Đối sách ngoại giao khôn khéo của chính quyền Modi trong cuộc chơi quyền lực Mỹ-Trung đã tạo lợi thế cho Ấn Độ triển khai quan hệ với Trung Quốc.
Mỹ và Ấn Độ ngày càng tăng cường quan hệ để đối trọng lại sự mở rộng quân sự của Trung Quốc tại vòng cung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Chuyến thăm của ông Obama tới New Delhi từ 25-27/1 để lại dấu ấn quan trọng cho quan hệ Mỹ-Ấn. Bản Tuyên bố “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn - Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương” là một văn kiện quan trọng, ắt hẳn làm Bắc Kinh khó chịu. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc đã phá lệ về lễ tân nhà nước khi tiếp ngoại trưởng Ấn Độ. Thường thì chỉ Thủ tướng tiếp bộ trưởng ngoại giao nước ngoài đến thăm Trung Quốc. Như thế, chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Ấn Độ và những thỏa thuận của chuyến thăm này đã nâng vị thế ngoại giao của Ấn Độ, làm cho Trung Quốc chú trọng tranh thủ Ấn Độ hơn. Đó là đối sách ngoại giao khôn khéo của chính quyền Modi trong chơi ván bài cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nhân tố có tầm quan trọng toàn cầu trong các ván bài quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy rằng, như báo the Hindustan Times nhận xét, Bộ trưởng Swaraj đã “lát con đường lụa” cho chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng Năm tới. Dự kiến, ông Modi sẽ bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 26/5/2015, tròn một năm Chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) của ông lên nắm quyền lãnh đạo.
Quan hệ với Mỹ - đòn bẩy mới của chính sách đối ngoại Ấn Độ
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Swaraj diễn ra ngay sau khi Ấn Độ và Mỹ ra Tuyên bố về “tầm nhìn chiến lược chung” nhằm phản ứng trước những thách thức về kinh tế, ngoại giao và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các nhà phân tích cho rằng Tuyên bố đã đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng của Ấn Độ trong chính sách từng được xác định “không làm thế lực cân bằng đáng tin cậy trong khu vực”. Từ năm 2012, Mỹ đã hối thúc Ấn Độ trở thành một “bánh răng” trong chiến lược quân sự châu Á - Thái Bình Dương của Washington, nhưng bị khước từ.
Bản tuyên bố chung Ấn-Mỹ là sự kết hợp của hai dự án mang tính chiến lược hướng tới khu vực Đông Á. Bản tuyên bố đã nói đến chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và nỗ lực tái cân bằng ở châu Á của Mỹ, và “cơ hội cho Ấn Độ, Mỹ và các nước khác ở Châu Á-Thái Bình Dương hợp tác chặt chẽ để tăng cường các mối liên kết khu vực”. Trong bản tuyên bố chung tháng 9/2014 không có giọng điệu như thế này. Điều 6 trong bản tuyên bố chung nhấn mạnh đến sự hợp tác đa dạng giữa Mỹ và Ấn Độ: “tham vấn chiến lược, hợp tác sâu rộng hơn trong quốc phòng, an ninh và kinh tế”. Mỹ chỉ đưa hợp tác quốc phòng/an ninh lên trước kinh tế với các đồng minh thực sự.
Bản tuyên bố chung hứa hẹn các cơ hội đầu tư và thương mại mới. Cụm từ “thỏa thuận đầu tư song phương” xuất hiện lần này mà tuyên bố ở Washington tháng 9/2014 không có, cho thấy hai nước đang tỏ ra nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ kinh tế.
Sáng kiến thương mại và công nghệ quốc phòng (DTTI) một lần nữa xuất hiện. Tháng 9/2014, lãnh đạo hai bên tuyên bố “sẽ đối xử với nhau như với một đối tác tin cậy nhất” trong các vấn đề “chuyển giao công nghệ quốc phòng, buôn bán, nghiên cứu, hợp tác sản xuất và phát triển. Sáng kiến này phù hợp với kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng tự lực của Ấn Độ, tăng số lượng khí tài quân sự được sản xuất trên chính nước Ấn Độ. Chương trình “Make in India” được nhắc đến trong việc hợp tác sản xuất quốc phòng.
Một số thỏa thuận buôn bán khí tài quân sự đã được hoàn thành trước chuyến thăm của Obama: hợp tác sản xuất các bộ phận và hệ thống của máy bay C-130 và máy bay không người lái RQ-11 Raven. Ấn Độ sẽ nhận 6 máy bay C-130 trong năm 2017.
Chuyến thăm này là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quan hệ Mỹ-Ấn sẽ đi theo một quỹ đạo tích cực trong năm nay. Hai bên đang có những toan tính giống nhau về mặt chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc. Trước đây Ấn Độ nằm ở vị trí thấp trong ưu tiên đối ngoại của Mỹ, người Ấn Độ cũng có nghi ngờ về ý đồ của Mỹ với Ấn Độ cho nên quan hệ hai bên không có tiến triển gì nhiều. Chuyến thăm của Obama và Modi cho thấy hai bên mong muốn cải thiện quan hệ một cách nghiêm túc.
Tất nhiên, điều này phù hợp với thực tiễn mới của tình hình Ấn Độ Dương, khi Trung Quốc phát động Con đường tơ lụa trên biển (MSR). Thực chất MSR là nỗ lực của Trung Quốc nhằm “xoay trục” sang Ấn Độ Dương, củng cố “chuỗi ngọc trai” ở hai bờ đại dương này và thâm nhập sâu rộng vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Mỹ và Ấn Độ cho đến nay vẫn kiểm soát Ấn Độ Dương. Nhưng Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại các vùng biển này, buộc hai nước phải phối hợp chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, Trung-Ấn mới chỉ bắt đầu./.
Người bình luận- Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment