Việc chấm dứt thế bế tắc chính trị ở đất nước chùa Tháp sẽ mang lại những hy vọng và cơ hội mới để từ đó tiếp tục ổn định và phát triển.
Chủ tịch CNRP và Thủ tướng Hunsen bắt tay nhau tuyên bố bế tắc chính trị được giải quyết
Ngày 8/8/2014, Quốc hội Campuchia đã tiến hành phiên họp bất thường với sự tham dự của các nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin.
Đây là lần đầu tiên 55 nghị sỹ Đảng CNRP dự họp sau hơn 10 tháng tẩy chay Quốc hội.
Tại phiên họp, Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch CPP và Chủ tịch CNRP Sam Rainsy đã tuyên bố chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hậu bầu cử tại đất nước này.
Tại cuộc họp lần này, nghị sĩ hai đảng đã thông qua sửa đổi điều 6 mới của Quy chế hoạt động nội bộ của Quốc hội để thành lập thêm uỷ ban thứ 10 của Quốc hội là “Uỷ ban Điều tra và Chống tham nhũng”.
Và sau cuộc họp, nhóm công tác của hai đảng sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện bộ máy lãnh đạo Quốc hội phù hợp với thoả thuận cấp cao giữa hai đảng ngày 22/7. Theo đó, trong 13 uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch, 2 phó Chủ tịch Quốc hội và 10 Chủ nhiệm Uỷ ban. CPP có 7 uỷ viên, 6 uỷ viên còn lại thuộc về CNRP. Chủ nhiệm 10 uỷ ban của Quốc hội sẽ được chia đều cho hai đảng và Chủ tịch thứ nhất Quốc hội sẽ thuộc về đảng CNRP.
Chiều 5/8, 55 nghị sỹ đảng CNRP đối lập đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc Vương Norodom Sihamoni. Trả lời phỏng vấn sau đó, Chủ tịch CNRP Sam Rainsy tuyên bố CNRP đã thực hiện cam kết theo thoả thuận cấp cao.
Trước đó, ngày 28/7, Quốc hội Campuchia đã triệu tập một phiên họp bất thường để chính thức xác nhận Chủ tịch đảng CNRP đối lập, ông Sam Rainsy là một nghị sỹ đắc cử của CNRP thay cho nghị sỹ đắc cử của CNRP là ông Kuoy Bunroeun đã rút lui trước đó.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái, đảng CPP giành được 68/123 ghế nghị sỹ, CNRP giành được 55 ghế còn lại. Tuy vậy, các nghị sỹ CNRP cho rằng Quốc hội đã gian lận bầu cử và yêu cầu tổ chức bầu cử lại nhưng các đòi hỏi của CNRP đều bị CPP bác bỏ. CNRP đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đường phố để phản đối khiến chính trị Campuchia rơi vào bế tắc.
Tháng 6/2014, Thủ tướng Hun Sen trong một buổi phát biểu trước các thương binh tại tỉnh Kampot đã từng khẳng định rằng mọi bế tắc chính trị sẽ được giải quyết nếu CNRP tham gia Quốc hội. Ông nêu rõ rằng, nếu CNRP không tham gia Quốc hội thì CPP cầm quyền sẽ tiếp tục lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia đến hết nhiệm kỳ vào năm 2018.
Và sau nhiều lần đàm phán, hai đảng đã đạt thoả thuận cấp cao chấm dứt bế tắc chính trị vào ngày 22/7 vừa qua với các nội dung như: Cải cách Uỷ ban bầu cử quốc gia (NEC) hợp Hiến với sự thông qua của hai đảng, phân chia quyền lực trong Quốc hội và quyết liệt chống tham nhũng, bầu cử Quốc hội vào tháng 2/2018 thay vì đúng ra phải được tổ chức vào 7/2018….
Trước đó, hai bên cũng đã bất đồng trong vấn đề cải cách NEC mặc dù đều thừa nhận đây là một cơ chế thuộc Hiến pháp. Trong khi CPP đề nghị việc thông qua thành phần NEC chỉ cần một tỷ lệ 50% + 1 tại Quốc hội thì CNRP nhất quyết đòi phải đạt tỷ lệ 2/3.
Chủ tịch CNRP Sam Rainsy cũng đã từng tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng: “CNRP phản đối cuộc bầu cử vào tháng 2/2018 trong cuộc điện đàm với ông Hun Sen bởi vì điều đó là chưa đủ. Ban đầu chúng tôi muốn sớm hơn vào giữa nhiệm kỳ, tức vào đầu năm 2016 nhưng sau đó chúng tôi đã nhượng bộ sớm hơn ít nhất một năm, tức vào tháng 7/2017”.
Phát biểu trước báo giới sau phiên họp Quốc hội ngày 8/8, ông Sam Rainsny tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một năm qua liên quan tới kết quả bầu cử hồi tháng 7/2013 đã kết thúc.
Việc chấm dứt thế bế tắc chính trị ở Campuchia được xem là sẽ mang lại những hy vọng và cơ hội mới để đất nước chùa Tháp tiếp tục ổn định và phát triển./.
Quỳnh Anh (Tổng hợp)
Comments[ 0 ]
Post a Comment