Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang được tăng tốc khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, số lượng tàu hộ tống và giàn khoan được các công ty dầu khí Trung Quốc đặt hàng đã bằng đơn hàng của cả một năm trước đó. Điều này cho thấy, sự hiện diện của giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông mới chỉ là màn dạo đầu cho những năm tiếp theo. Tờ Nhật báo Phố Uôn (Wall Street Journal) của Mỹ số ra gần đây cho biết như vậy.
Giàn khoan dầu trên biển là một trong những “công cụ xâm chiếm Biển Đông” đắc lực của Trung Quốc
Theo tờ báo trên, đơn đặt hàng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các công ty con đã tăng vọt trong nửa năm 2014, nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. “Các giàn khoan mới sẽ lớn tương đương như giàn khoan Hải Dương 981. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đưa hai giàn khoan khác thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông trong hai năm tới”, tờ Nhật báo Phố Uôn cho biết. Tờ báo này còn bình luận rằng, giàn khoan Hải Dương 981 hiện đang được coi là biểu tượng cho sự bế tắc hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo ông Phi-líp An-đriu Xpít (Philip Andrews-Speeds), chuyên gia an ninh năng lượng tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Xin-ga-po, việc tăng giàn khoan đi cùng với mở rộng hạm đội là một phần của chính sách quốc gia, bao gồm cả mục tiêu chính trị và an ninh năng lượng của Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là, một giàn khoan không chỉ đơn thuần chỉ thực hiện nhiệm vụ thăm dò mà còn là một tuyên bố chính trị. “Đây là lý do Trung Quốc cố tình đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của lực lượng lớn các tàu hộ tống dân sự-quân sự”, ông Phi-líp An-đriu Xpít nhận định.
Trong khi đó, mạng tin Philstar.com của Phi-líp-pin ngày 4-8 đưa tin, trong bài giảng cuối tháng 6 tại Trường Đại học De La Salle về tuyên bố yêu sách "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, chuyên viên tư pháp cao cấp thuộc Tòa án Tối cao Phi-líp-pin, An-tô-ni-ô T.Các-pi-ô (Antonio T. Carpio) đã vạch trần 10 điều phi lý trong yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả sự thừa nhận của một giáo sư Trung Quốc rằng, họ sẽ phải thay đổi lập trường.
Theo bài báo trên, Trung Quốc luôn khẳng định rằng, đường lưỡi bò của họ dựa trên luật pháp quốc tế. Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, Trung Quốc đã nhất trí rằng, các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông sẽ được giải quyết phù hợp với những nguyên tắc luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Tất nhiên, không có điều khoản nào trong DOC nói rằng "sự kiện lịch sử" là một căn cứ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Sau khi Phi-líp-pin đệ đơn khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh "sự kiện lịch sử" như một căn cứ yêu sách. "Thần chú" hiện nay của Bắc Kinh nói rằng, đường lưỡi bò là dựa vào "sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế", theo như lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tuy nhiên, chuyên viên An-tô-ni-ô T.Các-pi-ô khẳng định, từ nhà Tống đến nhà Minh đều gọi Biển Đông là biển Giao Chỉ (tên gọi Việt Nam thời kỳ bị Trung Quốc đô hộ). Cho tới thời nhà Thanh cũng như thời kỳ đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn chỉ gọi là biển Nam Hải mà không có từ Trung Quốc.
Bài báo cũng cho biết, một số học giả Trung Quốc vẫn nhận ra rằng, yêu sách đường lưỡi bò của họ không thể đánh giá khách quan dựa trên những "sự kiện lịch sử". Kim Lạn Vinh, một giáo sư từ Trường Đại học Nhân dân (Trung Quốc) từng nói rằng, Trung Quốc nên dành nhiều thời gian hơn để làm rõ yêu sách đường lưỡi bò của mình bởi bây giờ Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước. "Cho Trung Quốc thêm thời gian, họ sẽ phải thay đổi lập trường của mình trong tương lai", ông Kim Lạn Vinh nói.
KIM OANH - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment