Thời sự Biển Đông đầu năm 2015
Thursday, February 12, 2015
Trung Quốc tiếp tục dùng mọi thủ đoạn kinh tế, quân sự để tăng cường kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc tích cực bồi đắp bãi Chữ Thập, dự tính hoàn thành sân bay quân sự trong 1-2 năm tới (ảnh trên), thành căn cứ tiền tiêu lớn nhất Trường Sa (mô hình ở trang ngoài)
Trong năm 2015, nhiều khả năng Trung Quốc vẫn tiếp tục gây áp lực lên các nước nhằm khẳng định chủ quyền về “Đường 9 đoạn”.
Thiết lập ADIZ chỉ là vấn đề thời gian
Tại Hội thảo ngày 29/1 ở Washington “Châu Á-Thái Bình Dương, những dự báo cho năm 2015”, một điểm đặc biệt được bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – một cơ quan nghiên cứu chiến lược tại Washington, đưa ra là Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Bà này nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc thấy giật mình trước những làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam khi họ triển khai Giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Hoàng Sa và vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vì thế, Bắc Kinh sẽ thận trọng và nhạy cảm hơn đối với các mối quan ngại của Hà Nội. Trung Quốc lo ngại rằng hành vi của họ đã bắt đầu đẩy Việt Nam lại gần Mỹ hơn - điều mà họ không hề muốn thấy”.
Bà Bonnie Glaser cho rằng, Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế, quân sự đối với một số quốc gia trong khu vực, nhưng việc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam là điều khó có khả năng xảy ra. Khi nhắc đến những đồn đoán về việc Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) ở Biển Đông, bà Bonnie Glaser cho rằng câu hỏi nên đặt ra ở đây không phải là “Liệu có hay không?” mà phải là “Khi nào thì việc này xảy ra”. Bà Glaser nói: “Không quân Trung Quốc chắc chắn muốn có sự hiện diện của ADIZ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Rõ ràng, họ có kế hoạch cho điều này”.
Trong khi đó, một vấn đề có thể ảnh hưởng tới mối quan tâm của Trung Quốc tới ASEAN và Biển Đông là khả năng căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan bùng nổ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Phe đối lập chống Trung Quốc của Đài Loan dường như đang trên đà thắng thế. Chuyên gia Christopher Johnson của CSIS cho rằng do căng thẳng với Đài Loan lên cao, Bắc Kinh sẽ tập trung vào vấn đề với Đài Loan, và gác chuyện Biển Đông sang một bên.
Về vai trò của Mỹ, theo bà Bonnie Glaser, Washington sẽ tiếp tục giữ vai trò “trung dung” trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Cùng lúc đó, Mỹ cũng hỗ trợ các nước - đặc biệt là Philippines và Việt Nam - trong vấn đề hàng hải, đồng thời gây một chút áp lực lên Trung Quốc nhằm khiến họ hợp tác với ASEAN trong việc hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm 3 tàu cá Philippines
Trong một bản thông cáo công bố ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Philippines đã tố cáo một loạt hành vi quá đáng của tàu Trung Quốc tại khu vực bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông. Về sự cố thứ nhất, Manila cho biết là hôm 29/1, một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc mang ký hiệu 3412 đã cố ý đâm vào ba chiếc tàu cá mang cờ Philippines tại vùng biển gần bãi Scarborough Shoal mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc hay Panatag. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hành vi của tàu Trung Quốc đã gây thiệt hại vật chất và đe dọa sinh mạng của ngư dân trên tàu cá. Philippines “cực lực phản đối các hành động liên tiếp của Trung Quốc nhằm sách nhiễu và ngăn cản không cho ngư dân sinh nhai một cách hợp pháp trong khu vực đó”.
Về sự cố thứ hai, Bộ Ngoại giao Philippines nêu báo cáo của Lực lượng Tuần duyên của nước này, cho biết vào ngày 22/1, có ít nhất 24 chiếc tàu thuyền tiện ích của Trung Quốc thu vét các loại trai khổng lồ bên trong đầm phá của bãi Scarborough. Bộ Ngoại giao Philippines “cực lực phản đối các hành vi hủy diệt và và bất hợp pháp đó” vì việc đánh bắt loài trai khổng lồ, thuộc diện sinh vật biển bị đe dọa nhiều nhất, sẽ phá hủy các rạn san hô và dẫn đến sự phá hủy vĩnh viễn của chính bãi cạn Scarborough.
Sức ép thương mại không thể gây khó cho Philippines
Mạng Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 4/2 dẫn nguồn mạng Real Clear Word của Mỹ với tựa đề: “Trung Quốc sẽ dùng kinh tế để củng cố lợi ích ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Các nhà phân tích đa số đã xem nhẹ động thái thương mại giữa Trung Quốc và các nước đương sự khác xung quanh Biển Đông, nhưng thực tế ngược lại.
Ví dụ, Việt Nam nỗ lực mở rộng đa dạng hóa đối tác nhập khẩu của nước này nhưng mức nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng 18,9%. Philippines chịu áp lực của Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu của Philippines sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng trưởng 12,4%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines.
Trung Quốc sẽ nhanh chóng sử dụng thành công sức mạnh kinh tế của nước này để củng cố quyền và lợi ích của họ ở các đảo, đá Biển Đông. Trung Quốc thông qua thực lực kinh tế của mình để đạt được mục tiêu đó. Cùng với việc tăng cường về tiềm lực toàn diện, thương mại đã trở thành công cụ chính sách ngoại giao Trung Quốc, điều này sẽ còn tiếp diễn.
Dù là Tổng thống Aquino cũng không cho rằng tranh chấp lãnh thổ Biển Đông sẽ dẫn tới xung đột vũ trang bởi vì chẳng có ai muốn hy sinh luồng thương mại khổng lồ của khu vực này. Bởi vậy, cho dù giữa các nước đương sự có các loại tranh chấp có thể nổ ra, tình hình an ninh khu vực này cho dù không ổn định nhưng hòa bình sẽ chiếm ưu thế.
Báo Hoàn cầu không thể che đậy thực tế, Trung Quốc không từ bất kỳ thủ đoạn nào để phục vụ mục tiêu đối ngoại của họ, là kinh tế hay quân sự. Họ luôn tạo bất ngờ và tiến hành những việc khó dự đoán. Bất chấp sức ép kinh tế của Trung Quốc, kinh tế Philippines đã phục hồi, đưa mức tăng trưởng năm 2014 lên 6,1%, tỷ lệ nhanh nhất châu Á sau Trung Quốc. Năm 2015, Tổng thống Aquino đang muốn nâng tỷ lệ này lên 7% - 8%, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến chậm lại ở mức khoảng 7%./.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment