Trung Quốc đã thảm bại khi đưa Hải Dương-981 vào Biển Đông
Wednesday, August 6, 2014
Những mưu đồ và kỳ vọng khi triển khai giàn khoan Hải Dương-981 cũng như tăng cường yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc đã không có kết quả như mong đợi.
Theo tác giả Hayton, hành động đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Biển Đông là một thảm họa trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trên tạp chí National Interest, tác giả Bill Hayton nhận định hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Biển Đông đã là một thảm họa trong chính sách ngoại giao.
Bởi chưa có một giọt dầu mới nào được khai thác cho thị trường Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh cũng không thu được vùng lãnh thổ hàng hải mới nào trong khi những lợi thế khu vực lại đang rơi vào tay Mỹ. Ngoài ra, tình đoàn kết trong khối ASEAN cũng ngày càng được củng cố vững chắc và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc thì bị suy yếu nghiêm trọng.
Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã chứng minh không đủ năng lực. Tại sao tất cả mọi thứ lại trở nên sai lầm như vậy?
Theo tác giả Hayton, chúng ta không thể biết giới lãnh đạo Trung Quốc muốn gì khi chấp thuận triển khai Hải Dương-981 cùng hạm đội tàu thuyền hỗ trợ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là hành động đưa giàn khoan ra vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông không đơn giản chỉ là đi tìm và khai thác dầu. Bởi Biển Đông còn rất nhiều khu vực có giếng dầu với trữ lượng lớn hơn nhiều.
Hôm 19/3, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố đơn vị này đã phát hiện một mỏ dầu tầm trung tại vùng biển không tranh chấp nằm gần đảo Hải Nam. Song, quá trình khai thác giếng dầu này đã bị trì hoãn khi Bắc Kinh mở rộng cuộc phiêu lưu của Hải Dương-981 xa hơn xuống khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Thậm chí, hai khu vực Hải Dương-981 di chuyển tới lại đều không có triển vọng tốt về hydorcarbon. Bản báo cáo năm 2013 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy tiềm năng phát hiện nguồn năng lượng tại quần đảo Hoàng Sa là rất thấp. Do đó, có thể khẳng định CNOOC, tập đoàn chuyên khai thác năng lượng ngoài khơi dày dặn kinh nghiệm nhất tại Trung Quốc, đã không tham gia vào quá trình khám phá, tìm kiếm nguồn năng lượng.
Mặc dù, chi nhánh COSL của CNOOC chịu trách nhiệm vận hành giàn khoan Hải Dương-981 nhưng toàn bộ hoạt động lại nằm dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Và CNPC lại dường như chưa có kinh nghiệm gì trong việc khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Hôm 15/7, Trung Quốc đã kéo Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và kéo về sát đảo Hải Nam để tránh bão Rammasun. Mặc dù, CNPC thông báo giàn khoan này đã tìm thấy hydrocarbon nhưng từ chối công bố thêm chi tiết và số lượng thăm dò được.
Ông Hayton nhấn mạnh điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không bao giờ thương mại hóa được hoạt động khai thác của Hải Dương-981 tại khu vực này vì 2 lý do là kỹ thuật và chính trị. Do đó, hoạt động của Hải Dương-981 không chỉ nhằm tìm kiếm và khai thác dầu.
Một động cơ được chính phủ Trung Quốc cẩn trọng loại bỏ là việc tránh đánh thức tư tưởng dân tộc chủ nghĩa quốc gia. Như nhà nghiên cứu Australia Andrew Chubb nhận định những tin tức liên quan tới các vụ va chạm giữa hạm đội bảo vệ trái phép cho giàn khoan Hải Dương-981 và lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam hoàn toàn không được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc sau nhiều tuần xảy ra sự việc.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Việt Nam.
Tuy nhiên, chắc chắn hành động Trung Quốc lai dắt Hải Dương-981 vào Biển Đông còn mang một mục đích chính trị khác bởi nó được thực hiện theo một kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo cao nhất.
Giới chức Trung Quốc cho biết Hải Dương-981 đã được đưa tới khu vực khai thác vào ngày 3/5, đúng 1 tuần trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Myanmar. Có lẽ, Bắc Kinh đã hy vọng lặp lại thành công chia rẽ ASEAN như tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012. Trong sự kiện này, Campuchia đã phủ quyết tham gia tuyên bố chung để mặc Philippines và Việt Nam cô độc giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh hy vọng lặp lại điều tương tự tại quần đảo Hoàng Sa thì họ đã nhầm. Bởi các quốc gia ASEAN đã cùng đồng lòng thống nhất và đưa ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc có những hành động kiềm chế.
Đây là lần đầu tiên, giới lãnh đạo ASEAN cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc khi yêu sách trên quần đảo Hoàng Sa bởi lâu nay khu vực này được xem là vùng tranh chấp song phương giữa Bắc Kinh và Hà Nội, chứ không như quần đảo Trường Sa vốn là nơi tuyên bố chủ quyền của 5 quốc gia ASEAN bao gồm Indonesia. Nhà nghiên cứu Andrew Chubb nhấn mạnh sự đồng lòng của các nước trong khối ASEAN còn có tác động mạnh mẽ hơn cả những tuyên bố từ Washington với Trung Quốc.
Một số nhà bình luận cho rằng hành động của Trung Quốc là minh chứng cho chiến thuật "tằm ăn rỗi", khi từng bước một xâm chiếm các vùng biển trên Biển Đông mà không gây sự chú ý quá lớn.
Song, nếu đây là chiến thuật mà Trung Quốc đang vận dụng thì họ đã thất bại bởi một khi rút giàn khoan Hải Dương-981 đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không thể lặp lại hành động này. Khả năng Bộ chính trị Trung Quốc cho rằng một tuyên bố quả quyết kiểm soát đường biển sẽ giúp quốc gia này khẳng định chủ quyền với những hòn đảo mà họ nhắm tới. Tuy nhiên, phản ứng cứng rắn của Việt Nam lại là sự kiểm chứng khá tốt.
Nhà phân tích Australia Hugh White nhấn mạnh mục đích của Trung Quốc khi khơi mào các cuộc đối đầu là làm suy yếu mối liên kết an ninh giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á.
"Bằng cách dùng vũ lực để đối đầu với những người bạn của Mỹ, Trung Quốc muốn Washington lựa chọn giữa việc từ bỏ tình bạn hay chiến đấu với Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng khi phải đối mặt với sự lựa chọn, Mỹ sẽ phải chùn bước và ngừng hỗ trợ cho các đồng minh và bạn bè. Từ đó, mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ bị suy yếu, khiến năng lực của Washington tại châu Á bị giảm trong khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng", ông White chia sẻ.
Do Việt Nam hiện không phải là đồng minh của Mỹ và Trung Quốc đã quyết định chọn Việt Nam làm mục tiêu. Song, Bắc Kinh đã lãnh hậu quả không mong chờ khi đẩy Hà Nội gắn kết hơn với Washington.
Tác giả Hayton cho rằng về ngắn hạn, dù Trung Quốc hy vọng đạt được gì từ việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 hay yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, thì đều không có kết quả. Bởi chính sách mà Trung Quốc đang áp dụng trên Biển Đông đang phản ánh các mối ưu tiên nội bộ hơn là mang tính đối ngoại. Trong thời gian tới, Biển Đông sẽ trở thành đầu tư khổng lồ của chính phủ Trung Quốc cho một số tỉnh thành, các ban ngành chính phủ và công ty nhà nước.
Tàu cá Trung Quốc tiến ra Biển Đông vơ vét nguồn cá.
Cách đây 20 năm, ông John Garver đã cho rằng việc Hải quân Trung Quốc được điều động ra Biển Đông đã thể hiện "mối tương tác giữa lợi ích quốc gia và giới quan chức trong nước". Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cũng là điểm mấu chốt quyết định quy mô hoạt động của Hải quân nước này.
Nhận định trên cũng đang được áp dụng tại một số tỉnh miền nam Trung Quốc. Điển hình, Hải Nam vốn là tỉnh nhỏ nhất tại Trung Quốc và nền kinh tế nghèo khó do chỉ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Hải Nam đã đẩy mạnh nỗ lực phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá và nhận được nguồn hỗ trợ lớn từ chính phủ để trang bị các tàu cá mới.
Như thông tin được Reuters đăng tải hồi tháng trước, hàng trăm thậm chí là hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã nhận được khoản hỗ trợ từ 300 – 500 USD/ngày khi đánh bắt tại các vùng biển tranh chấp. Một thuyền trưởng tàu cá còn tiết lộ: "Chính quyền hỗ trợ hoạt động đánh cá tại Biển Đông để bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Ngoài ra, các công ty khai thác dầu mỏ Trung Quốc còn tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án trên Biển Đông. Hồi tháng 5/2012, thời điểm CNOOC cho ra mắt giàn khoan Hải Dương-981, chủ tịch của tập đoàn này đã đưa ra tuyên bố rằng đây là "lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược" của Trung Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
MINH THU (lược dịch)
INFONET.VN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment