền biển đảo” để huy động sức mạnh hải quân -thông qua tập trận thường xuyên- để đối phó với Mỹ, thị uy với các quốc gia Đông Nam Á, từ đó Biển Đông sẽ vô cùng căng thẳng. Nếu Philippines không có khả năng tự vệ và các căn cứ Subic Bay, Clark nay thêm Palawan trở thành các căn cứ khổng lồ của Mỹ xuất phát hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, máy bay B-52 như thời Chiến Tranh Việt Nam thì Biển Đông rồi Đông Nam Á sẽ trở thành bãi chiến trường. Do đó cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ còn dai dẳng cho đến khi Hoa Lục và Mỹ thay đổi chiến lược.Trong khi chờ đợi, các nước láng giềng với Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh quốc phòng tự chủ, đoàn kết và luôn luôn cảnh giác. Còn ông tân đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam hứa, “Sẽ làm tất cả để củng cố quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam trong nhiệm kỳ của ông ở Hà Nội” thì hãy cứ nghe và để đó. Phải chăng qua cuộc đụng độ với Việt Nam ở giàn khoan hải Dương 981 Trung Quốc đã “học được bài học” và thay đổi chiến thuật? Quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không gì tốt đẹp hơn và cụ thể hơn là hãy trao trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam và trước mắt hãy ngưng húc, bắn hỏa pháo vào tàu đánh cá và bắt giữ trái phép, giết hại ngư dân Việt Nam làm ăn hợp pháp tại vùng này và xin đừng kéo giàn khoan tới những vùng còn tranh chấp hay vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đào Văn Bình
(California ngày 1/8/2014)
Comments[ 0 ]
Post a Comment