Dự báo những điểm nóng thế giới 2015
Saturday, February 21, 2015
Châu Á- Thái Bình Dương, chủ nghĩa khủng bố Trung Đông, châu Âu hay căng thẳng Đông – Tây tiếp tục là những điểm nóng năm 2015.
Bloomberg minh họa kịch bản đụng độ xảy ra giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với các nước láng giềng trên Biển Đông năm 2015
Gia tăng xung đột ở châu Á- Thái Bình Dương
Trong năm qua, căng thẳng đã gia tăng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Quan hệ “êm đềm” giữa Đài Loan và đại lục đã diễn ra trong 6 năm qua, nhưng các cuộc bầu cử gần đây và sắp tới có thể khiến căng thẳng gia tăng. Đặc biệt, sau vụ tấn công mạng vào Sony Pictures, Triều Tiên đã gánh chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và sự đáp trả của Triều Tiên là khó dự đoán trước.
Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì thái độ cứng rắn trên các vấn đề chủ quyền, nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông vẫn có thể tái diễn trong năm 2015. "Trong năm sắp tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy Giấc mộng Trung Hoa ra các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cũng sẽ không kém phần kiên quyết trên vấn đề chủ quyền."
Sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc khiến Mỹ và các nước cường quốc khác lo ngại. Trong năm 2015, Washington vẫn sẽ tiếp tục xoay trục về châu Á, thông qua việc tăng cường quan hệ với đồng minh và các nước có mâu thuẫn về chủ quyền với Bắc Kinh, đặc biệt là thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào giữa năm.
Nhật Bản cũng được cho là một nhân tố bất định tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2015, đặc biệt sau chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe. Quyết tâm thay đổi Hiến pháp Hòa bình và tăng cường sức mạnh quân đội của ông Abe sẽ tạo tiền đề Nhật Bản chuyển mình từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị - quân sự, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung vẫn đang căng thẳng xoay quanh vấn đề chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư.
Cái bắt tay lạnh nhạt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abbe tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 11/2014 là tiếng chuông dự báo viễn cảnh nhiều sóng gió giữa hai cường quốc này trong thời gian tới.
Do đó, năm 2015 châu Á có thể bùng nổ sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc với ngư dân trên Biển Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ trên khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Sự leo thang đụng độ này sẽ lôi kéo các đồng minh vào, và châm ngòi cho căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc, theo dự đoán của Bloomberg.
Khủng hoảng Ukraine và quan hệ giữa Nga, Mỹ và EU
Một trong những di sản nặng nề mà năm 2014 để lại cho năm 2015 là cuộc khủng hoảng Ukraine và dẫn tới việc Mỹ và phương Tây cấm vận Nga.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, cả nước Nga và phương Tây sẽ phải đương đầu với một năm vô cùng khó khăn. Lý do là, việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng đang gây ra nhiều "phản ứng phụ" cho chính nền kinh tế châu Âu.
Đồng thời, việc Nghị viện Ukraine hủy bỏ quy chế trung lập, mở đường cho nước này gia nhập EU và cả NATO cùng với việc giá dầu sụt giảm thê thảm, kéo theo việc đồng Rúp mất giá trầm trọng khiến nền kinh tế Nga được dự đoán là sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới có thể sẽ là nhân tố khiến Tổng thống Putin tiếp tục đường lối đối ngoại cứng rắn.Trong dịp năm mới 2015, Tổng thống Putin đã gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho thấy việc Moscow đang tìm kiếm một sự bình đẳng trong quan hệ song phương Nga - Mỹ trong năm mới này.
Về phía EU và Mỹ, vai "kẻ đấm, người xoa" có thể được luân phiên thay đổi nhằm tìm cách giảm thiểu phản ứng mạnh mẽ từ Nga, tạo cảm giác "cải thiện" quan hệ bề ngoài, trong khi vẫn đạt mục tiêu là làm suy yếu và đẩy lui ảnh hưởng của Nga.
Khủng bố gia tăng tại Trung Đông
Năm 2014 chứng kiến sự lớn mạnh của tổ chức Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đang kiểm soát một khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Iraq và Syria với sự tàn bạo và khắc nghiệt.
Theo Phó Chủ tịch thuộc Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế Marwan Muasher, “Tình hình ở Syria và Iraq có thể tiếp tục tội tệ hơn. IS không thể bị đánh bại nếu Mỹ và đồng minh không triển khai lực lượng trên bộ hoặc đào tạo và trang bị cho lực lượng quân sự của Iraq và Syria.” Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama phản đối cách tiếp cận này, thậm chí còn không đồng ý bố trí nhân viên quân sự Mỹ trong quân đội Iraq để tiện cho việc hiệp đồng tác chiến.
Hãng tin CNBC của Mỹ cũng dự đoán, sẽ rất khó cho lực lượng Liên quân do Mỹ đứng đầu tiêu diệu hoàn toàn được phiến quân IS bằng các cuộc không kích, bởi nhóm khủng bố này đang ra sức củng cố các lãnh thổ đã chiếm được và không ngần ngại ra tay dã man với các con tin để làm "chùn tay" các đối thủ.
"Phong trào khủng bố cực đoan tại Trung Đông sẽ trở nên thường xuyên hơn vào năm 2015. Các tổ chức cực đoan như IS sẽ tiếp tục phát triển về cả tầm vóc, quy mô và sự giàu có. Các nhóm phiến quân trên khắp Trung Đông đã bắt đầu áp dụng mô hình này, đánh dấu sự gia tăng một xu hướng được dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới", bà Lina Khatib, giám đốc Chương trình Cải cách và Dân chủ hóa Arab thuộc Đại học Stanford, nhận định.
Lấy cảm hứng từ IS, các nhóm cực đoan khác ở Syria đã tăng cường bạo lực như một cách giành lấy “danh tiếng”, nguồn tài trợ và thành viên tham gia.
Chính vì vậy, chủ nghĩa cực đoan sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn với sự ổn định của Trung Đông, sẽ không chỉ dừng lại ở các khu vực xung đột như Iraq, Libya và Syria, mà còn có thể sẽ lan rộng ra Ai Cập, Algeria, Tunisia, nơi các lực lượng thánh chiến tìm cách phá vỡ nguyên trạng, cũng như Yemen và Lebanon, những nơi sự quản lí của luật pháp còn yếu kém", bà Khatib kết luận.
Ngoài ra, thế giới còn phải chứng kiến những điểm nóng khác trên thế giới năm 2015, như vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, “miếng bánh Bắc Cực” giữa Mỹ, Nga, Canada và Na Uy (từ ngày 15/12/2014, Đan Mạch đã đệ đơn lên Liên Hợp quốc đăng ký chủ quyền với một phần vùng Bắc Cực), điểm nóng bờ Tây cùng những rủi ro về kinh tế - tài chính như giá dầu giảm ảnh hưởng đến kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ, vai trò của Mỹ trên thế giới có thể bị suy giảm khi năm 2015 là năm chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống 2016...
Chủ nghĩa cực đoan lan rộng tại châu Âu
Vụ xả súng đẫm máu tại tòa báo Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng ngày 7/1 và vụ đột kích của cảnh sát đặc nhiệm Bỉ vào nhóm Hồi giáo cực đoan tại Verviers, đập tan “âm mưu khủng bố Paris thứ 2” tại Bỉ ngày 15/1đã dấy lên nhiều quan ngại về sự lên ngôi của tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại châu Âu.
Một nguồn tin tình báo phương Tây đã chia sẻ với với đài CNN rằng có khoảng 20 tổ chức, gồm tổng cộng 120-180 thành viên, sẵn sàng tấn công vào các nước Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan. Theo các chuyên gia, nỗi lo khủng bố tại châu Âu đang ngày càng hiện hữu, bởi ước tính có hơn 3.000 thanh niên châu Âu sẽ trở về sau khi tham chiến tại Syria và Iraq, đặt ra những thách thức an ninh không hề nhỏ đối với khu vực.
Cựu Thủ tướng Pháp Francois Filloncho rằng: “Đây là một cuộc khủng hoảng thế giới và cần phải xem xét lại những phản ứng hiện nay. Điều này có nghĩa là những học thuyết của thế kỷ 20 đã không còn phù hợp và có thể nói là đã thất bại trong việc ngăn chặn sự nổi lên và gia tăng tư tưởng cực đoan của những kẻ khủng bố.”
Ngày 11/1, hơn 40 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đã cùng xuống đường với Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc tuần hành chống chủ nghĩa cực đoan tại Paris để thể hiện tinh thần đoàn kết sau các vụ tấn công khủng bố tại Pháp. Vào ngày 19/01, Ngoại trưởng 28 nước cuả Liên minh Châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Bruxelles để thảo luận về các sự cố và tìm ra đối sách chung. Trong năm 2015, châu Âu sẽ tập trung phần lớn vào cuộc chiến chống khủng bố cũng như thực thi chiến dịch chống bài Hồi giáo nhằm ngăn chặn sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo trong khu vực.
An Bình-Báo Tổ Quốc
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment