Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với việc điều chỉnh trật tự chiến lược mới của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
16 nền kinh tế hậu Trung Quốc, trong đó có Việt Nam
Mạng tin tình báo tư nhân của Mỹ Stratfor mới đây đưa ra dự báo tình hình 10 năm tới (2015-2025) đối với một số khu vực địa chính trị - kinh tế trọng điểm của thế giới. Cứ 5 năm một lần Stratfor lại đưa ra một dự báo 10 năm như vậy và đây là lần dự báo thứ năm.
Trung Quốc tập quyền chính trị và kinh tế
Trung Quốc đã chấm dứt giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh dựa trên mức lương thấp. Quá trình thiết lập và tổ chức một cơ cấu kinh tế để giải quyết số lao động lương thấp đó sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, Trung Quốc đã bình thường hóa (normalized) nền kinh tế, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan từng làm. Sự mở rộng quy mô tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm và quy luật vận động của nền kinh tế Trung Quốc cũng thay đổi.
Vấn đề đối với Trung Quốc trong 10 năm tới là hậu quả chính trị và xã hội của những thay đổi ấy. Vùng duyên hải đã phát triển dựa trên tốc độ tăng trưởng cao và mối liên kết chặt chẽ với các khách hàng châu Âu và Mỹ. Khi nhu cầu của họ giảm, các thách thức chính trị và xã hội nổi lên. Cùng lúc đó, mong đợi về việc vùng nội địa bên ngoài đồng bằng sông Dương Tử phát triển nhanh như vùng duyên hải cũng không thể trở thành hiện thực. Trung Quốc phải xử lý các vấn đề này trong 10 năm tới.
Xu hướng tập trung quyền lực của Bắc Kinh ngày càng tăng và chiến dịch chống tham nhũng – thực ra là sự thể hiện quyền lực của Bắc Kinh trên toàn Trung Quốc – cho thấy những nét khái quát mà Trung Quốc muốn thấy trong 10 năm tới. Trung Quốc đang đi theo một con đường hỗn hợp với việc tập trung quyền lực chính trị và kinh tế, củng cố sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với quân đội, chỉnh đốn lại các ngành công nghiệp như thép và than đá, dần dần triển khai cải cách các tập đoàn nhà nước và khối ngân hàng theo xu hướng kinh tế thị trường. Nhiều khả năng chính quyền sẽ đưa ra các mục tiêu kinh tế khiêm tốn. Tuy nhiên, còn một khả năng thấp hơn: các thế lực chính trị ở vùng duyên hải chống lại chính sách của Bắc Kinh chuyển sự giàu có vào trong nội địa. Hiện tượng này đã từng xảy ra ở Trung Quốc, và nên chú ý đến nó. Dự báo của Stratfor là sự kết hợp giữa một chính quyền tập trung quyền lực chính trị-kinh tế ở mức độ cao và chủ nghĩa dân tộc lên cao.
Không dễ để Trung Quốc biến chủ nghĩa dân tộc thành sự hung hăng. Vị trí địa lý của họ làm cho việc gây hấn trên đất liền rất khó, gần như không thể. Ngoại lệ duy nhất có thể là nỗ lực kiểm soát lợi ích biển của Nga nếu Nga phân rã đúng như chúng tôi dự đoán.
Nhật Bản thách thức Trung Quốc
Nhật Bản sẽ là đối thủ thách thức chính với Trung Quốc. Dù Trung Quốc đang đóng thêm nhiều tàu, nhưng họ có ít kinh nghiệm về chiến tranh trên biển và thiếu các chỉ huy hạm đội lão luyện để đối mặt với các lực lượng hải quân như của Mỹ.
Nhật Bản có khả năng xây dựng lực lượng hải quân lớn hơn và một truyền thống đáng kể về hàng hải. Hiện nay Mỹ là người bảo đảm tự do hàng hải. Tuy nhiên Stratfor dự đoán Mỹ sẽ cẩn trọng hơn trong các hành động bên ngoài nước Mỹ và Mỹ không phụ thuộc vào nhập khẩu, nên Mỹ sẽ không còn là chủ thể chính. Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh hải quân trong các năm tới.
Tranh giành các đảo nhỏ chỉ đem lại nguồn năng lượng giá thấp và không có lãi, nên đó sẽ không phải là vấn đề chính trong khu vực. Cục diện cũ “Tam quốc” sẽ xuất hiện: Nga, thế lực đang suy yếu, sẽ không thể bảo vệ lợi ích biển của mình. Trung Quốc và Nhật đều hứng thú với lợi ích của Nga và sẽ cạnh tranh lẫn nhau. Đây sẽ là vấn đề trọng tâm và khó giải quyết nhất ở khu vực này.
Xuất hiện các trung tâm chế tạo hậu Trung Quốc
Chủ nghĩa tư bản quốc tế yêu cầu một vùng tăng trưởng cao và chi phí thấp để đem lại nguồn lợi lớn cho việc đầu tư mạo hiểm. Ví dụ thập kỷ 1880 là Mỹ; gần đây là Trung Quốc, trước đó là Nhật Bản. Không nước đơn lẻ nào có thể thay thế Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã đánh dấu 16 nước với tổng dân số khoảng 1,15 tỷ người có thể thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo cơ bản.
Để nhận diện các quốc gia này, chúng tôi nhìn vào 3 ngành công nghiệp. Một là công nghiệp dệt may, cụ thể là các mặt hàng cấp thấp và các bộ phận đơn lẻ như diềm áo. Thứ hai là công nghiệp sản xuất giày dép. Thứ ba là ngành lắp ráp điện thoại di động. Ba ngành trên đòi hỏi lượng vốn đầu tư thấp, và các nhà sản xuất di chuyển cơ sở thường xuyên để tận dụng mức lương thấp. Các ngành này tạo ra cơ sở để ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu cao với các mặt hàng giá rẻ. Lực lượng lao động, chủ yếu là phụ nữ. Mức lương so với thế giới là thấp, nhưng lại hấp dẫn với mức sinh hoạt địa phương.
Giống như quá trình vươn lên của Trung Quốc cuối những năm 1970, các nước này có những bất ổn về chính trị: khái niệm pháp quyền chưa rõ ràng, hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn và các nguy cơ mà những nền công nghiệp hiện đại né tránh. Nhưng các công ty đến từ nước khác lại thích hợp với môi trường đó, và đã xây dựng các mô hình kinh doanh phù hợp.
Bản đồ trên cho thấy các nước này tập trung chủ yếu gần Ấn Độ Dương. Đó cũng là các nước hoặc vùng kém phát triển ở châu Á, Đông Phi và Mỹ Latinh. Trong 10 năm tới, hầu hết các nước trên (có thể có vài nước khác) sẽ đảm nhiệm vai trò của Trung Quốc trong thập kỷ 1980. Cho đến giai đoạn cuối của 10 năm tới, họ sẽ tiến vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng về sản phẩm./.
Hoài Nam - Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment