Trung Quốc dùng chiêu “có tiền mua tiên cũng được”
Thursday, March 26, 2015
Ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ thông báo, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 và sẽ thông báo với Mỹ và Nhật Bản về động thái này. Đồng thời khẳng định, AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Bởi phải cần một thời gian dài để AIIB mới có thể sánh ngang với ADB, và còn lâu mới đuổi kịp WB. Ngày 24/10/2014, Trung Quốc chính thức thành lập AIIB với trị giá 50 tỉ USD.
Hạm đội Hải quân Mỹ
Theo giới truyền thông, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến ý tưởng thành lập AIIB từ năm 2013 và khi đó Washington không quan tâm tới việc này. Và “thảm họa ngoại giao” đã nổ ra đối với Mỹ sau khi Anh tuyên bố (12/3) tham gia AIIB. Tiếp đến là Đức, Pháp, Italia. Dự kiến, Australia sẽ đầu tư khoảng 2,3 tỉ USD vào AIIB, còn Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đánh tiếng, Tokyo có thể gia nhập nếu AIIB bảo đảm các tiêu chuẩn về cho vay. Được biết, trước thềm cuộc hội đàm hôm 21/3, Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thảo luận riêng về nhiều vấn đề, trong đó có việc thành lập AIIB.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew từng tuyên bố, quan ngại chính của Washington đối với AIIB là liệu ngân hàng này có tuân thủ các tiêu chuẩn cao mà các thể chế tài chính quốc tế đang phát triển… Giới chuyên môn cho rằng, sức hút của AIIB đến từ thị trường lẫn khoản tiền khổng lồ của Trung Quốc, trong khi cả WB và ADB đều không thể đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng ở châu Á.
Có người nói rằng, Trung Quốc đang tìm cách “dùng tiền mua quan hệ” để đánh bật Mỹ ra khỏi những lĩnh vực Washington từng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong giới tài chính lại cho rằng, việc các đồng minh quan trọng của Mỹ gia nhập AIIB như Anh, Pháp, Đức, Italia và sắp tới là Australia, Hàn Quốc… sẽ giúp Washington hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với việc tiến hành các dự án cho vay trong khu vực.
Trước đó (11/2), với chủ đề “Tạo dựng vận mệnh cộng đồng, chung tay xây dựng Con đường Tơ lụa thế kỷ XXI”, hội thảo quốc tế về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI đã diễn ra tại thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc với sự tham dự của hơn 280 chuyên gia, học giả đến từ 30 quốc gia như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ...
Cũng trong ngày 20/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ vẫn duy trì đà phát triển ổn định. Đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm Mỹ trong tháng 9 của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng thống Barack Obama là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương. Do đó, hai bên cần hợp tác chặt chẽ và chuẩn bị chu tất để chuyến thăm diễn ra thành công.
Trước đó (17/3), tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cho rằng, muốn xử lý tốt quan hệ Trung - Mỹ, 2 bên cần kiên trì đại cục, cầu đồng tồn dị, kiên trì tư duy cùng thắng, cùng nắm bắt cơ hội, tiếp tục mở rộng hợp tác cùng có lợi; đồng thời kêu gọi Mỹ tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược. Ông Henry Kissinger cho rằng, quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung phù hợp với lợi ích hai bên và là cách làm có tầm nhìn xa xuất phát từ phát triểu lâu dài.
Nhưng ngày 21/3, Tân Hoa xã đã gọi Mỹ là “kẻ thích xen vào chuyện người khác”, đồng thời đề nghị Washington ngừng xúi bậy và can dự vào Biển Đông. Cũng trong ngày 21/3, tờ China Daily dẫn chỉ trích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, phản đối tuyên bố hôm 17/3 của Phó đô đốc Robert Thomas, người từng nói rằng (tháng 1/2015), Mỹ chào đón Nhật Bản tuần tra hàng không mở rộng xuống Biển Đông. Bởi theo ông Hồng Lỗi, tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán giữa các nước liên quan trực tiếp.
Ngày 17/3, Hãng Bloomberg dẫn lời Phó đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 (Mỹ) khi ông kêu gọi các nước Đông Nam Á thành lập một lực lượng chung trên biển để tuần tra những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố này diễn ra sau đề xuất của Thiếu tá Hải quân Jeff Benson - Mỹ nên thành lập một Trung tâm Hoạt động Hàng hải Quốc tế (IMOC) ở Indonesia nhằm giám sát các hoạt động trên biển trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động gấp hơn 2 lần số tàu ngầm ở Châu Á - Thái Bình Dương, tương đương với 60% số tàu ngầm Mỹ sẽ được triển khai.
Trước đó (16/3), Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng hoanh nghênh Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn tại Biển Đông. Và ngày 19/3, Phó đô đốc Hải quân Philippines Jesus Millan tuyên bố, ủng hộ tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ và việc này phải được tất cả các quốc gia liên quan ủng hộ, soạn thảo khung pháp lý chung để phối hợp thực hiện. Cũng trong ngày 19/3, tờ Sout China Morning Post cho rằng, các quốc gia ASEAN đã phản ứng lạnh lùng trước lời kêu gọi của Phó đô đốc Robert Thomas.
Tạp chí Quốc phòng Châu Á - Thái Bình Dương số mới nhất của Đài Loan cho rằng, một khi Washington khai hỏa với Bắc Kinh, mục tiêu chiến lược cần xóa sạch trước tiên của quân đồn trú Mỹ tại Nhật Bản là 15 cây cầu lớn trên sông Trường Giang. Bởi việc tiêu diệt 15 cây cầu này sẽ khiến cho hoạt động vận chuyển tư liệu sản xuất, vật tư chiến lược quan trọng của Trung Quốc do quân đội nước này bị gián đoạn hoàn toàn, đồng thời đánh vào lòng tin tác chiến của quân và dân Trung Quốc.
Và Nhật Bản có thể cung cấp tin tức tình báo cho Mỹ về tọa độ của 15 cây cầu này. Giới quân sự cho rằng, có 3 loại vũ khí của Trung Quốc có thể khiến Mỹ e ngại. Đó là tên lửa DF-21D, có thể bắn hạ tàu lớn trên biển với độ chính xác cao, tiếp đến là các loại thủy lôi và sau cùng là nâng tầm các loại tên lửa và tên lửa đạn đạo cho một đợt tấn công dồn dập.
Tuấn Quỳnh - PetroTimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment