Dấu ấn ngoại giao Việt Nam 2014
Saturday, February 21, 2015
Ngoại giao Việt Nam 2014 đã thành công trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, kinh tế đối ngoại cũng như ngoại giao song phương, đa phương.
Ngành ngoại giao Việt Nam 2014 đã giải quyết khéo léo việc giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD-981) được Trung Quốc hạ đăt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Trong năm 2014, tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn xảy ra tác động tới môi trường hòa bình an ninh, đặc biệt là vấn đề an ninh, phát triển của Việt Nam. Hoạt động đối ngoại của đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân năm 2014 rất sôi động, chủ động, tích cực đóng góp vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của Việt Nam.
Giải quyết tranh chấp biển Đông
Ngày 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD-981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam. Sang ngày 2/5, Hải Dương 981 đã hạ đặt trái phép sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Ngày 27/5, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan trái phép Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian hạ đặt trái phép giàn khoan, lực lượng Trung Quốc đã chủ động khiêu khích, phun vòi rồng, thực hiện nhiều vụ đâm va làm hỏng hơn 20 tàu Việt Nam. Đến ngày 15/7, Hải Dương 981 đã buộc phải rút về nước.
Ngành ngoại giao Việt Nam đã có quan điểm nhất quán và cách hành xử khéo léo trong giải quyết vấn đề Biển Đông, triển khai rất tích cực hoạt động đối ngoại để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, tiến hành hơn 40 cuộc giao tiếp và trao đổi với phía Trung Quốc ở các cấp, các ngành. Trên mọi diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam đã giành được sự đồng tình, ủng hộ của thế giới với lập trường chính nghĩa trong vấn đề Biển Đông, kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 khai mạc ngày11/5/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng đã ra lời kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Nhiều quốc gia, tổ chức lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đặc biệt, trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã nỗ lực duy trì đoàn kết và lập trường chung trong vấn đề Biển Đông. Năm 2014, ASEAN đã ra Tuyên bố về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh không sử dụng vũ lực để tranh chấp, kêu gọi thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, sớm thúc đẩy ký kết Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hoạt động kinh tế đối ngoại sôi nổi
Năm 2014, tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam có những bước tiến quan trọng. Việt Nam đã hoàn tất 2/6 đàm phán FTA, gồm FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, đồng thời duy trì đà tiến trong đàm phán của các Hiệp định thương mại tự do quan trọng khác, trong đó có FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cả hai Hiệp định thương mại quan trọng này đều bước vào giai đoạn cuối cùng và dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong quý 1/2015.
Hoạt động kinh tế đối ngoại Việt Nam trong năm qua diễn ra chủ động, tích cực, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt trên 150 tỷ USD. Nhiều đối tác đã cam kết tiếp tục giữ hỗ trợ cho Việt Nam, EU đã cam kết 400 triệu euro cho giai đoạn 2014-2020 và Nhật Bản là 150 tỷ yên cho năm 2015. Việt Nam cũng đã vận động thêm được 12 đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường, đạt số lượng cao nhất trong 5 năm qua.
Ngoại giao song phương, đa phương
Trong năm qua, Việt Nam đã làm sâu sắc mối quan hệ với 14 quan hệ đối tác chiến lược, 11 quan hệ đối tác toàn diện mà Việt Nam đã xác lập khuôn khổ quan hệ từ trước, một cách có trọng tâm, trọng điểm thông qua ngoại giao cấp cao, ngoại giao nguyên thủ. Đối với chuyến thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 23 đến 26/11, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Dmitry Mosyakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - châu Úc và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương – Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng: “Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện quan trọng, vì nó vừa có tính thực tiễn trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, và vừa có tính biểu tượng. Việc lãnh đạo Việt Nam đi thăm, không chỉ thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với Nga, mà còn tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ cùng có lợi giữa Nga và Việt Nam.”
Đặc biệt, nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Mỹ từ ngày 1 đến 2/10/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là một thành quả đối ngoại quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với một nước lớn.
Và chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 10 đã được giới truyền thông châu Âu đánh giá cao. Đài truyền hình Đức Deutsche Welle tin rằng, chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Âu cũng như thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.
Trong năm 2014, Việt Nam cũng đã cử đặc phái viên cấp cao sang Trung Quốc; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, Campuchia; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, Hàn Quốc, dự Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với các nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam cũng lần đầu tiên được đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương như thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), thành viên Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO và chuẩn bị đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 vào năm 2015.
Bảo hộ quyền công dân tại các điểm nóng chiến sự
Bộ Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo hộ, sơ tán công dân Việt Nam tại các vùng có xung đột. Với nỗ lực đàm phán, thuyết phục của Đại sứ quán Việt Nam, chính phủ Ai Cập, Tunisia đã chấp thuận mở cửa khẩu biên giới tiếp nhận công dân Việt Nam được quá cảnh về nước. Việt Nam đã hỗ trợ thành công đưa hơn 1.700 công nhân trở về nước khi tình hình chiến sự ở Lybia xảy ra.
Tại vùng chiến sự miền Đông Ukraine, có khoảng 300 công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Khi tranh chấp xảy ra thì Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ với cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đó về những việc cần làm và kịp thời có các biện pháp đưa những người Việt Nam sinh sống ở đó đi sang những vùng yên tĩnh hơn.
Đối với các lao động bị lạm dụng tại Saudi Arabia, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã vào cuộc để bảo hộ những người lao động Việt Nam hợp pháp, hỗ trợ cho 7 người lao động Việt Nam ở Saudi Arabia về nước và ngày 31/12 vừa qua, thêm 13 người lao động nữa cũng đã được đưa về nước.
An Bình-Báo Tổ Quốc
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment