Anh sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự đến biển Đông và biển Hoa Đông nếu căng thẳng trong khu vực làm tình hình an ninh xấu đi.
Hải quân Anh từng triển khai tàu sân bay HMS Illustrious đến biển Đông tham gia cứu trợ thảm họa bão Haiyan năm 2013 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đưa ra trong bài phát biểu về sự can dự của Anh ở khu vực tại một hội thảo do Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam tổ chức ở Singapore ngày 30.1. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng của nước Anh còn lưu ý “sự thừa mứa các yêu sách chủ quyền vẫn quấy rầy khu vực” và nói ông thất vọng với tốc độ chậm chạp của quá trình hòa giải lịch sử bất chấp sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng gia tăng.
Nhắc lại bối cảnh Thế chiến 1 ở châu Âu, ông cảnh báo sự kết nối kinh tế không đảm bảo khu vực sẽ không có nguy cơ bị chia tách bởi sự thù địch chiến lược. “Nhiều người ở trong và ngoài châu Á đang lo lắng quan sát giữa lúc căng thẳng chính trị và chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở Đông Á”, ông nói.
Ông Hammond nói mặc dù Anh không có lập trường về các tranh chấp nổi cộm ở biển Đông và Hoa Đông, tuy nhiên nước này phản đối một trật tự dựa trên sức mạnh ở châu Á và các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.
“Điều then chốt đối với ổn định khu vực và sự toàn vẹn của hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ là các tranh chấp khu vực được giải quyết thông qua đối thoại và theo luật pháp quốc tế chứ không phải bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”, ông nói.
Theo ông Hammond, Anh có lợi ích quan trọng đối với an ninh châu Á dựa vào dòng chảy thương mại trị giá 4.520 tỉ USD qua biển Đông hằng năm. Do vậy, Anh vẫn trung thành với hiệp ước an ninh đa phương được biết với tên gọi Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (Five Powers Defence Arrangements - FPDA) cùng Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore. “Sự cam kết đó có ý nghĩa rằng chúng tôi sẵn sàng và có khả năng huy động lực lượng để hỗ trợ các đồng minh, bạn bè và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương”, ông Hammond nói.
Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường
Theo nhà báo Ridzwan Rahmat của chuyên san Jane’s Navy International, bài phát biểu của ông Hammond ở Singapore có lẽ là lần đầu tiên FPDA được đề cập đến cùng lúc với các tranh chấp ở biển Đông. Được thiết lập vào năm 1971, FPDA vẫn là hiệp ước phòng thủ đa phương chính thức duy nhất ở Đông Nam Á hiện nay. Tuy nhiên, do sự mơ hồ trong các điều khoản của hiệp ước, FPDA từng được mô tả là một liên minh khiêm tốn và một học giả thậm chí gọi đây là “tổ chức an ninh khu vực vô danh của Đông Nam Á”.
FPDA ra đời như một hiệp ước quá độ nhằm bảo vệ Malaysia và Singapore cho tới khi các quốc gia mới thành lập lúc đó đủ khả năng bảo vệ chính họ trong bối cảnh đối đầu quân sự mức độ thấp với một Indonesia đầy tham vọng của Tổng thống Sukarno. Sau khi Liên bang Mã Lai (sau là Liên bang Malaysia) giành độc lập năm 1957, các thỏa thuận an ninh không chính thức trước đó với thực dân Anh được thay thế bằng Hiệp ước Phòng thủ Anh - Mã Lai.
Theo đó, Anh, Úc và New Zealand được đóng quân ở căn cứ Butterworth (Mã Lai/Malaysia) và Singapore. Khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, hai thuộc địa cũ này đồng ý không phân chia hiệp ước. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1960, khi chính phủ của đảng Lao động ở Anh tuyên bố rút quân khỏi “phía đông Suez”, quan ngại đã gia tăng do năng lực quốc phòng của Malaysia và Singapore còn rất yếu.
Cuộc đàm phán chính thức giữa 5 quốc gia về việc bảo vệ Malaysia và Singapore được khởi động ở Kuala Lumpur vào tháng 6.1968 và tiếp diễn ở Canberra vào năm sau. Cả Úc và New Zealand đều muốn giữ lại mối quan hệ quốc phòng với Malaysia và Singapore. Do vậy, họ bắt đầu thảo luận về việc tiến hành cuộc tập trận lớn có tên Ex BERSATU PADU nhằm kiểm tra khả năng thực thi các thỏa thuận quốc phòng tiềm tàng mà không có mặt Anh. Tuy nhiên, đến tháng 6.1970, đảng Bảo thủ trở lại cầm quyền ở Anh và trấn an các nước trong khu vực rằng London sẽ duy trì sự hiện diện quân sự khiêm tốn ở Viễn Đông.
Ex BERSATU PADU sau đó trở thành một cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của 3 lữ đoàn, 42 tàu chiến và 200 máy bay. Hải quân Singapore lúc này yếu đến nỗi không thể cử chiếc tàu nào tham gia. Ngày 11.2.1971, đại bản doanh của Hệ thống Phòng không kết hợp (IADS) được thiết lập tại căn cứ Butterworth. Tháng 4.1971, bộ trưởng quốc phòng 5 nước họp ở London và thống nhất đưa ra một thông cáo sau này trở thành tiền đề cho FPDA. Theo đó, trong trường hợp nảy sinh mối đe dọa hoặc cuộc tấn công vũ lực vào Malaysia và Singapore, các bên sẽ lập tức tiến hành tham vấn để quyết định các biện pháp đáp trả chung hoặc riêng lẻ. Theo các chuyên gia, quy định của FPDA tạo nên “sự mơ hồ chiến lược” do nó không tự động xem cuộc tấn công vào nước thành viên là cuộc tấn công vào cả nhóm như Hiệp ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng cơ chế tham vấn tạo ra “sự răn đe tâm lý” bởi bất kỳ quốc gia tấn công nào cũng sẽ phải tính toán đến trường hợp cả 5 thành viên cùng đáp trả.
Bối cảnh an ninh mới
Mặc dù nguy cơ xung đột quân sự giữa các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đã được xua tan, FPDA tồn tại như một cấu trúc an ninh và được phát triển để đảm nhận vai trò rộng lớn hơn như là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và chống cướp biển. Trong bài phát biểu tại Singapore, ông Hammond đã nhắc lại việc hải quân Anh tham gia cứu trợ thảm họa bão Haiyan ở Philippines và tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH-370 của Hãng Malaysia Airlines như là các ví dụ cho sự sẵn sàng triển khai lực lượng đến khu vực.
Phát biểu của ông về phản ứng của nước Anh theo khuôn khổ FPDA nếu lợi ích trong khu vực bị đe dọa phản ánh những thông điệp trong Báo cáo về an ninh biển và chiến lược quốc gia của Anh xuất bản hồi tháng 5.2014, vốn nhấn mạnh “lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng của Anh ở châu Á - Thái Bình Dương” và sự quan ngại đặc biệt về vấn đề an ninh ở biển Đông.
Theo tờ Jane’s Navy International, lập trường của Anh gợi ý FPDA có thể chứng kiến một bước phát triển mới trong mục đích khi các bên ký kết viện dẫn lại cam kết trong bối cảnh nguy cơ an ninh mới. Malaysia, một trong 5 thành viên của FPDA, hiện là một nước có tranh chấp ở biển Đông và những động thái khó lường của Trung Quốc ở khu vực càng củng cố ý nghĩa của FPDA như là yếu tố quan trọng cho việc phòng thủ Malaysia. Một nước muốn tấn công Malaysia hay Singapore sẽ phải cân nhắc phản ứng đáp trả của Úc, New Zealand và Anh. Và một khi Úc và Anh can dự, nước tấn công còn phải tính đến khả năng lực lượng Mỹ can thiệp để hỗ trợ các đồng minh của họ.
Căn cứ Butterworth
Đại bản doanh Hệ thống Phòng không kết hợp (IADS) đặt tại căn cứ Butterworth ở bang Penang của Malaysia là yếu tố nổi bật nhất của Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường. IADS do một thiếu tướng không quân Úc chỉ huy, với sự góp mặt của lực lượng đến từ 5 nước. Ban đầu, IADS được thiết lập với mục đích phòng không cho Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, theo thời gian, IADS được nâng cấp thành Hệ thống Phòng thủ khu vực kết hợp, với sự tham gia của cả hải quân và lục quân. Đây cũng là trung tâm chỉ huy những cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện của các thành viên FPDA.
Comments[ 0 ]
Post a Comment