Reuters hôm qua 11.3 đưa tin Mỹ đã đề nghị Việt Nam ngừng để Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh tiếp dầu cho máy bay ném bom.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, Washington tôn trọng quyền của Hà Nội về tham gia các thỏa thuận với các nước khác.
Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Vincent Brooks.
Song quan chức này cho biết: “Chúng tôi đã thúc giục các quan chức Việt Nam đảm bảo để Nga không thể sử dụng việc tiếp cận căn cứ Cam Ranh để tiến hành các hoạt động gây căn thẳng trong khu vực”.
Trước đó, các quan chức Mỹ cáo buộc máy bay ném bom Nga đã tăng cường các chuyến bay phô diễn sức mạnh ở Châu Á – Thái Bình Dương, nơi đã có căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các quốc gia ASEAN.
Reuters dẫn lời Tướng Vincent Brooks, tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng các máy bay Nga đã thực hiện các chuyến bay “khiêu khích”, kể cả xung quanh lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi có căn cứ không quân lớn của Mỹ.
Ông Brooks nói rằng các máy bay Nga lượn quanh Guam được tiếp dầu bởi máy bay Nga bay từ Vịnh Cam Ranh. Ông này còn nói các chuyến bay cho thấy Nga đang hành động như “yếu tố làm hỏng lợi ích của chúng ta và lợi ích của các bên khác”.
Tướng Brooks từ chối nói rõ các chuyến bay Nga ông ta nhắc đến diễn ra khi nào, bao nhiêu chuyến và bao nhiêu máy bay tham gia. Nhưng ông khẳng định các chuyến bay đó có kể từ khi Nga sáp nhập Crưm tháng Ba năm ngoái.
Hôm 4.1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay tiếp dầu Il-78 của Nga đã sử dụng căn cứ Cam Ranh năm 2014, cho phép tiếp dầu cho máy bay ném bom chiến lược “Gấu” TU-95 có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Thông tin này cũng được báo chí Việt Nam đăng tải.
Cuối tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói, việc Hà Nội tìm kiếm “các đối tác lịch sử” trong vấn đề an ninh là điều dễ hiểu, nhưng Mỹ “có nhiều thứ để đề xuất… nhằm tăng cường an ninh của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.
Tháng 5.2014, Tướng Mỹ Brooks cho rằng việc Nga can thiệp vào Ukraina đi cùng với sự gia tăng đáng kể các hoạt động hàng không của Nga ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhằm phô diễn sức mạnh và thu thập thông tin tình báo.
Năm 2014, NATO cho biết đã tiến hành hơn 100 lần đánh chặn máy bay Nga ở gần biên giới các nước đồng minh NATO, cao gấp 3 lần so với năm trước đó.
Theo Reuters-NLĐ
Comments[ 0 ]
Post a Comment