H-6K và phát triển mới của tình hình Biển Đông
Friday, February 27, 2015
Dư luận quốc tế phê phán việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa thành các căn cứ quân sự khống chế Biển Đông.
Tầm hoạt động của máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6K sẽ vươn tới Australia và các căn cứ quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến một đơn vị không quân ở Tây An hôm 17/2 liên hệ đến những phát triển của tình hình Biển Đông. Căn cứ không quân Tây An hiện đang sở hữu cả 3 biến thể của H-6 vào đã thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia phương Tây. Những thay đổi và những nâng cấp mới tạo cho H-6K thành phiên bản mới nhất của mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm trung này.
Bán kính chiến đấu của H-6K là 1800 km. Với bán kính này nếu đặt ở căn cứ đại lục, chỉ có thể hoạt động tới gần Trường Sa trong một thời gian ngắn. Tầm bắn của tên lửa hành trình trang bị cho H-6K khoảng 2500 km. Nếu được điều ra bãi Chữ Thập, tầm hoạt động của nó cho phép vươn tới gần căn cứ quân sự Mỹ ở Darwin (Australia), dĩ nhiên là bao phủ các nước Đông Nam Á hải đảo và đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phòng lái H-6K, cố tình khoe mẫu hàng mới của không quân Trung Quốc
H-6K sẽ được điều ra căn cứ không quân ở bãi Chữ Thập
Biển Đông hiện ít được nhắc tới, song đây chỉ là sự yên bình giả tạo. Báo Làn sóng Đức khẳng định Trung Quốc đang ngày một đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo để tạo ra các yếu tố cho cuộc tranh chấp về lãnh thổ với các nước láng giềng. Kể từ mùa Hè năm 2014, Trung Quốc đã triển khai các công việc trên bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc phía Tây quần đảo Trường Sa. Trang tin Đức dẫn lời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) và tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng ở đây và với chiều dài tầm 3 km, đường băng này thậm chí có thể dùng cho cả loại máy bay ném bom tầm xa H-6.
Trong khi tại bãi đá Gaven (Gaven Riff) thuộc phía Bắc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành công việc xây cất với tốc độ chóng mặt từ tháng 3/2014 và tới nay đã tạo thành một khu vực rộng trên 115.000 m2. Các chuyên gia luật nhận định việc Trung Quốc nhanh chóng thực hiện hoạt động này là nhằm tạo ra các yếu tố để tranh chấp lãnh thổ, song theo luật quốc tế, những đảo nhân tạo như vậy không thể lấy làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền.
Tại bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Trung Quốc cũng xây dựng một đường băng, song quá ngắn cho các mục đích chiến lược. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện công việc xây dựng tương tự trên bãi đá Tư Nghĩa (Hugh Riff). DW nhận định Trung Quốc rõ ràng đã phát triển một bộ quy chuẩn về xây dựng các đảo nhân tạo.
Báo Liên bang của Thụy Sĩ cũng đăng bài phê phán Trung Quốc xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm tạo các yếu tố trong cuộc tranh chấp chủ quyền của nước này với các nước láng giềng. Bài báo dẫn các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm củng cố vị trí của mình ở biển Đông, trong đó có tiến hành xây cất trên ba đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa - nơi từ nhiều năm nay là điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Bài báo dẫn các nguồn tin cho biết riêng tại bãi đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đã xây dựng một đảo nhân tạo có diện tích rộng bằng 14 sân bóng đá. Đảo này gồm một xưởng bê tông, một sân đỗ cho máy bay trực thăng và hai cầu tàu. Bài báo dẫn các phân tích cho rằng Trung Quốc xây dựng các pháo đài trên đảo là nhằm tăng cường việc kiểm soát trên biển và trên không. Máy bay Trung Quốc có thể dễ dàng cất cánh từ đất liền để bay tuần tiễu ở biển Hoa Đông, song khó có thể làm như vậy với biển Đông. Tuy nhiên, với các cơ sở mới xây nêu trên, không quân Trung Quốc có thể sử dụng cho mục đích tiếp nhiên liệu cho máy bay.
Bài báo cũng cho biết công việc xây dựng được bắt đầu từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc và việc xây dựng này đã được đẩy mạnh đặc biệt trong 12 tháng qua. Những điều này đi ngược với cam kết của Bắc Kinh về tránh những hành động gây hấn ở biển Đông.
Báo NZZ của Thụy Sĩ cũng đăng bài tố cáo âm mưu tạo nên những “sự đã rồi” của Trung Quốc ở biển Đông. Theo bài báo, chính quyền Trung Quốc không muốn ai nói về tham vọng chủ quyền của họ ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Bài báo dẫn các nguồn tin báo chí và quân sự cho biết tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn. Những bức ảnh vệ tinh chụp cách nhau vài tháng đã cho thấy rõ điều này. Theo bài báo, Bắc Kinh muốn coi các đảo nhân tạo ở biển Đông là những sở hữu thực tế cho tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, luật về lãnh thổ trên biển chỉ công nhận những vùng đất tự nhiên, chứ không phải các đảo nhân tạo.
Thách thức pháp lý của việc Trung Quốc xây dựng đảo biển
Mạng tin trực tuyến của Trung tâm nghiên cứu Chính trị chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington mới đây đăng bài viết “Thách thức pháp lý của việc Trung Quốc xây dựng đảo biển” của học giả Gregory Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á và Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương tại CSIS, với nội dung như sau:
Những ai theo dõi sát tình hình Biển Đông đều không khỏi lo ngại về khả năng Trung Quốc phát triển quân sự khi tiến hành việc xây dựng đảo biển chưa từng thấy trong suốt năm qua. Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng hạ tầng cơ sở, các bến tàu và ít nhất một đường băng máy bay tại khu vực Quần đảo Trường Sa nhằm mục đích tăng cường khả năng kiểm soát và giám sát sẽ khiến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên phức tạp. Các quốc gia cùng có khiếu nại chủ quyền và chính phủ các nước khác cũng cần nhận thấy rằng chiến dịch xây dựng đảo biển của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới những triển vọng pháp lý trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp.
Tháng 6/2014, Chính phủ Philippines đã công bố những bức ảnh cho thấy Trung Quốc nạo vét cát ở đáy biển và tìm cách mở rộng năm bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã chiếm trước đây ở Quần đảo Trường Sa gồm: Đá Châu Viên (Cuarteron), Đá Én Đất (Eldad), Đá Ga Ven (Gaven), Đá Tư Nghĩa (Hughes) và Đá Gạc Ma (Johnson). Sau đó là bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng và cải tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) để xây dựng đường băng thứ 4 tại khu vực quần đảo nêu trên và gần đây nhất việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo tại Đá Vành khăn (Mischief Reef).
Hầu hết những hoạt động mở rộng xây dựng và cải tạo nêu trên của Trung Quốc đều được khẳng định bằng những hình ảnh của Công ty Tư vấn và Phân tích quốc phòng toàn cầu IHS Jane's và bằng thông tin tại hiện trường của hãng tin BBC. Trong số những địa điểm Trung Quốc đang tiến hành mở rộng cải tạo, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa và Đá Vành khăn là ba địa điểm mà trước đó Philippines đã đề nghị Tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague tuyên bố là các "bãi nổi khi triều xuống". Ba địa điểm khác gồm Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập và Đá Gạc Ma cũng thuộc danh sách mà Philippines đã đề nghị Tòa án Trọng tài Quốc tế tuyên bố hợp pháp là "các tảng đá", chứ không phải là "các đảo". Những định nghĩa này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài nhằm giải quyết xung đột ở Trường Sa, bởi vì định nghĩa này xác định rõ ràng những quyền lợi trên biển mà mỗi thực thể tạo ra. Một "bãi nổi khi triều xuống" không tạo ra lãnh hải, không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hoặc thềm lục địa, và không thể được tuyên bố là lãnh thổ về mặt pháp lý.
Về mặt pháp lý, “bãi nổi khi triều xuống” là phần của đáy biển và ảnh hưởng thực tế duy nhất của nó đối với hệ thống biển là nếu nó nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý kể từ một thực thể khác, thì nó có thể được coi như đường cơ sở để từ đó tiến hành việc đo giới hạn của các thực thể đá hoặc đảo. Một tảng đá, khác với một “đảo” ở chỗ nó không thể duy trì sự cư trú độc lập của con người hoặc đời sống kinh tế, mà nó chỉ tạo ra một lãnh hải, song không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Malaysia sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Năm 2015, Malaysia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Nhận định về những vấn đề chính mà Malaysia sẽ phải giải quyết trong năm nay trên cương vị này, ông Murray Hiebert - Phó Giám đốc và cũng là chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Mỹ - cho biết Malaysia đang rất quan ngại về các động thái của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc tiến sâu về phía Nam và tiến hành nhiều hoạt động ở bãi cạn James ngay ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia. Vì vậy, vấn đề này chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự năm nay của ASEAN.
Tuy nhiên, ông Hiebert cho biết Malaysia vẫn đang cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc và không muốn phải đối đầu căng thẳng với Bắc Kinh, vì vậy nhiều khả năng Malaysia sẽ phối hợp với các nước thành viên khác trong ASEAN, chứ không đơn phương hành động, để giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông tại các diễn đàn ASEAN năm nay.
Ông Hiebert cho rằng nếu Trung Quốc có hành động thực sự khiêu khích với ASEAN thì dư luận có thể hy vọng Malaysia sẽ là một người chơi có trách nhiệm và tìm cách thảo luận vấn đề theo cách thỏa mãn cả Philippines lẫn Việt Nam - hai trong số những nước có tranh chấp khá căng thẳng với Trung Quốc. Ông Hiebert khẳng định Malaysia sẽ không tìm cách che giấu vấn đề chỉ bởi vì nước này thân thiện với Trung Quốc.
Năm 2015 sẽ chứng kiến nỗ lực lớn của Trung Quốc tăng cường khả năng răn đe quân sự, tăng cường sức mạnh cứng để giải quyết vấn đề Biển Đông trên thế mạnh.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment