Trong thời gian qua, giới phân tích quân sự liên tục nhắc đến cuộc đấu giữa các khái niệm “Chiến tranh không - biển” của Mỹ và “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập - A2/AD” của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào các hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, tàu khu trục và tàu ngầm nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận các khu vực lợi ích của nước này cũng như gây khó khăn khi Mỹ muốn tung lực lượng hỗ trợ đồng minh, đối tác trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, một nhân tố không thể thiếu khác trong mọi tình huống chiến tranh trong khu vực là vai trò của Nhật Bản. Theo chuyên san The National Interest, bố cục địa lý tự nhiên của Nhật giúp nước này có thể xây dựng một phiên bản A2/AD của riêng mình để phong tỏa các lực lượng Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định chuỗi đảo Ryukyu phía nam Nhật Bản sẽ là tài sản quan trọng nhất của nước này trong chiến lược phong tỏa ngõ ra của các hạm đội Trung Quốc. Với đảo lớn nhất là Okinawa, chuỗi đảo Ryukyu trải dài theo hướng tây nam từ Kyushu đến gần Đài Loan. Theo ông Mizokami, nếu được gia cố đúng mức, Ryukyu hoàn toàn có thể chặn đứng mọi nỗ lực muốn đi qua hành lang biển hiểm trở này. Ông dẫn chứng rằng trong Thế chiến 2, Mỹ đã phải vô cùng vất vả mới vượt qua được phòng tuyến của quân Nhật ở Okinawa và gặp rất nhiều khó khăn chống đỡ các cuộc tấn công của đội máy bay cảm tử Thần Phong xuất phát từ nhóm đảo Sakashima cũng thuộc Ryukyu.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc (PLA) hiện có 3 hạm đội. Hạm đội Bắc Hải, đặt tổng hành dinh tại Thanh Đảo, chịu trách nhiệm vùng biển từ Hoàng Hải trở lên phía bắc. Hạm đội Đông Hải, cảng nhà ở Ninh Ba, quản lý các vùng biển về hướng biển Hoa Đông và xa hơn nữa. Theo The National Interest, eo biển Miyako rộng 257 km nằm giữa đảo Miyako và Okinawa là đường đi duy nhất ở phía nam để các tàu thuộc 2 hạm đội này tiến ra khỏi phạm vi biển Hoa Đông. Do vậy, Nhật có được lợi thế triển khai hệ thống phong tỏa đa lớp gồm các cảm biến, radar và vũ khí phù hợp để bày sẵn chiến trường trong trường hợp xảy ra xung đột, ngăn không cho Hạm đội Đông Hải tiến nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Một tác dụng không kém phần quan trọng khác là lực lượng Nhật ở Ryukyu có thể chặn đứng đường đi của viện binh từ 2 hạm đội Đông Hải và Bắc Hải xuống biển Đông để hỗ trợ Hạm đội Nam Hải nếu xảy ra biến cố tại đây.
Vòng kim cô của Nhật ở Ryukyu có thể bao gồm radar tối tân AN/TPY-2, các đội tàu tuần duyên và khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng vệ tên lửa Aegis (BMD) cũng như các hệ thống phòng không Patriot PAC-2 và PAC-3. Trong tương lai gần, Nhật Bản có thể sẽ sớm mua được 3 máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk từ Mỹ với khả năng lập tức truyền thông tin tình báo thực chiến đến bộ tư lệnh các lực lượng hỗn hợp. Chúng còn có thể được triển khai để theo dõi khu vực đại lục, quan sát nhất cử nhất động tại các sân bay, cảng biển, căn cứ tên lửa và các trụ sở quân sự khác. Cuối cùng, dù vẫn chưa được chính thức triển khai nhưng theo nhiều nguồn tin, Nhật Bản đã bắt đầu cho cài đặt mạng lưới sonar dưới nước dọc theo eo Miyako tương tự như hệ thống SOSUS bao phủ đáy biển Greenland - Iceland - Anh trong thời Chiến tranh lạnh. Mạng lưới này thuộc hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) được xây dựng trong nhiều thập niên qua, cho phép Nhật Bản theo dõi sát sao tàu ngầm Trung Quốc.
Thực lực quân sự Nhật
Tuy kém Trung Quốc về các số liệu “cứng” như số lượng khí tài, ngân sách quốc phòng… nhưng Nhật được đánh giá là có lực lượng phòng vệ tinh nhuệ và được trang bị mạnh nhất nhì khu vực.
Tên lửa phòng thủ bở biển Type-88 của Nhật - Ảnh: JGSDF
Trong đó, theo The National Interest, hạm đội gồm 16 tàu ngầm của Nhật Bản, chuẩn bị tăng lên 22 vào năm 2021, sẽ là lá chắn phòng thủ tích cực hiệu quả nhất. Tám chiếc tàu ngầm điện/diesel lớp Soryu vào hàng tàu ngầm tấn công phi hạt nhân hiện đại nhất thế giới được trang bị 4 hệ thống động cơ AIP tối tân nên có thể hoạt động dưới nước lâu hơn so với những tàu ngầm điện/diesel khác. Tàu lớp Soryu có 6 ống phóng ngư lôi, có thể mang 20 ngư lôi tốc độ cao Type 89 và tên lửa Harpoon do Mỹ sản xuất. Ngoài ra còn phải kể tới tàu ngầm lớp Oyashio được trang bị radar và thiết bị điện tử hiện đại sản xuất nội địa còn hệ thống sonar dựa trên thiết kế của Mỹ. Tàu Oyashio cũng có khoảng 20 ngư lôi Type 89 và tên lửa Harpoon. Chuyên gia Kyle Mizokami đánh giá tàu ngầm của Nhật sẽ khiến Trung Quốc rất lo ngại do nước này khá yếu ớt về khí tài lẫn kinh nghiệm chống tàu ngầm trong khi thủy thủ tàu ngầm Nhật Bản được huấn luyện bài bản cùng các đồng nghiệp Mỹ. Trong điều kiện thời chiến, bên cạnh một nhóm tàu ngầm theo dõi biên giới phía bắc với
Nga, Nhật vẫn còn đủ tàu để thành lập lá chắn gồm 8 tàu ngầm trải rộng từ vùng biển giáp Đài Loan đến đảo phía nam Kyushu.
Chưa hết, xuất phát từ các sân bay kéo dài Kyushu đến Okinawa, các phi đội máy bay cảnh báo sớm E-767, E-2D cùng máy bay tuần tra Kawasaki P-1 và P-3C Orion có thể nhanh chóng phát hiện mục tiêu địch, kể cả tàu ngầm và cung cấp tin tình báo để chiến đấu cơ F-15J xử lý. Hiện Nhật đang triển khai 20 chiếc F-15J tuần tra liên tục khu vực Ryukyu và Senkaku/Điếu Ngư. Theo chuyên gia Mizokami, tuy tuổi đời đã 30 năm nhưng F-15J liên tục được cải tiến, nâng cấp và có sức mạnh không kém những chiến đấu cơ thế hệ mới hơn. Đặc biệt máy bay này được trang bị tên lửa hồng ngoại AAM-5 mà Trung Quốc không hề có. Đóng vai trò hỗ trợ F-15J là chiến đấu cơ F-2 mang tên lửa tầm trung AAM-4B cùng tên lửa đối hạm Type 93, đủ sức kết hợp với các đợt tấn công của Lực lượng phòng vệ biển.
Cuối cùng, hệ thống phòng thủ bờ biển Type-88 có thể dùng để ngăn lực lượng Trung Quốc đổ bộ lên các đảo Miyako, Ishigakijima, và cả Okinawa. Di chuyển trên các bệ phóng di động, đây là loại tên lửa rất khó bị vô hiệu hóa. Với tầm bắn gần 160 km, tên lửa này đủ sức bao phủ eo biển Miyako khi được đặt tại Miyako và Okinawa. Trên lý thuyết, Nhật có thể bố trí các khẩu đội Type-88 trên những hòn đảo kéo dài từ gần Đài Loan đến tận Kyushu, để giữ tàu Trung Quốc trong tầm ngắm. Đáng chú là trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã tổ chức những cuộc tập trận có sự tham gia của Type-88 gần eo biển chiến lược Miyako, theo The National Interest.
Một yếu tố chủ lực khác trong phiên bản A2/AD của Nhật là 2 nhóm tác chiến tàu nổi, xoay quanh các tàu khu trục chở trực thăng Hyuga và Izumo với ít nhất 6 trực thăng chiến đấu chống ngầm cho mỗi tàu. Nhiều chuyên gia đánh giá Izumo, tàu chiến lớn nhất của Nhật hiện nay, hoàn toàn có thể thoắt biến thành tàu sân bay có khả năng chở chiến đấu cơ F35 mà Nhật đang muốn mua cũng như đóng vai trò tàu đổ bộ. Chịu trách nhiệm bảo vệ các tàu lớn này sẽ là các khu trục hạm lớp Atago được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, tên lửa đối không SM-2, SM-3 hoặc tên lửa chống ngầm ASROC. Ngoài ra, tàu này còn có 8 tên lửa chống tàu SSM-1B và ngư lôi chống ngầm Type 73. Bên cạnh đó, với lợi thế về tốc độ và sự linh hoạt, các tàu tuần tra lớp Hayabusa mang tên lửa đối hạm SSM-1B đóng vai trò quan trọng để triển khai A2/AD và đặc biệt phù hợp khi hoạt động trong môi trường “chi chít” các đảo nhỏ như Ryukyu.
Thụy Miên - Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment