Ngày 19-3, không quân Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) Astra do nước này tự nghiên cứu và phát triển, tại khu vực ngoài khơi bang miền đông Odisha, gần bãi thử hỗn hợp ở Balasore.
Tên lửa Astra được phóng từ máy bay chiến đấu Su-30MKI
Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, một tên lửa Astra mang theo radar dẫn đường được phóng đi từ một chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKI nhằm vào mục tiêu là một máy bay không người lái và đã tiêu diệt thành công chiếc máy bay này.
Toàn bộ quá trình phóng thử đã được ghi nhận lại qua sóng radio và các trạm quan trắc điện tử quang học của không quân đặt trên máy bay và các trạm mặt đất.
Đây là vụ phóng thử thứ 2 thành công liên tiếp đối với tên lửa không đối không Astra sau vụ phóng hôm 18-3, cũng từ một máy bay chiến đấu Su-30MKI.
Giám đốc Bãi phóng thử tích hợp M V K V Prasad cho biết, trong cả hai vụ phóng thử này, tất cả các hệ thống phụ của tên lửa như động cơ đẩy, hệ thống định vị, dẫn đường, và cả quá trình tên lửa tách khỏi máy bay, đều đã thành công.
Tên lửa Astra là tên lửa không đối không vượt tầm nhìn đầu tiên của Ấn Độ, có radar dẫn đường và động cơ đẩy không gây khói, đồng thời có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Với chiều dài 3,8m và trọng lượng 160kg, tên lửa này có thể mang đầu đạn thường 15kg. Tên lửa Astra được sử dụng để đánh chặn và phá hủy các máy bay có tốc độ siêu âm.
Tên lửa Astra do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ tự thiết kế và phát triển. Hiện tại, dòng tên lửa này có 2 phiên bản là Astra Mk-1 và Astra Mk-2.
Theo thiết kế được tiết lộ, biến thể tên lửa Astra Mk-1 đạt tầm bắn xa 44km với xác suất trúng đích ngay trong lần phóng đầu tiên, trong khi đó, biến thể Astra Mk-2 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa trên 100km.
Tên lửa Astra rời khỏi giá phóng trên cánh máy bay Su-30MKI trong vụ thử hôm 19-3
Việc Không quân Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm thành công tên lửa Astra đã đưa nước này trở thành nước thứ 5 trên thế giới có công nghệ sản xuất tên lửa đối không tầm xa. Hiện nay chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp có khả năng sản xuất loại tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu trên không vượt ngoài phạm vi tầm nhìn (90-120 km).Lần thử nghiệm trước đó của tên lửa Astra được Ấn Độ tiến hành hồi tháng 5-2014. Vụ phóng thử được đánh giá là thành công, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa không đối không tầm xa của Ấn Độ.Không quân Ấn Độ dự định, đầu tiên sẽ trang bị loại tên lửa không đối không này trên máy bay chiến đấu Su-30MKI, sau đó là máy bay chiến đấu hạng nhẹ quốc nội HAL Tejas.Hiện tại, công việc thử nghiệm phát triển của tên lửa Astra đang được đẩy nhanh và sẽ tiến hành trên tất cả các loại máy bay hiện có của Ấn Độ. Sau đó sẽ tiến hành các hiệu chỉnh cần thiết để có thể hoàn thành thử nghiệm trong quý II năm nay và sẽ chính thức đưa tên lửa vào trang bị cho lực lượng không quân.
ANTĐ
Comments[ 0 ]
Post a Comment