Ấn Độ trong cuộc chơi tay ba với Mỹ và Trung Quốc (I)
Tuesday, February 3, 2015
Sau khi phát triển quan hệ với Mỹ lên một bước mới, Ấn Độ triển khai quan hệ với Trung Quốc.
Nữ Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj thăm Trung Quốc từ ngày 31/1 đến ngày 3/2. Người đứng đầu ngành ngoại giao đã đưa ra một đề xuất 6 điểm nhằm mở rộng quan hệ Ấn-Trung để mở ra “thế kỷ châu Á”. Ngoại trưởng Ấn Độ đã đề nghị hai nước mở rộng quan hệ hợp tác song phương chủ chốt, hội tụ những điểm chung, các mối quan tâm khu vực và toàn cầu, phát triển những lĩnh vực hợp tác mới, tăng cường thông tin chiến lược, thực hiện những khát vọng chung để mở ra một “thế kỷ châu Á”. Về quan hệ quốc phòng, Ngoại trưởng Swaraj khẳng định hai bên đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thiết lập và mở rộng tiếp xúc, trao đổi quốc phòng, trong đó có cả tiếp xúc qua biên giới.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên cao cấp chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tới Trung Quốc kể từ khi ông Modi lên cầm quyền tháng 5/2014. Chuyến thăm này để đáp lễ chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 6/2014, một tháng sau khi chính phủ Modi thành lập, và còn có thể để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Trung Quốc đáp lễ chuyến thăm Ấn Độ cuả Chủ tịch Tập Cận Bình 4 tháng sau khi ông Modi lên cầm quyền. Trung Quốc đã tỏ cử chỉ tranh thủ Ấn Độ ở mức cao nhất như vậy là để lôi kéo Ấn Độ tiếp tục chính sách “trung dung” như dưới thời Thủ tướng của Đảng Quốc Đại Manmohan Singh, làm cho Ấn Độ chập chững trong quan hệ với Mỹ.
Giới quan sát quốc tế có thể dễ dàng chẩn đoán những bước phát triển tiếp theo của quan hệ Ấn-Trung sau khi Narandra Modi thực hiện nền ngoại giao nước lớn với việc củng cố và tăng cường quan hệ Ấn-Mỹ lên một bước phát triển mới. Vị tiền nhiệm, ông Manmohan Singh, là thủ tướng Ấn Độ công du nước ngoài nhiều nhất, nhưng ông không thúc đẩy được quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ lên một bước đáng kể nào. Việc tăng cường quan hệ Ấn-Mỹ lên một bước cao hơn rõ ràng sẽ tạo cho chính quyền Modi thực hiện quan hệ với Trung Quốc trên một tư thế thận lợi hơn.
Trung Quốc đã điều tàu ngầm hạt nhân đến đậu tải cảng của Sril Lanca do Trung Quốc thi công xây dựng, gây quan ngại cho an ninh của Ấn Độ
Cùng chung mối quan ngại
Chỉ 2 ngày trước khi ngoại trưởng Ấn Độ đến Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyến bố Trung Quốc sẽ đẩy mạnh triển khai hàng loạt tàu chiến tại Ấn Độ Dương. Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết việc hải quân Trung Quốc cử các tàu ngầm tới Ấn Độ Dương là điều “bình thường”.
Nhưng người Ấn Độ thì không cho là “bình thường” mà bày tỏ quan ngại việc tàu chiến Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại khu vực an ninh truyền thống của Ấn Độ - nước có 7517 km bờ biển tại Ấn Độ Dương cùng rất nhiều lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh tại các vùng biển này.
Theo Thời báo New York, khi Tổng thống Barack Obama tới thăm Ấn Độ trong các ngày 25-27/1 vừa rồi, tổng thống Mỹ và các cố vấn đã ngạc nhiên khi thấy đánh giá của Thủ tướng Modi về sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc là rất giống với Washington. Nhà lãnh đạo Ấn Độ dường như ngày càng quan ngại về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Ông Modi cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc tìm kiếm một cách tiếp cận thống nhất giữa hai nước nhằm đối phó với những nỗ lực của Trung Quốc. Theo tờ báo nêu trên, khi Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi hội đàm, chỉ có một vấn đề duy nhất được thảo luận, đó là “vấn đề Trung Quốc”.
Gây dựng lòng tin chiến lược
Chuyến thăm Mỹ tháng 9 năm ngoái cho Washington nhận thức rõ về khả năng của thủ tướng mới của Ấn Độ. Chính quyền Obama nhận ra sau những năm đáng thất vọng dưới thời Manmohan Singh, họ đã có một người sẵn sàng đối thoại, hiểu rõ tầm quan trọng của việc cân bằng phương trình Mỹ-Ấn và sẵn sàng hành động với nguồn vốn chính trị to lớn.
Điều quan trọng, tư tưởng bài Mỹ trong nền chính trị Ấn Độ cũng đã biến mất. Nhóm thủ cựu trong đảng Dân tộc Ấn giáo (Blwowcjcuar ông Modi từng gây khó khăn cho quá trình thương thảo thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ năm 2006, và đưa ra bộ luật trách nhiệm trong tai nạn hạt nhân gây ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ. Cả 3 phe tả, hữu và trung dung ở Ấn Độ đều bất đồng trong vấn đề này. Khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến Pakistan, Afghanistan hay Trung Quốc thì Mỹ được xem là đối tác số 1, tuy nhiên nếu nhà lãnh đạo Ấn Độ nào dám nói rằng quan hệ đối tác tốt đẹp với Mỹ là có lợi cho Ấn Độ thì sẽ bị tấn công dữ dội. Đảng của chính Thủ tướng lúc bấy giờ, ông Manmohan Singh đã cản trở nỗ lực kí kết thỏa thuận hạt nhân nhiều hơn cả phe đối lập.
Narandra Modi đã chấm dứt những điều vô lí đó. Cái bắt tay chặt giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy hiện nay hai nước hoàn toàn đồng quan điểm về mặt chiến lược. Thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa hai nước bị đóng băng trong 8 năm qua giờ đã đạt được một bước tiến lớn. Các công ty Mỹ giờ đây đã có thể cung cấp công nghệ hạt nhân cho Ấn Độ, Mỹ sẽ đầu tư xây dựng ít nhất 8 lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ Ấn Độ. Hai bên đã đồng ý gia hạn Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng và lên kế hoạch triển khai 4 dự án lớn thuộc Chương trình trao đổi công nghệ quốc phòng (DTTI). Các dự án trên bao gồm việc liên doanh sản xuất và nghiên cứu phát triển liên quan tới máy bay phản lực và hàng không mẫu hạm.
Có thể thấy lãnh đạo hai bên đang xem xét quan hệ Mỹ-Ấn trong bối cảnh chiến lược rộng lớn của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Quan hệ song phương sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, với một nước Ấn Độ tự tin, sẵn sàng vượt qua quá khứ và nỗi ám ảnh của chính mình, liên kết mạnh hơn với Mỹ sẽ ở vị thế tốt để thực hiện cuộc chơi bình đẳng hơn với Trung Quốc./.
Người bình luận - Báo Tổ Quốc
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment