Hình thành các nguyên tắc giải quyết xung đột Biển Đông
Saturday, February 7, 2015
Các tuyên bố chung cấp cao Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã định hình nội dung bảo đảm an ninh hàng hải, xung đột biển ở Đông Á.
Cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn "Malabar-2011", tháng 4/2011, tại Tây Thái Bình Dương trong nỗ lực tăng cường phối hợp hải quân tại vòng cung Ấn-Thái
Trong tuyên bố chung ngày 30/9/2014 giữa Mỹ và Ấn Độ nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ Modi thăm Washington, lần đầu tiên hai nước chính thức tuyên bố ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa vào Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Bản tuyên bố nêu rõ: “Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama khẳng định sự quan tâm chung trong việc gìn giữ hòa bình và sự ổn định trong khu vực – 2 yếu tố mấu chốt đối với sự thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai bên chia sẻ quan ngại đối với tình hình căng thẳng do tranh chấp biển đảo đang gia tăng, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải, tự do hàng hải và chuyến bay trong không phận quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông. Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để hiện thực hóa yêu sách của mình. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển”.
Bản Tuyên bố chung Mỹ-Ấn ngày 25/01/2015, nhân dịp Tổng thống Obama thăm New Dehli, tuy không trực tiếp đề cập đến Biển Đông, nhưng những nguyên tắc đều liên quan đến vùng biển này. Bản Tuyên bố có đoạn viết: “Công nhận tầm quan trọng của hai nước trong việc đem lại hòa bình, thịnh vượng, ổn định và an ninh cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lưu ý rằng chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và chính sách tái cân bằng sang châu Á của Mỹ tạo ra cơ hội cho Ấn Độ, Mỹ và các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác hợp tác chặt chẽ để tăng cường các mối liên kết khu vực, các nhà lãnh đạo đã đưa ra một Tuyên bố chung về Tầm nhìn Chiến lược để làm khuôn khổ cho các hoạt động trong khu vực”.
Tại bản Tầm nhìn Chiến lược Mỹ-Ấn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, công bố ngày 25/01/2015, hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Mỹ một lần nữa đề cập đến Biển Đông. Văn kiện này có đoạn: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải, cũng như quyền tự do của các chuyến bay trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông... (Hai nước) “kêu gọi các bên liên quan không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS”. Hai nước sẽ “hợp tác chặt chẽ với các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác thông qua tham vấn, đối thoại và tập trận”. Câu tiếp theo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ 3 bên Mỹ-Ấn-Nhật trong việc hợp tác an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Việc nhà lãnh đạo Ấn Độ cam kết vào các nguyên tắc giải quyết xung đột Biển Đông là một phát triển quan trọng của tư duy đối ngoại của chính quyền mới. Ấn Độ đã ra khỏi thời kỳ dấu mình. Chủ trương “Hành động hướng Đông” đã có nội dung tích cực và chủ động. Nó là sự lên tiếng của Ấn Độ trước những nỗ lực của của Trung Quốc “xoay trục” sang Ấn Độ Dương, trong một đại chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR). MSR bồi bổ cho “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đồng thời Ấn Độ và Mỹ đã đặt cơ sở cho sự hợp tác an ninh hàng hải tại Biển Đông.
Người ta nhớ lại, bản Tuyên bố chung Mỹ-Nhật ngày 25/4/2014, khi Tổng thống Obama thăm Tokyo, đã có đoạn quan trọng đề cập đến Biển Đông: “Với tư cách là các quốc gia biển tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu, Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự biển dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và bay trong không phận quốc tế. Hai bên quan ngại sâu sắc về các hoạt động gần đây làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, ví dụ như việc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông…
Ở Biển Đông, chúng tôi kêu gọi các nước có liên quan làm rõ cơ sở của các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Hai nước ủng hộ các nỗ lực thành lập Bộ quy tắc ứng xử (COC) như một cách làm giảm khả năng xảy ra va chạm. Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao và pháp lý (bao gồm thủ tục trọng tài quốc tế) để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”.
Như vậy các nguyên tắc nước lớn giải quyết cuộc xung đột Biển Đông đang dần dần hình thành. Những điểm chung nhất của các nguyên tắc ấy dần dà sẽ tạo khung nội dung cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các bên liên quan tại Biển Đông. Trung Quốc không thể cứ một mình “múa gậy vườn hoang” ở Biển Đông./.
Hoài Nam- Báo Tổ Quốc
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment