Trung Quốc tham vọng xây dựng hạm đội tàu sân bay
Thursday, February 12, 2015
Sức mạnh quân sự, kinh tế và vị thế của Trung Quốc được nâng cao với các tàu sân bay được bí mật xây dựng nội địa.
Mô hình đồ họa tàu sân bay quốc nội Trung Quốc
Thông tin trên mạng xã hội SinaWeibo của quan chức phòng thông tin chính quyền thành phố Thường Châu và “Nhật báo buổi tối Thường Châu” ngày 31/1 cho biết, Tập đoàn cáp Jiangsu Shangshang thành phố “đã trúng thầu cung cấp dây cáp cho con tàu sân bay thứ hai”. Ngày 1/2, các trang mạng của Trung Quốc dồn dập đưa tin xung quanh việc “giới quan chức lần đầu chính thức xác nhận” đang chế tạo tàu sân bay thứ hai của nước này.
Trước đó, tờ China Daily cũng thông tin về việc nước này “sẽ có hơn một tàu sân bay” theo phát biểu của Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc, ông Song Xue vào tháng 4/2013. Ông Wang Min, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, từng tiết lộ tương tự, rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để hoàn tất tàu sân bay thứ hai vào khoảng năm 2020.
Theo các dự đoán, Trung Quốc đã đồng thời lên kế hoạch đóng hai tàu sân bay từ năm 2013. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai sẽ được đóng trong 6 năm tại thành phố cảng Đại Liên trong khi con tàu thứ ba được thi công tại Thượng Hải. Cả 2 con tàu này được triển khai theo dự án mà Trung Quốc phát triển trên cơ sở đề án 1143.5 của Liên Xô.
Tuy nhiên, theo trang mạng Tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga tháng 7/2014 cho biết, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mang mã số 001A (số hiệu 18), có trọng tải lớn hơn 5% so với tàu sân bay Liêu Ninh (có trọng tải 53.000 tấn). Tàu sân bay tiếp theo mang mã số 002 với trọng tải lên tới 61.351 tấn được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng - Thượng Hải. Đây có khả năng sẽ là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc với 4 máy phóng hơi nước, nhiều gấp đôi so với 001A.
Trước đó, trang qianzhan.com của Trung Quốc cho biết, từ 2017 đến 2020, Trung Quốc sẽ đóng 2 tàu sân bay để bảo vệ các con đường biển thương mại huyết mạch. Các dàn phóng máy bay điện từ trên tàu sân bay sẽ dài hơn 100m, sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính liền mạch, được hỗ trợ bởi hệ thống cung cấp điện và kiểm soát hoạt động phức tạp. Một bộ phận quan trọng là hệ thống lưu trữ năng lượng có khả năng lưu trữ tới 120MJ cần thiết để phóng một máy bay trong vòng 45s.
Cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ trong khu vực
Dù Trung Quốc không giấu giếm tham vọng tăng cường năng lực hải quân và lực lượng tàu sân bay, hiện chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động với vai trò hỗ trợ đạo tạo, nhưng sự rò rỉ thông tin trên là một lời nhắc nhở về sự gia tăng sức mạnh hải quân và động thái quyết đoán của Trung Quốc trước các tuyên bố về lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong thời gian gần đây.
Mới đây, tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời chuyên gia quốc phòng Trung Quốc Tào Vệ Đông cho hay, nếu Bắc Kinh sở hữu 4 tàu sân bay, trong đó 2 chiếc ở Biển Đông và 2 chiếc ở miền Bắc Trung Quốc, thì những tàu này mới có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Dù chưa được xác nhận chính thức, ông Tào Vệ Đông cho biết Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ và cần 4 tàu sân bay để đáp ứng nhu cầu hiện tại của mình, đặc biệt là để triển khai ở Biển Đông.
Bộ quốc phòng Trung Quốc cuối tháng 1 vừa qua đã tuyên bố rằng huấn luyện quân sự của Trung Quốc trong năm nay sẽ tập trung vào việc "nâng cao năng lực chiến đấu" để giành chiến thắng trong các cuộc "chiến tranh khu vực", gồm các xung đột về tranh chấp lãnh thổ.
Cũng theo một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, thì “Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng chỉ có duy nhất 1 tàu sân bay, được tân trang lại từ chiến hạm của Liên Xô, điều này là không phù hợp với sức mạnh kinh tế của đất nước. Trung Quốc được định hướng để xây dựng nhiều tàu sân bay hơn.
Tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
Các tàu sân bay đều được đóng mới tại nội địa. Đây được coi là động thái nhằm tăng cường sức mạnh quân sự nói chung và hải quân nói riêng trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á.
Trong tháng 11/2014, một ủy ban của Quốc hội Mỹ dự đoán rằng hải quân Trung Quốc sẽ có nhiều tàu quân sự hơn so với Mỹ, và cảnh báo rằng "sự cân bằng quyền lực và sự hiện diện" ở châu Á đã và đang chuyển dịch theo định hướng của Trung Quốc.
Được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ nước này, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang được củng cố và mở rộng. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc được ước tính đã đạt 180 triệu USD năm 2014. Dù chi tiết phân bổ cho các lực lượng quân sự không được đề cập nhưng chắc chắc rằng ngân sách cho lực lượng hải quân là đáng kể.
Con số 180 triệu USD này chỉ chiếm 1/3 chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2014, nhưng cần lưu ý rằng ngân sách này chỉ được dùng để giành quyền kiểm soát các vùng biển ngoài khơi của nước này so với hoạt động quân sự trải rộng của Mỹ. Bên cạnh đó, khoảng cách về ngân sách quốc phòng giữa hai nước đang được thu hẹp. Trong khi, Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2 con số, năm 2014, tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng của nước này là trên 12% thì chi tiêu quốc phòng của Mỹ liên tiếp bị cắt giảm sâu trong nhiều năm qua. PLAN hiện tại có 190 tàu chiến lớn và có thể vượt qua Hải quân Mỹ về số tàu vào năm 2020. PLAN cũng đang triển khai đưa tàu ngầm chạy diesel và tàu chiến trên biển ra biển với số lượng lớn.
Xây dựng cường quốc biển và con đường tơ lụa trên biển
Trong diễn văn khai mạc Đại hội đảng lần thứ 18, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và biến Trung Quốc thành “một cường quốc biển”. Với vai trò kế nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nỗ lực thúc đẩy chủ trương này. Trong một bài phát biểu trước các quan chức hàng đầu Trung Quốc, ông Tập cho rằng: “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn để thu được lợi ích từ biển, hiểu rõ về biển cũng như có chiến lược quản lí biển, từ đó tiếp tục thúc đẩy nỗ lực để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải.”
Hiện nay, các công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các cảng ở Biển Đông với Ấn Độ Dương, bao gồm bờ biển châu Phi, như là một phần của con đường tơ lụa trên biển. Trong khi có nhiều tranh luận về việc liệu các cảng biển thương mại này cuối cùng có nhằm để phục vụ cho hoạt động của PLAN, thì chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tìm cách triển khai sức mạnh hải quân tại các khu vực này để phục vụ cho lợi ích kinh tế quốc gia - đặc biệt là khi con đường tơ lụa trên biển hiện nay được cho rằng sẽ đi qua một số vùng biển nguy hiểm gần Somali.
An Bình-Báo Tổ Quốc
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment